Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

CÔ BÉ MÊ ĐỌC SÁCH


Có một điều rất buồn cười về các ông bố bà mẹ, đấy là cứ con cái họ thì dù cho có ngỗ ngược hay hỗn hào đến đâu đi chăng nữa, trong mắt họ chúng vẫn là những đứa trẻ ngoan ngoãn và dễ thương nhất trên thế giới. 

Thậm chí có một số vị phụ huynh còn đi xa hơn thế. Họ cưng con của mình nhiều đến nỗi đã tự thuyết phục được mình rằng đứa trẻ đó là cả một thiên tài bẩm sinh. 

Ừ thì chuyện đó cũng chẳng có gì là sai cả, ai chả có chút thiên vị như thế. Nhưng đến khi những vị phụ huynh trên bắt đầu lải nhải với chúng ta về phẩm chất thiên tài nơi đứa con ngỗ nghịch của họ, thì chúng ta chỉ còn nước mà thét lên: “Đừng có nói nữa! Mau mang cho tôi mượn cái chậu đi, tôi sắp phát ói ra rồi đây!” 



Các giáo viên là những người phải chịu đựng những màn lải nhải ngớ ngẩn kiểu này nhiều nhất, nhưng họ sẽ được trả đũa lại khi những bản báo cáo hạnh kiểm cuối kỳ đến tay các vị phụ huynh. Nếu tôi mà là một giáo viên, tôi sẽ đánh một bản cáo trạng thích đáng cho những đứa nhóc vào cái bản báo cáo hạnh kiểm cuối kỳ này. Tôi sẽ viết: “Con trai ông bà, Maximilian, là một đứa thất bại toàn tập. Hy vọng gia đình ông bà có công việc kinh doanh nào đó để có thể nhét nó vào làm sau khi nó ra trường, bởi nếu không thì xin đảm bảo là nó sẽ không kiếm được việc làm ở bất cứ đâu đâu!”. Còn nếu cao hứng, tôi sẽ viết: “Có một sự thật khá kỳ quặc, đấy là cơ quan thính giác của một con châu chấu thực ra lại nằm ở hai bên bụng của nó. Còn con gái của ông bà, Vanessa, xét trên những gì cô bé đã học được trong kỳ vừa qua, xin được kết luận là cô bé chẳng có cơ quan thính giác ở chỗ nào hết.” 



Tôi thậm chí có thể sẽ đào sâu hơn về vấn đề lịch sử khoa học tự nhiên và nói: “Một con ve sầu làm ấu trùng dưới lòng đất trong suốt sáu năm, và chỉ có không đến sáu ngày được trông thấy ánh nắng mặt trời. Con trai Wilfred của ông bà đã làm con ấu trùng ở cái trường này trong suốt sáu năm, và chúng tôi vẫn đang chờ cái ngày cậu bé chui ra được khỏi kén.” Một con nhóc ngỗ nghịch nào đấy có lẽ sẽ khiến tôi phải phát cáu mà viết: “Fiona có thể nói là hoàn toàn giống với một tảng băng trôi lững lờ trên biển, chỉ trừ có một điểm đấy là tảng băng trôi thì còn có những phần chìm bên dưới, còn cô bé thì không.” Tôi thực sự tin là mình sẽ rất thích thú với cái việc viết báo cáo hạnh kiểm cho lũ học sinh ngỗ nghịch này của mình. Nhưng thôi, tưởng tượng thế đủ rồi, hãy cùng quay trở lại với câu chuyện của chúng ta nào. 

Tuy thế, thỉnh thoảng tôi cũng gặp một kiểu cha mẹ hoàn toàn ngược lại, những ông bố bà mẹ không quan tâm một chút gì đến con cái mình, và loại này tất nhiên còn tệ hơn nhiều so với loại phụ huynh thứ nhất. Ông bà Wormwood thuộc vào loại thứ hai này. Họ có một đứa con trai tên là Michael và một đứa con gái tên là Matilda; và hai vị phụ huynh này coi Matilda không hơn gì một thứ của nợ - một thứ mà bạn phải gánh theo bên mình cho đến lúc bạn có thể búng được nó đi chỗ khác. Ông bà Wormwood chỉ chờ đến lúc có thể búng được cô con gái bé bỏng của mình đi cho xa thật là xa, có thể là sang nước bên cạnh, có khi còn xa hơn nữa. 

Cha mẹ mà coi con cái là thứ của nợ, dẫu cho đứa con họ có bình thường đi chăng nữa thì cũng đã là tệ lắm rồi. Nhưng bằng cách nào đấy, nó sẽ còn tệ hơn nhiều nếu đứa trẻ đó là một đứa trẻ phi thường - tôi đang muốn nói đến một đứa trẻ vô cùng nhạy cảm và thông minh. Matilda là một đứa trẻ như thế, nhưng hơn hết cô bé là một đứa trẻ thông minh. Cô bé rất lanh lợi và học rất nhanh, đến nỗi khả năng thiên bẩm của cô bé đã hiển nhiên đến mức đến người ngu cũng phải nhận ra; ấy thế mà ông bà Wormwood thì không. Họ quá ngốc nghếch và quá mê mải với cái cuộc sống bé con con của họ, đến mức không ai thấy được những điều khác thường nơi con gái mình. Nói thật, tôi ngờ rằng nếu có một ngày bé Matilda lết vào nhà với một cái chân gãy thì họ cũng sẽ chẳng chú ý tới đâu. 

Cậu anh trai Michael là một cậu bé hoàn toàn bình thường, nhưng cô em gái cậu thì hoàn toàn không bình thường chút nào hết. Cô bé có khả năng làm bất cứ người lớn nào cũng phải chết sững vì ngạc nhiên. Khi chỉ mới một tuổi rưỡi, Matilda đã biết nói thành thạo và vốn từ của cô bé đã ngang ngửa với một người lớn. Nhưng ba mẹ cô bé, thay vì vỗ tay tán thưởng, lại mắng rằng cô bé là một đứa suốt ngày chỉ biết huyên thuyên, và rằng trẻ con là để người ta ngắm chứ không phải để người ta nghe! 



Khi được ba tuổi, Matilda đã tự học đọc bằng những tờ báo, những tờ tạp chí vứt lăn lóc khắp nhà. Đến khi lên bốn, cô bé đã có thể đọc chữ rất nhanh, và dần dần cô bé bắt đầu đọc đến sách. Cuốn sách duy nhất có trong ngôi nhà đó là cuốn “Hướng dẫn nấu ăn” của bà Wormwood . Matilda đã đọc đi đọc lại nó nhiều tới mức thuộc lòng hết tất cả các công thức nấu ăn có trong đó; và rồi cô bé quyết định cô cần phải tìm một thứ gì đó thú vị hơn để đọc. 



“Ba ơi,” cô bé hỏi: “con có thể mua một cuốn sách được không ạ?” 

“Một cuốn sách?” Ông bố nói. “Mày cần một cuốn sách để làm gì?” 

“Để đọc ạ, thưa ba.” Matilda đáp. 

“Thế mày nghĩ cái tivi kia dùng để làm gì? Nhà đã có hẳn cái một cái tivi 12 in tuyệt đẹp rồi, thế mà mày còn mở mồm ra đòi mua sách nữa ư? Mày đang càng ngày càng hư đi đấy, con ạ!” 

Gần như mọi buổi chiều cô bé Matilda đều bị nhốt trong nhà một mình. Anh trai cô bé (lớn hơn cô bé năm tuổi) thì vẫn đang ở trường. Ông bố đi làm, còn bà mẹ thì bỏ đi chơi bài ở một thị trấn cách nhà đến hơn tám dặm. Bà Wormwood có thể nói là nghiện chơi bài, cứ một tuần thì có đến năm ngày bà bỏ con gái ở nhà để tìm đến với những lá bài. Vào buổi chiều của cái hôm ông Wormwood từ chối mua cho Matilda một cuốn sách, cô bé đã đi bộ một mình tới thư viện công cộng trong làng. Khi tới được đó, bé tự giới thiệu mình với người thủ thư, cô Phelps. Cô bé hỏi rằng liệu mình có thể ngồi ở đó một lúc và đọc vài cuốn sách không? Cô Phelps, tuy có thoáng chút ngần ngại khi thấy một bé gái mới ba, bốn tuổi tới thư viện một mình mà không có ba hay mẹ đi cùng, vẫn rất vui vẻ tiếp đón Matilda. 

“Cô ơi, giá sách thiếu nhi ở đâu vậy ạ?” cô bé hỏi. 

“Ở đằng kia kìa cháu, chỗ cái ngăn kệ thấp nhất ấy.” Cô Phelps nói. “Để cô tìm giúp cháu một cuốn có thật nhiều tranh vẽ nhé?” 

“Dạ thôi không cần đâu cô ạ.” Matilda đáp. “Cháu tự lo được mà.” 

Kể từ hôm đó, cứ mỗi chiều, ngay sau khi mẹ Matilda rời khỏi nhà là cô bé lại rảo bước tới thư viện. Chuyến đi này chỉ lấy của Matilda khoảng mười phút, thế nhưng nó lại cho cô bé tới hơn hai giờ đồng hồ tuyệt vời được ngồi yên lặng trong một góc khuất ấm áp, đọc ngấu nghiến hết cuốn sách này tới cuốn sách khác. Và khi Matilda đã đọc hết toàn bộ chỗ sách thiếu nhi có trong thư viện, cô bé bắt đầu dạo quanh các giá sách còn lại để tìm thêm những cuốn khác. 

Đến lúc này cô Phelps, người đã theo dõi cô bé một cách rất hứng thú suốt mấy tuần qua, liền đứng dậy khỏi chiếc bàn thủ thư và tới bên cô bé. “Cô có giúp gì được không, Matilda?”, cô Phelps hỏi. 

“Cháu đang không biết nên đọc cuốn nào tiếp ạ.” Matilda đáp. “Cháu đã đọc xong hết tất cả những cuốn sách thiếu nhi rồi.” 

“Ý cháu là cháu đã xem hết các bức tranh rồi, đúng không?” 

“Vâng, nhưng cháu cũng đã đọc hết các phần chữ rồi ạ.” 

Cô Phelps cúi xuống nhìn Matilda từ cái đầu cao ngất của mình, và Matilda cũng nhìn thẳng lại vào cô. 



“Có vài cuốn cháu thấy hơi ngắn,” Matilda nói. “Nhưng những cuốn khác thì đều tuyệt hết cô ạ! Cháu thích cuốn Khu vườn bí mật nhất. Cuốn sách đó chứa đầy những điều bí mật. Bí mật của căn phòng phía sau cánh cửa đóng kín, rồi bí mật của khu vườn phía sau những bức tường khổng lồ.” 

Cô Phelps đứng sững ra vì ngạc nhiên. “Chính xác thì cháu mấy tuổi rồi, Matilda?” 

“Dạ, bốn tuổi và ba tháng ạ.” Matilda đáp. 

Cô Phelps trở nên kinh ngạc hơn bao giờ hết, tuy nhiên cô không hề để lộ nó ra ngoài. 

“Vậy cháu muốn đọc loại sách như thế nào tiếp theo?” 

Matilda đáp: “Cháu muốn tìm một cuốn thật hay mà người lớn cũng thích đọc. Cuốn nào nổi tiếng ấy ạ. Cháu không biết tên cuốn nào hết.” 

Cô Phelps chậm rãi nhìn lướt qua các giá sách. Cô thực sự không rõ phải mang cuốn nào ra nữa. Cô tự hỏi, làm thế nào mà mình có thể chọn được một cuốn sách nổi tiếng viết cho người lớn cho một cô bé mới có bốn tuổi? Đầu tiên cô định sẽ lựa một cuốn tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, loại sách vẫn được viết cho các cô thiếu nữ mười lăm, mười sáu tuổi; nhưng rồi không hiểu sao cô tự nhiên bước lướt qua luôn kệ sách đựng những cuốn kiểu đó. 

"Thử cuốn này xem,” cuối cùng cô cũng nói. “Nó khá nổi tiếng và rất đáng để đọc. Nếu cháu thấy cuốn này dày quá thì cứ bảo cô, cô sẽ tìm cho cháu một cuốn khác, ngắn và dễ đọc hơn.” 

“Triển vọng lớn lao,” Matilda đọc. “của Charles Dickens. Được ạ, cháu sẽ đọc nó.” 

Chắc mình điên mất rồi, cô Phelps tự nhủ, nhưng cô vẫn nói với Matilda: “Tất nhiên rồi, cháu lại đằng kia mà ngồi đọc nhé!” 

Trong suốt mấy buổi chiều tiếp theo, cô Phelps khó có lúc nào rời mắt ra được khỏi một bé gái nhỏ xíu cứ ngồi suốt hàng giờ trên chiếc ghế bành lớn nơi góc phòng, với một cuốn sách mở rộng trên đùi. Cần phải để nó trên đùi như thế vì cuốn sách đó quá nặng để cô bé có thể cầm lên trên tay, và như thế cũng có nghĩa là cô bé sẽ liên tục phải cúi người về phía trước để có thể đọc được cuốn sách. 

Thật là một cảnh tượng mới kỳ lạ làm sao, một cô bé tóc đen nhỏ xíu ngồi đó trên một chiếc ghế bành, với đôi chân tí hon thậm chí còn không chạm nổi đến đất, hoàn toàn đắm chìm vào những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Pip và cô Havisham trong ngôi nhà đầy bụi bặm và mạng nhện của họ; được bọc trong một thứ ma thuật kỳ diệu mà Charles Dickens, người kể chuyện vĩ đại, đã dệt nên từ từng dòng câu chữ. Chuyển động duy nhất của người độc giả tí hon là bàn tay be bé cứ thỉnh thoảng lại đưa ra để lật tiếp cuốn sách sang trang. Cô Phelps luôn cảm thấy có chút buồn bã mỗi khi tới lúc phải bước đến bên cạnh cô bé và nói: “Đã năm giờ kém mười rồi đó, Matilda.” 



Vào tuần đầu tiên khi cô bé tới thư viện, cô Phelps đã hỏi Matilda: “Có phải mẹ cháu dắt cháu tới đây hàng ngày và rồi lại đón cháu về không?” 

“Không ạ, chiều nào mẹ cháu cũng tới Aylesbury để chơi bài,” Matilda đáp. “Mẹ không biết cháu tới đây đâu.” 

“Nhưng như thế thì thật không phải!” cô Phelps nói. “Cô nghĩ cháu nên hỏi ý kiến mẹ đi đã.” 

“Cháu nghĩ không nên hỏi thì tốt hơn cô ạ.” Matilda nói. “Mẹ cháu không khuyến khích việc đọc sách. Cả ba cháu cũng vậy.” 

“Nếu thế thì họ nghĩ cháu sẽ làm gì khi phải ở nhà một mình mỗi chiều chứ?” 

“Dạ, thì cứ đi loanh quanh trong nhà rồi nằm xem tivi thôi ạ.” 

“Cô hiểu rồi.” 

“Mẹ cũng không thực sự quan tâm cháu làm gì đâu.” Matilda nói với một chút buồn bã. 

Cô Phelps có chút lo lắng cho sự an toàn của Matilda khi mỗi ngày cô bé phải đi qua ngôi làng buôn bán tấp nập High Street, và lại còn phải băng qua mấy lần đường nữa, nhưng rồi cô quyết định không nên can thiệp vào chuyện này. 

Chỉ trong vòng một tuần, Matilda đã đọc xong cuốn “Triển vọng lớn lao” dày đến bốn trăm mười một trang. “Cháu thích nó lắm ạ.” cô bé nói với cô Phelps. “Ông Dickens có còn viết cuốn nào khác nữa không hả cô?” 

“Ồ, còn nhiều ấy chứ.” cô Phelps đáp, vẫn còn kinh ngạc. “Để cô chọn cho cháu một cuốn khác nhé?” 

Trong hơn sáu tháng tiếp theo, dưới con mắt kinh ngạc và thán phục của cô Phelps, Matilda đã đọc hết những cuốn sách sau đây: 


  • “Nicholas Nickleby" của Charles Dickens 

  • “Oliver Twist” của Charles Dickens 

  • “Jane Eyre” của Charlotte Bronte 

  • “Tự hào và Thành kiến” của Jane Austen 

  • “Tess vùng D’Urbervilles” của Thomas Hardy 

  • “Biến vào trái đất” của Mary Webb 

  • “Kim” của Rudyard Kipling 

  • “Người vô hình” của H.G.Wells 

  • “Ông già và biển cả” của Ernest Hemingway 

  • “Âm thanh và Cuồng nộ” của William Faulkner 

  • “Chùm nho uất hận” của John Steinbeck 

  • “Những người bạn tốt” của J.B.Priestley 

  • “Dãy đá Brighton” của Graham Greene 

  • “Trại Loài Vật” của Geoge Orwell 

Đây là một danh mục toàn những cuốn sách kinh điển của thế giới, và cô Phelps cho đến tận bây giờ vẫn chưa hết kinh ngạc; nhưng cũng có một điều tốt là cô đã không để mình bị cuốn theo những cảm giác đó. Gần như tất cả mọi người khi chứng kiến một đứa trẻ có thể đạt được những thành tựu như thế đều sẽ không kìm được lòng mà làm loạn lên, mà chạy đi thông báo cho cả làng cả xã và xa hơn nữa về cái cô bé kỳ lạ này; nhưng cô Phelps thì không như vậy. Cô là kiểu người không thích xen vào chuyện người khác, và từ lâu cô đã biết rằng sẽ là khôn ngoan hơn nếu không can thiệp vào cách dạy con của các bậc cha mẹ. 

“Ông Hemingway viết có nhiều chỗ cháu không hiểu được,” Matilda nói với cô. “Đặc biệt là những đoạn nói về đàn ông và phụ nữ. Nhưng cháu vẫn rất thích đọc chúng. Cái cách ông ấy kể chuyện khiến cháu thấy như mình đang được thực sự ở nơi đó và chứng kiến tận mắt tất cả mọi chuyện vậy.” 

“Một nhà văn giỏi sẽ luôn khiến cháu có cảm giác như vậy đấy.” Cô Phelps nói. “Và cũng đừng nghĩ nhiều về những phần mà cháu còn chưa hiểu. Cứ ngả lưng vào ghế và để cho những từ ngữ từ từ thấm sâu vào trong cháu, như âm nhạc vậy.” 

“Vâng, cháu nhớ rồi cô ạ!” 

“Mà cháu biết không,” cô Phelps nói. “những thư viện công cộng như thế này còn cho phép độc giả được mượn sách đem về nhà đọc nữa đấy!” 

“Ôi, thật ạ?” Matilda nói. “Vậy cháu có được mượn sách về nhà không ạ?” 

“Tất nhiên là được rồi.” Cô Phelps nói. “Khi nào cháu chọn được một cuốn cháu thích, hãy mang nó tới đây để cô ghi tên sách vào sổ, và cuốn sách đó sẽ là của cháu trong vòng hai tuần. Cháu cũng có thể mượn nhiều hơn một cuốn nếu muốn.” 

Kể từ đó, Matilda chỉ còn ghé thăm thư viện mỗi tuần một lần, để trả và mượn sách mà thôi. Căn phòng ngủ bé xíu của cô bé giờ đây kiêm luôn làm phòng đọc, và hầu như chiều nào cô bé cũng ngồi trong phòng đọc sách, thường là với một cốc sô cô la nóng ở cạnh bên. Maltida vẫn chưa đủ cao để có thể với tới những thứ trên giá đồ ăn trong nhà bếp, nhưng cô bé có một cái thùng nhỏ giữ ở nhà ngoài; mỗi lần cần lấy thứ gì đó trên cao, bé chỉ cần mang nó vào, đứng lên trên là có thể dễ dàng với tới chúng. Cô bé vào bếp chủ yếu là để làm món sữa sô cô la; sữa được đun nóng trong một cái nồi nhỏ trên bếp rồi được đem trộn với sô cô la bột - thường là loại Bovril hoặc Ovaltine. 

Thật tuyệt khi có một cốc sữa sô cô la nóng bên cạnh mình khi đọc sách, trong cái tĩnh lặng của buổi chiều khi cả nhà đều đã đi vắng cả. Những cuốn sách đưa cô bé tới những thế giới mới, nơi cô gặp những con người tuyệt vời và được sống những cuộc đời tràn đầy hứng thú. Cô bé đã được ở trên những chuyến hải hành cùng Joseph Conrard, đã thám hiểm Châu Phi cùng Ernest Hemingway, và đã được đặt chân tới miền Ấn Độ xa xôi cùng với Rudyald Kipling. Maltida bé bỏng đã được du hành vòng quanh thế giới, khi đang ngồi ngay trong căn phòng nhỏ xíu của mình, tại một ngôi làng nhỏ của nước Anh.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét