Thứ Tư, 8 tháng 1, 2014

Bát linh hậu: Khoảng cách thế hệ ở Trung Quốc


Thượng Hải, tháng 07/2012. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.
Bát linh hậu
Khoảng cách thế hệ ở Trung Quốc

Các bậc cha mẹ ở Trung Quốc luôn than vãn về thói lười biếng và tham lam của con cái họ, nhưng thế hệ những người trẻ này đã chịu đủ rồi.
–––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––––
Tác giả: James Palmer

James Palmer là một tác giả sách và biên tập viên người Anh đã có cơ hội làm việc thân cận với nhiều nhà báo Trung Quốc. Cuốn sách mới nhất của ông có tên “Cái chết của Mao” (‘The Death of Mao’) (2012). Ông hiện sống ở Bắc Kinh.


Vào năm 2004, vừa đặt chân xuống khỏi máy bay ở Bắc Kinh, tôi đã bị người ta lôi tuột đi làm giám khảo cho một cuộc thi hùng biện tiếng Anh của các học sinh năm cuối cấp III. Đồng giám khảo với tôi là hai nhà xã hội học tuổi trung niên khá ưa hoài nghi, cả hai đều là giáo sư của đại học Thanh Hoa (Tsinghua) [1]. Sau khi nghe một bài phát biểu dài lê thê về việc Trung Quốc đã từng rất nghèo, nhưng giờ đã trở nên giàu có và quyền lực đến thế nào, tôi bình luận với một trong hai người họ rằng các học sinh này có vẻ đã được bảo bọc hơi quá kỹ.
“Chúng chẳng biết một cái gì cả!” cô nói một cách giận dữ. “Chúng không hề có một chút khái niệm nào về việc người dân đang phải sống ra sao. Không đứa nào trong cái thế hệ của bọn nhỏ này biết hết. Tất cả chúng đều đã bị nuông chiều quá đáng”.
Đó là quan điểm tôi đã được nghe đi nghe lại nhiều lần trong suốt tám năm qua, và là một quan điểm mà giới truyền thông Trung Quốc chưa bao giờ thôi đề cập tới. Chỉ riêng vừa tháng Một này thôi, viên thiếu tướng và nhà bình luận truyền thông hiếu chiến La Viện (Luo Yuan) đã phê phán giới trẻ là ‘yếu ớt cả về thể chất lẫn tinh thần’, ca thán rằng: “Nữ tính đang lên ngôi, và nam tính đang biến mất. Thiếu hoàn toàn phẩm chất và nghị lực, lại còn thể trạng yếu ớt như vậy, làm thế nào chúng có thể gánh vác trên vai những trọng trách nặng nề?”. Trong khi đó, tác giả và nhà phê bình xã hội Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun) thì nguyền rủa giới trẻ thậm tệ trên trang tạp chí Mỹ Foreign Policy, bởi “bị nuôi béo tới phì nộn bằng Coca-Cola và thức ăn nhanh […] thế hệ trẻ bây giờ chỉ biết nhất mực tin theo những gì chính phủ tuyên bố; có nhiều kẻ còn coi đối lập với nhà chức trách là như ngang với tội dị giáo. Chúng không bao giờ thèm bận tâm kiểm tra lại các sự kiện chi tiết”.
Cũng có một phần sự thật đằng sau những lời chỉ trích này. Vào năm mà tôi tới Trung Quốc, khi tôi phải trải qua giai đoạn sống-như-người-ngoại-quốc gần như bắt buộc tại đây với nghề giáo viên, trước khi có thể chuyển hẳn hoàn toàn sang công việc viết sách và làm biên tập xuất bản, tôi đã phải lôi xềnh xệch một thằng nhỏ 19 tuổi ra khỏi lớp học sau khi nó nổi cơn tam bành, giậm chân giật tay ăn vạ và từ chối bước ra khỏi lớp. Lời khẳng định của ông Mộ Dung, rằng giới trẻ ngày nay ngoan ngoãn nuốt từng lời của chính phủ, không hề đứng vững trong một thời đại mà mọi sự tín nhiệm của tầng lớp lãnh đạo đều đã bị đánh đổ hoàn toàn bởi các phương tiện truyền thông, nhưng ta có thể thấy cơ sở cho lời khẳng định của ông La. Mỉa mai nhất là chính con cái của các quan chức quân đội lại có vẻ là những đứa đặc biệt béo tốt nhất. Các giáo viên tại một học viện đào tạo liên thông với với một doanh trại quân đội đã miêu tả với tôi rằng các của nợ cứng đầu và ngu dốt của họ trông cứ như “mấy cái dái ngắn cụt giãy giụa” (‘stubby wobbling penises’), và họ còn tổ chức các cuộc thi ngầm giữa nhau để xem học sinh nào là “xôi thịt” (‘sausagey’) nhất trong cả lũ.
Các so sánh về thức ăn này cho ta thấy – những thế hệ người lớn của Trung Quốc đang muốn biết: “Tại sao chúng có thể sống dễ dàng quá vậy, trong khi bằng tuổi chúng, chúng ta đã phải khổ sở đến chừng nào?”. Đối tượng chính của sự phê phán này là thế hệ mà những người Trung Quốc gọi là bát linh hậu (‘balinghou’) – những người trẻ sinh sau năm 1980, chưa bao giờ phải biết đến tem phiếu thức ăn, và được nuôi lớn lên sau khi giai đoạn “cải cách và mở cửa” của Trung Quốc đã bắt đầu. Ở đây tôi đang nói tới tầng lớp trung lưu thành thị, những người chiếm đại đa số truyền thông Trung Quốc, cả với tư cách là đối tượng mua sắm và tiêu thụ. Những lời chỉ trích trên, về thực tế không mấy thực sự liên quan tới các yếu kém của giới trẻ; chúng chỉ như dấu hiệu của một hố sâu ngăn cách khổng lồ, chưa từng bao giờ có trước đây, giữa giới trẻ thành thị Trung Quốc với cha mẹ của họ mà thôi.
Trương Quân (Zhang Jun), một học viên cao học 26 tuổi, đã miêu tả tình thế này như sau: “Nó không chỉ là khoảng cách giữa các thế hệ. Nó là khoảng cách giữa các hệ giá trị, khoảng cách giữa giàu và nghèo, khoảng cách về trình độ giáo dục, khoảng cách về các mối quan hệ, và khoảng cách về thông tin”. Linh Mỹ Lệ (Lin Meilian), 30 tuổi, một nhà báo, đã tuyên bố một cách ngắn gọn thế này: “Tôi chẳng có một điểm gì chung với mẹ mình hết. Chúng tôi không thể nói chuyện với nhau về bất cứ điều gì cả. Bà không bao giờ hiểu được tại sao tôi lại chọn cho mình một cuộc sống như vậy”.
Các bậc cha mẹ, những người đã dành toàn bộ những năm tháng tuổi hai mươi của họ lao động trên những nông trại xa xôi hẻo lánh, giờ đây phải đối mặt với một thế hệ trẻ đo đạc thế giới của họ bằng những trung tâm mua sắm, iPhone và các cuộc hẹn hò.
Loại khoảng cách này không phải chỉ có riêng ở Trung Quốc. Nhưng ở hầu hết các nước khác đều có một tính liền mạch hơn nhiều giữa các thế hệ. Thời niên thiếu của tôi ở Manchester những năm 1990 chỉ khác biệt về mức độ, chứ không khác biệt về bản chất, với thời niên thiếu của bố mẹ tôi tại Bristol và Sydney những năm 1960. Nhưng cha mẹ của những người trẻ thuộc thế hệ hậu-1980 – những người sinh ra vào khoảng 1950 đến 1965 – đã lớn lên trong một thế giới nông thôn, tuân theo các tư tưởng của Mao Trạch Đông; hoàn toàn khác biệt với thế giới của con cái họ bây giờ. Ở thời của họ, mỗi làng chỉ có một chiếc máy điện thoại, các trường đại học bị đóng cửa, và mọi công việc đều được cắt đặt và bổ nhiệm từ trên xuống. Nếu bạn có thể hình dung sự mất phương hướng và lúng túng của rất nhiều bậc cha mẹ phương Tây khi phải đương đầu với Internet và tác động của nó tới con cái của họ, và rồi thêm vào nó hẹn hò, cuộc sống của trường đại học, rồi những lựa chọn nghề nghiệp, vậy là bạn đã có thể tới gần hơn tới nan đề giữa các thế hệ này. Các bậc cha mẹ, những người đã dành toàn bộ những năm tháng tuổi hai mươi của họ lao động trên những nông trại xa xôi hẻo lánh, giờ đây phải đối mặt với một thế hệ trẻ đo đạc thế giới của họ bằng những trung tâm mua sắm, iPhone và các cuộc hẹn hò.
Người Trung Quốc lớn tuổi, đặc biệt là những người nay đã vào độ tuổi năm mươi, sáu mươi, thường cứ như dân nhập cư ngay trên chính mảnh đất của họ. Họ cũng có cái cảm giác lạc lõng, mất phương hướng, hay phải vất vả xoay sở với những tiêu chuẩn xã hội và những thói quen tập quán họ không hiểu nổi đó; chỉ còn biết cố bám chặt lấy những nhóm người đồng loại ít ỏi còn sót lại của mình. Trong mối quan hệ với con cái, họ làm tôi nhớ tới những bậc cha mẹ người gốc Ấn Độ và Bangladesh ở Anh mà tôi đã được chứng kiến khi còn nhỏ, luôn phải vất vả xoay sở để có thể giúp con đưa ra những lựa chọn mà bản thân họ trước đây chưa bao giờ phải lựa chọn. Ấy vậy nhưng, với tất cả những sự khó khăn do khác biệt về địa lý tạo ra đó; khoảng cách giữa một khu làng ở Bangladesh với vùng ngoại ô Manchester vẫn còn nhỏ hơn khoảng cách giữa vùng nông thôn Trung Quốc của những năm 1970 và thành phố Bắc Kinh thời hiện đại.
Dân nhập cư thường có một hệ giá trị ổn định mang tới từ văn hóa quê nhà của họ, mà từ đó họ rút được ra nguồn sống cho cộng đồng mình, bất kể là về mặt tôn giáo hay văn hóa. Nhưng với những đứa con của cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Trung Quốc, không hề có một sự liền mạch nào như vậy. Họ được nuôi lớn lên, tin vào tư tưởng cách mạng của Mao Trạch Đông những năm 1960 và 70; và rồi khi đã là những thanh niên trẻ vào cuối những năm 1970, họ được bảo rằng tất cả những gì đã được tiêm vào đầu họ trong suốt thời niên thiếu đó đều là một sai lầm tai hại. Rồi họ được mớm cho một chút hy vọng về chủ nghĩa xã hội, nhanh chóng bị làm cho ảo tưởng lên bởi cơn sốt làm giàu, để rồi cuối cùng được thấy một chút dấu hiệu nhỏ của công cuộc phản-văn hóa tự do (‘liberal counter-culture’) trong những năm 1980, trước khi sự kiện Thiên An Môn chính thức tước đoạt nó đi mãi mãi. Cùng lúc đó, các giá trị truyền thống đã từng bị tuyên là “phản cách mạng” vào những ngày họ còn trẻ, giờ đây lại được chính các nhà lãnh đạo nhanh chóng đánh bóng lại cho đẹp đẽ, rồi giương ra như là xương sống mới cho cả xã hội.
Thế hệ trẻ ngày nay bị phê phán thậm tệ bởi cái gọi là thói vật chất (materialism) của họ, nhưng đây thực ra là một hệ giá trị mà chính cha mẹ của họ còn trân trọng hơn nhiều, bởi nguồn đảm bảo an toàn vững vàng nhất cho cả thế hệ của họ vẫn luôn là tiền. Tiền – hay ít nhất là ảo tưởng về nó – là thứ chưa bao giờ bỏ rơi họ. “Người Trung Quốc yêu tiền”, Trương, cô học viên cao học, nói với tôi: “bởi vì tiền không mang theo một lịch sử nào với nó hết”. Đã phải trải qua nền kinh tế tư bản cướp đoạt của đất nước trong cơn lốc tới kim tiền; thế hệ già, với thái độ vô luân đến tuyệt vọng của họ khi tìm cách để tồn tại, có thể khiến con trẻ của họ phải ngỡ ngàng. Hoàng Nộ Ba (Huang Nubo), nhà thơ, nhà leo núi, và một tỷ phú bất động sản, giờ đã vào độ tuổi năm mươi, là một trong số ít người dám thoải mái thừa nhận điều này; gọi nó là “sự tan rã của hệ sinh thái xã hội” trong một bài phỏng vấn với tạp chí Caixin của Trung Quốc. Nhưng Hoàng chỉ thuộc thành phần hiếm, được bao bọc an toàn bởi gia tài giàu có của mình; rất nhiều các bậc cha mẹ khác thì vẫn đang rất lo lắng rằng con cái mình chưa làm đủ tốt để có thể tiếp tục tồn tại.
Trong khi những người nhập cư mơ ước con mình sẽ trở thành bác sĩ, luật sư hay giáo sư; những người Trung Quốc nội địa đặt tham vọng của mình ở một nơi khác. Bác sĩ được trả lương quá kiết, luôn phải làm việc quá sức và lại không được trọng nể, tất cả đều vì một hệ thống y tế đã thất bại và mục ruỗng từ bên trong. Luật sư thì luôn phải uốn mình theo những thay đổi khó đoán của hệ thống tư pháp. Giáo sư thì chỉ kiếm được đồng lương ba cọc ba đồng và phải phụ thuộc vào những công việc làm thêm ở bên ngoài mới cầm cự nổi qua ngày. Ưu tiên của các bậc cha mẹ ở Trung Quốc không phải là một vị trí chuyên môn cao hay công danh sự nghiệp lẫy lừng, mà là tiền bạc và sự ổn định, bất kể công việc đem lại nó có là gì.
Cái cũ nhường chỗ cho cái mới ở Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.
Trương là một học giả trẻ đang trên đà thăng tiến, thường xuyên tham dự các cuộc hội thảo cấp cao về ngoại giao và an ninh. (Cô là người duy nhất trong số những người nói chuyện với tôi yêu cầu được sử dụng bút danh, cho thấy cô có ý thức rõ ràng về sự “nhạy cảm” của cái tên của mình trên mạng đến thế nào). Cô kể: “Mẹ tôi không thể hiểu nổi bất cứ điều gì tôi làm, đặc biệt là khi nó không đem lại chút “bổng lộc” gì hết. Tết năm vừa rồi, tôi về nhà và thấy em họ của mình đã ở đấy rồi. Nó là một trình dược viên (pharmaceutical rep). Nói vậy tức là nó bán thuốc giả hoặc kê khống giá thuốc bán cho các bệnh viện, với sự giúp đỡ ngầm của bác sĩ bên trong, và họ chia đôi lợi nhuận thu được. Mẹ tôi cứ luôn nói với tôi: “Ôi, sao mày không làm ăn chung với em họ mày đi! Nó kiếm ra được bao nhiêu là tiền đấy!”. Bà ấy biết công việc của nó dính dáng đến những gì, nhưng chưa bao giờ bà nghĩ đó là điều gì sai trái hết”.
Các bậc cha mẹ Trung Quốc dốc tiền vào giáo dục cho con cái, nhưng họ cũng đầu tư vào cả các “lối đi tắt” nữa. Hầu hết không thể làm được điều mà gia đình tỷ phú của một người đã làm khi anh ta trượt kỳ thi vào đại học Thanh Hoa: mua cho anh ta hẳn quyền công dân của nước Cộng hòa Dominica, chỉ để anh chàng này có thể đường hoàng theo học tại đại học này dưới danh nghĩa “du học sinh nước ngoài”, với tiền là điều kiện tiêu chuẩn duy nhất cần phải đáp ứng. Tuy vậy, họ có thể làm được điều mà mẹ của Trương đã làm: lo lót cho tất cả các thầy cô để mọi học kỳ, cô đều được ngồi ở dãy đầu tiên trong lớp, giúp cô không bị chìm nghỉm giữa 50, 60 học sinh khác.
Vẫn có thể cố gắng hết sức để có được một sự nghiệp ở Trung Quốc chỉ dựa trên năng lực, mặc dù việc này đang càng lúc càng trở nên khó khăn hơn, do những người giàu có và nhiều quan hệ đang kéo chiếc thang đi xa dần. Cứ lấy ngành nghệ thuật làm một ví dụ. Chỉ để được phép tham dự vào một cuộc thi khiêu vũ cấp quốc gia thôi, mức phí yêu cầu tối thiểu đã là 20,000 tới 30,000 nhân dân tệ (tương đương xấp xỉ 3,000 tới 5,000 đô-la Mỹ, ở một quốc gia mà mức thu nhập bình quân của dân thành thị chỉ vào khoảng 500 đô/tháng).
“Người thắng cuộc thực sự thì được chọn bởi tài năng. Nhưng bạn sẽ cần phải xùy tiền ra cho ban giám khảo mới mong có thể chen chân có một chỗ đứng trong cuộc đấu. Vậy nên các cô gái hoặc sẽ phải phụ thuộc vào ông bố của mình, hoặc họ phải tự đi tìm lấy các “ông bố” khác”, một vũ công 21 tuổi nói với tôi. Ở ngành âm nhạc, một trong những học viện nghệ thuật hàng đầu của cả đất nước, một thời đã từng là cái nôi của bao tài năng vĩ đại, giờ yêu cầu học viên phải mua các khóa học riêng từ nhạc trưởng với mức phí 5,000 tệ một lần (khoảng 800 đô, hay 17 triệu VNĐ). Khi tất cả mọi người khác đều chơi bẩn, kể cả những bậc cha mẹ thành thật nhất cũng không còn lại mấy lựa chọn nào khác cho tương lai của con cái, và một số hối hận chính chủ nghĩa lý tưởng (idealism) của thế hệ mình. Hàn Tố Chân (Han Suzhen), 57 tuổi, một giáo viên đã về hưu, bình luận: “Chúng tôi đã không nuôi dạy chúng theo cách để có thể thích ứng tốt với thế giới này. Chúng tôi đã dạy chúng bằng những lý tưởng đã được khắc sâu trong đầu chúng tôi, theo một cách rất ngây thơ. Nhưng ngày nay tất cả mọi người đều theo đuổi những thứ chúng tôi đã được dạy rằng không nên trân trọng: chúng tôi được dạy là phải cống hiến cho xã hội, giờ thì bọn nhỏ được dạy rằng phải giành lấy cho bản thân bằng mọi cách có thể. Chính xác điều ngược lại. Không ai còn nhắc tới các lý tưởng hay sự tự do vào cái thời này nữa”.
Cũng như trong hầu hết mọi trường hợp trong lịch sử Trung Hoa, triển vọng đẹp đẽ nhất mà ai cũng nhắm tới là một vị trí quan chức nhà nước. Trên giấy tờ thì tiền lương cũng thấp thôi, nhưng kể cả một công việc ít quan trọng nhất trong hệ thống thứ bậc của thế giới quan chức cũng đi kèm với những món lợi tức được bảo đảm và sự ổn định về kinh tế suốt đời, được biết đến với cái tên “bát cơm sắt”. Một công việc quan chức tầm trung là tấm giấy phép đảm bảo để được thoải mái moi móc, bóp nặn cũng như gây ảnh hưởng để giành phần lợi cho mình. Trương nói với tôi: “Thằng em họ tôi, tên buôn thuốc ấy, cứ liên tục càm ràm với tôi rằng: ‘Sao chị đi không làm quan chức đi? Khi đó tôi có thể dọa đám đối tác của tôi rằng tôi có người trong gia đình là quan chức đấy, và thế là cả hai chúng ta đều có thể kiếm được bộn tiền’ ”.
Một công việc trong những tập đoàn quốc doanh khổng lồ, như là tập đoàn dầu mỏ kếch xù Sinopec, hoặc “tứ đại” ngân hàng chẳng hạn, là sự lựa chọn hoàn hảo thứ hai. Những công việc ăn lương nhà nước kiểu này còn được gọi là thể chế nội (tizhinei), “ở bên trong hệ thống”, với tất cả những bổng lộc hấp dẫn từ những khoản lương hào phóng, với chỉ số an sinh xã hội cao và, ở một mức độ nhất định, những khoản hối lộ đều đặn. Đó là lý do chúng rất đắt giá, kể cả phải mua bằng tiền hay bằng quan hệ (‘guanxi’); một khái niệm rất binh thường của người Trung Hoa để nói về thế lực, ảnh hưởng hoặc ưu ái của ai đó dành cho thành viên trong gia đình mình. Để giành được một vị trí trống trước tiên, nhất thiết cần phải có sự chống lưng của cha mẹ. Khi danh sách ứng viên cho một vị trí cấp thấp tại một tập đoàn quốc doanh cấp tỉnh bị tung lên mạng, vào hồi tháng 12 vừa qua, bên cạnh tên các ứng viên còn có ghi cả tên các họ hàng quyền lực nhất của mỗi người họ nữa.
Tuy nhiên không phải vị trí nào cũng có thể mua được. Lý Sương (Li Xiang), một chàng trai 25 tuổi có phần nào đấy kỳ lạ, đang giữa lúc làm các bài kiểm tra và phỏng vấn để trở thành một viên chức chính quyền cấp trung ương. “Nhưng tức một nỗi là cả bố và mẹ tôi đều làm việc cho chính quyền trung ương cả”, anh nói. “Đã có luật quy định rằng bạn không được phép làm cùng một phòng ban với người thân trực hệ trong gia đình. Hệ thống xin việc của chính quyền trung ương trong sạch hơn của chính quyền địa phương hay các tập đoàn nhà nước nhiều; bạn không thể dùng tiền hay ảnh hưởng quan hệ để mua chỗ đứng cho mình được”.
Anh vạch ra rõ ràng ưu và nhược điểm trong hành động của mình trong lúc chúng tôi cùng dùng một bữa cơm thịt nướng đắt đỏ (tới 400 tệ/suất). “Chấp nhận công việc này là tôi phải chấp nhận chịu hụt lương một khoản lớn, từ 10,000 tệ (35 triệu VNĐ) như hiện giờ xuống chỉ còn giỏi lắm là 6,000 (21 triệu), sau khi đã trừ hết thuế má. Một hai năm đầu còn là thử việc, mức lương chỉ được hưởng khoảng 70%. Nhưng bệnh viện dành riêng cho dân viên chức nhà nước đều là những bệnh viện tốt nhất, đặc biệt là với các viên chức chính quyền trung ương. Công việc rất an toàn. Mức an sinh xã hội thì cao. Và tôi cũng thực sự muốn được phục vụ nhân dân nữa. Đó là lý do tôi nộp đơn xin vào vị trí tư vấn viên (advisory) của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (“Chinese People’s Political Consultative Conference”,  xem thêm tại đây ). Cha mẹ tôi đã nổi điên lên với tôi! Họ mắng mỏ tôi vì đã chọn lấy một vị trí chẳng có một chút quyền lực nào”.
Cũng như Lý, rất nhiều trong số các bạn trẻ thuộc thế hệ hậu-1980 – trái ngược với tiếng xấu là chỉ biết đến vật chất của họ – vẫn muốn giúp đỡ người khác. Tỷ lệ tình nguyện viên đang đạt mức cao nhất kể từ trước đến nay, mặc dù vẫn còn thấp hơn nhiều so với phương Tây, và các tổ chức phi chính phủ chủ yếu được thành lập bởi sinh viên đại học hoặc giới công chức thành thị trẻ. Nhưng với cha mẹ họ, ‘từ thiện’ có thể là một từ ngữ bẩn thỉu. “Vợ một người bạn của tôi bị ốm rất nặng, và gia đình anh ta chẳng có gì cả”, Trương, cô học viên cao học, nói. “Tôi muốn giúp anh ta độ 500 tệ (khoảng 1.7 triệu VNĐ) để đỡ cho gia đình anh qua cơn khốn đốn, nhưng trong lúc đợi để gặp anh ta, tôi có thể nghe thấy tiếng mẹ tôi vang lên trong đầu, mắng mỏ tôi là một con ngốc. Mỗi lần tôi đem tiền cho ai đó, tôi đều có cảm giác như mình đang bị lừa ấy”. Một người khác tôi phỏng vấn thì nói: “Nếu tôi kể với mẹ rằng mình vừa mới cho người khác tiền, bà sẽ chửi bới tôi thậm tệ, bởi tôi còn chưa mua nổi một căn hộ riêng cho mình nữa”.
Một người có thể sẽ phải vào tù nếu không nuôi nổi cha mẹ già.
Và với các bậc cha mẹ mà giấc mơ bị cắt ngang bởi hoàn cảnh lịch sử, cái tham vọng muốn ép con cái phải đi theo con đường mình đã từng muốn đi còn mạnh mẽ hơn nhiều. Khi tôi gặp La Tịnh Thanh (Luo Jingqing) lần đầu tiên, sự tự tin và một chút lo lắng về tình hình thế giới của cô khiến tôi đã nghĩ cô phải già dặn hơn cái tuổi 24 của cô nhiều. Chúng tôi cùng dùng bữa trưa và nói chuyện tại Element Fresh, một chuỗi nhà hàng thượng lưu đặt tại Thượng Hải, điểm đến quen thuộc của rất nhiều trí thức trẻ như cô.
“Mẹ tôi muốn tôi làm một nữ trí thức với một công việc chuyên nghiệp”, cô nói với tôi. “Bà đã từng theo học một trường trung học ngoại ngữ để tránh bị gửi về vùng nông thôn (một chính sách theo tư tưởng Mao Trạch Đông khoảng những năm 1950 tới 70, khi các “trí thức” trẻ ở thành thị bị buộc gửi về sống chung với nông dân). Hoặc cái đó, hoặc phải gia nhập quân đội. Từ ngôi trường đó bà đã xoay sở để vào được đại học, khi nó mở cửa trở lại, và sau khi tốt nghiệp được bổ nhiệm một công việc tại đại sứ quán Nhật Bản. Bà gặp cha tôi ở đó, khi bà 27 tuổi. Họ cưới nhau chỉ vì cha đã làm mẹ tôi dính bầu, ít nhất theo những gì cha tôi nói lại thì vậy. Bây giờ thì họ đã ly hôn rồi”.
“Bà ấy luôn luôn nói với tôi rằng chính tôi đã hủy hoại cuộc đời bà ấy”, La tiếp tục kể. “Bà bảo tôi rằng tuyệt đối đừng bao giờ có con, bởi vì chúng sẽ chỉ phá hoại tất cả mọi thứ. Bà bảo tôi rằng dính thai đã phá hủy hoàn toàn sự nghiệp của bà, rằng chính vì lỗi của tôi mà bước tiến cuộc đời bà đã bị chặn đứng, và rút cục bà ấy phải chịu bị mắc kẹt với cha tôi. Bà ấy đã liên tục nói với tôi những điều ấy từ ngày tôi bắt đầu có thể nhớ được. Nghe có ngớ ngẩn không cơ chứ?” Cô cười to, như cách ai đó sẽ làm khi kể cho bạn nghe về một quá khứ kinh hoàng mà họ đã từ lâu bỏ lại sau lưng. “Nhưng, thực sự thì, bà ấy chỉ muốn tôi trở thành bà ấy thôi, thành cái con người mà bà chưa bao giờ có thể trở thành được. Bà ấy đã từng mơ được làm một bác sĩ, nên bà ấy vô cùng muốn tôi sẽ trở thành một bác sĩ thực sự. Tôi nhớ đã hét lên với bà rằng: “Con không phải sống theo ý mẹ, và con cũng sẽ không bao giờ sống theo ý mẹ hết!”
Nhưng chống lại sự định hướng của cha mẹ cũng khó khăn vô cùng. Mỉa mai thay, một trong những quan niệm ít ỏi còn tồn tại dai dẳng nhất trong xã hội, dẫu qua bao năm tháng đổi thay hỗn loạn của cả dân tộc, lại chính là đạo hiếu, là món nợ vô tận mà con cái nợ với cha mẹ; hiển nhiên phát triển từ triết học của Khổng Tử, nhưng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt lịch sử bằng hàng nghìn câu thành ngữ và các tích điển đạo giáo. “Đạo hiếu là nguồn gốc của mọi đức hạnh trên đời”, một câu ngạn ngữ nói. “Yêu những gì cha mẹ anh yêu, kính những gì cha mẹ anh kính”, một câu khác khuyên răn. Trọng trách này đặc biệt nặng nề với những người con gái. Một sách khuyên răn điển hình của tổ chức Khổng giáo quốc gia, xuất bản năm 1935, đã dạy rằng: “Con gái sinh ra là đã mang món nợ về đạo hiếu và luân lý. Bởi vậy mục đích cả đời của họ là phải trả được món nợ này cho cha mẹ”. (‘women are born with filial famine and ethical debt. So the purpose of their lives is to clear that debt’).
Không có nền văn hóa nào lại đề cao miệng lưỡi rắn độc của một đứa con bất hiếu, nhưng khó mà có thể hình dung được, ở phương Tây hiện đại sẽ bao giờ có cảnh chủ nhiệm khoa một trường đại học lên trang nhất của báo vì đã quay trở lại làng và rửa chân cho mẹ mình; hay hình ảnh những đứa trẻ ở trường bị bắt phải tập cách quỳ lạy để tỏ lòng kính hiếu với cha mẹ. Kể cả luật pháp cũng hỗ trợ cho điều này: một người có thể sẽ phải vào tù nếu không nuôi nổi cha mẹ già; dù cho luật này, cũng như hầu hết mọi điều luật của Trung Quốc mà không trực tiếp làm lợi cho chính phủ khác, đều ít khi được thực thi một cách nghiêm túc. Thậm chí đã có những cố gắng để bắt việc về thăm cha mẹ già ở quê xa là bắt buộc.
Những lý tưởng Khổng giáo này chưa bao giờ phù hợp với thực tế. Người Trung Quốc không chỉ có danh ngôn về đạo hiếu, kho thành ngữ của họ về thói bất hiếu cũng nhiều không kém; như lời miêu tả về một kẻ đạo đức giả sau đây: “bỏ bê cha mẹ già, để rồi làm cho họ một đám tang thật linh đình”. Và thực vậy, người già vẫn thường xuyên bị bỏ rơi hoặc quên lãng. Ở bên hàng xóm, nước Hàn Quốc giàu có, quốc gia với nền văn hóa Khổng Tử kéo dài liền mạch lâu nhất trên thế giới; người lớn tuổi còn nghèo hơn, còn nhiều người già vẫn phải lao động hơn, và có mức độ tự tử ở người già thì cao gấp bốn lần mức độ tự tử vốn đã rất cao của giới trẻ Hàn Quốc. Tỷ lệ tự tử của người già ở Trung Quốc chỉ kém sau Hàn Quốc, và đã tăng gấp ba lần trong vòng mười năm qua. Nhưng ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc, chống lại lệnh cha mẹ, trên lý thuyết, vẫn là tội nghiệt nặng nhất trên đời.
Chơi mạt chược, Thượng Hải. Ảnh bởi Bruno Barbey/Magnum.
Quyền lực của cha mẹ với con cái nhiều khi còn được củng cố bằng cả đòn roi. Một trong những lời mắng chửi điển hình nhất trẻ nhỏ hay phải nhận khi làm sai là “Tao đánh mày chết bây giờ!”. Ý tưởng về các “Bà mẹ Hổ” có thể gây náo loạn ở phương Tây, khi nó lần đầu tiên được khơi lên qua cuốn sách đình đám của Amy Chua năm 2011 “Khúc chiến ca của Mẹ Hổ” (‘Battle Hymn of the Tiger Mother’). Nhưng đáp lại, phần lớn giới truyền thông Trung Quốc đã từng chào đón cả “Ông bố Sói” (xem thêm tại đây – ND) Tiêu Bạch Du (Xiao Baiyou), một doanh nhân Quảng Châu, người đã viết cuốn sách ban đầu có tựa đề “Đánh cho chúng tới Đại học Bắc Kinh” [‘Beat Them into Peking University’ (2011)]. Trong cuốn sách, ông hả hê khoe khoang về môi trường giáo dục độc đoán ông đã áp đặt lên bốn đứa con mình, bao gồm cả việc đánh chúng thậm tệ mỗi khi chúng phạm lỗi, và không cho chúng một chút tự do nào để chơi hoặc có bạn bè. Trong một nhà hàng Pháp tại Bắc Kinh, Trương – cô học viên cao học – chìa cho tôi xem phần bắp chân đầy những vết roi đánh đã lên sẹo trắng, vẫn còn nhìn rõ được mờ mờ qua lớp tất chân của cô.
Áp lực của gia đình còn bị làm cho trầm trọng hơn nữa bởi vấn đề dân số. Trong quá khứ, gánh nặng về kỳ vọng của cha mẹ được chia đều cho nhiều anh chị em. Ngày nay, chính sách một con của Trung Quốc đã đẩy thế hệ hậu-1980 xuống tầng dưới cùng của một kim tự tháp bất thần lộn ngược. Điều này gây ảnh hưởng tới tầng lớp trung lưu, những người hơi khá giả một chút, đặc biệt tệ nhất. Ở nông thôn, kế hoạch hóa gia đình đủ thoáng để hầu hết mọi thanh niên tuổi 20 đều có ít nhất một hoặc hai anh chị em; trong khi những người giàu hẳn thì có thừa khả năng chi trả những khoản phạt để có đến hai hoặc ba con, mặc dù khoảng cách giữa những đứa con này có thể sẽ hơi xa một chút. Nhưng với tầng lớp cổ cồn trắng thành thị, mỗi cặp vợ chồng phải gánh trên vai hai cặp cha mẹ già, có khi còn thêm cả ông bà nội ngoại nữa, nếu họ còn sống. Và với mức an sinh xã hội có cố cũng chỉ được tàm tạm, các bậc cha mẹ đều trông vào con cái của mình để bảo đảm cho tuổi già sau này.
Không ngạc nhiên là cách thể hiện rõ nhất điều này là đầu tư mua nhà đất. Chỉ một số nhỏ có thể xoay sở để mua được bất động sản, nhưng họ mua nó từ khi còn rất trẻ – chỉ từ khoảng 27 tuổi. Những lao động nhập cư từ nông thôn xây nên những căn hộ mới cho Trung Quốc sẽ không bao giờ có thể được ở trong những ngôi nhà do chính tay họ xây; nhưng hầu như mọi nhân viên cổ cồn trắng tầm hai mươi, ba mươi mà tôi biết đều có một căn hộ cho riêng mình ở Bắc Kinh. Những căn hộ này thường có giá khoảng 1 đến 3 triệu nhân dân tệ (3 cho tới 10 tỷ VNĐ), và họ đã dành dụm để mua chúng bằng mức lương chỉ từ 5,000 tới 10,000 tệ một tháng của mình. (17 tới 35 triệu/tháng).
Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp.
Tiền kiếm được của cha mẹ, thường được đổ cả vào những tài khoản tiết kiệm, cộng với vay mượn của bạn bè, họ hàng thân thích khác, và đôi khi là cả vay lãi tín dụng đen; tất cả đều được đổ vào tài sản nhà đất của đứa con trên thủ đô. Quá trình này còn được thúc đẩy thêm nữa sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi thị trường chứng khoán rớt giá thảm hại, trong khi bất động sản thì vẫn tiếp tục nóng. Nỗi ám ảnh phải sở hữu một ngôi nhà ở thủ đô này giờ đã chiếm gọn tâm trí của cả hai thế hệ: giờ đây trong tầng lớp trung lưu thành thị, gần như sẽ không thể kết hôn nếu không có một trong hai bên gia đình đảm bảo cung cấp cho đôi vợ chồng trẻ một căn nhà.
“Nhìn chúng mà xem”, một người bạn của tôi kêu lên khi chúng tôi ghé thăm một hiệu sách, nhìn vào những ngăn kệ chất đầy các sách cung cấp lời khuyên cho thế hệ trẻ. “Tất cả chúng đều nói cùng một ý giống nhau: kết hôn và mua lấy một ngôi nhà vào năm 27 tuổi, ổn định cuộc sống, rồi có con. Đều là những cái bẫy giăng sẵn ra bởi các bậc cha mẹ để khiến chúng tôi phải làm theo những gì mà họ muốn”. Trần Chân Chân (Chen Chenchen), một đồng nghiệp phóng viên từng trải của tôi, thì lại không nhìn vấn đề theo “học thuyết âm mưu” này: “Chúng tôi đang dần trở nên gần gũi với cha mẹ mình hơn, bởi vì cả hai bên đều bị gắn vào khối tài sản nhà đất kia; và kết quả là chúng tôi cũng dần dần cũng trở nên e ngại sự thay đổi hơn. Lúc đầu, chúng tôi đã nghĩ mình còn có thể xoay sở để có các giá trị của riêng mình. Nhưng rồi chúng tôi nhận ra rằng cha mẹ của chúng tôi đã đúng, và bát cơm sắt chính là nguyên tắc vàng. Tôi đã từng chống lại ý muốn của cha mẹ khi họ gây áp lực bắt tôi phải mua một căn hộ ở Bắc Kinh vào năm 2008 (khi đó tôi mới 24 tuổi), nhưng rồi đã chịu xuôi theo ý họ vào năm 2010; và tôi mừng là mình đã mua được nó kịp lúc. Giờ thì thế hệ bọn tôi đã biết được rằng tiền là thứ quan trọng nhất trên đời”. Lưu Tuấn Thần (Liu Juncheng), giờ đã 60 và là một tài xế taxi về hưu, cũng đồng tình với ý kiến cho rằng hai thế hệ đang dần tìm thấy chung một góc nhìn: “Có vẻ là thế hệ bọn trẻ, cũng như bọn tôi trước đây, đã từng có rất nhiều kỳ vọng vào xã hội, nhưng rồi quan điểm của chúng thay đổi rất nhanh cũng vì xã hội. Chúng đã lạc đường”.
Nhưng kỳ vọng của cha mẹ cũng có thể đẩy mối quan hệ ra xa hơn. “Tôi có một người bạn cũng bằng tuổi tôi”, La, cô trí thức trẻ, kể: “cha mẹ cô ấy vừa thanh toán xong món trả góp cuối cùng cho căn hộ của cô ấy. Nhưng mẹ của cô ấy đã sống cùng ở đó từ tháng 11 tới giờ, và bà ấy có ý định tiếp tục sống ở đó mãi. Mà nó chỉ là căn hộ một-phòng-ngủ thôi đấy!”. Mua nhà cho con cái không chỉ đơn giản là một khoản đầu tư với các bậc cha mẹ, nó còn là một sự đảm bảo, ít nhất là trong tâm trí họ, rằng mình có thể sống nốt những năm tháng tuổi già trong căn hộ của đứa con. Đây một thời đã từng được coi là một tiêu chuẩn xã hội thông thường, khi những đại gia đình lớn còn tồn tại. Nhưng với tỷ lệ người già phải sống một mình đang ngày càng tăng lên, người già bắt đầu thấy cần phải có một mối liên kết tài chính với tài sản nhà đất của đứa con, để có thể có thêm đảm bảo cho mình.
Sở hữu một căn nhà cũng là một phần không thể thiếu được trong trò chơi hẹn hò, đặc biệt là với những người bắt đầu đạt ngưỡng 25, 26 tuổi. Trong tầng lớp trung lưu, cha mẹ của chú rể mặc nhiên luôn được kỳ vọng sẽ cung cấp cho đôi trẻ một căn hộ mới để ở, nếu chưa có căn hộ nào sẵn. Cũng như bao người đi thuê nhà khác, tôi cũng đã hơn một lần bị hủy hợp đồng thuê nhà khi con trai của ông chủ nhà bắt đầu chuẩn bị kết hôn. “Chúng tôi gọi con trai là ‘Ngân hàng Kiến thiết Trung Quốc’, bởi vì anh phải xây nhà cho bọn nó; còn con gái là “Ngân hàng Thương nghiệp Trung Quốc’, bởi vì anh có thể bán chúng’ ”, một người bạn tên Minh (Min) của tôi bình luận.
Giới truyền thông cũng thường chỉ trích thói vật chất trong tình yêu của giới trẻ bây giờ, tiêu biểu là vào năm 2010 khi Mã Nặc (Ma Nuo), một thí sinh trong một chương trình hẹn hò trên truyền hình; khi được hỏi bởi một thí sinh nam chưa có công ăn việc làm là liệu cô có muốn cùng ngồi xe đạp với anh trong một cuộc hẹn hò không, cô đã trả lời: “Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp”. Quả đúng là hình ảnh những kẻ “đào mỏ” (‘gold-diggers’) rạng rỡ với vàng bạc và đồ hiệu cao cấp trên những trang mạng hẹn hò hoặc blog thực sự trông rất khó ưa. Nhưng nhìn lại thì mới thấy: tiêu chuẩn mà các bậc cha mẹ đưa ra cho các bà mối, hoặc in lên những tấm áp phích để thỉnh thoảng tự họ mang theo ra công viên những ngày cuối tuần để tìm kiếm bạn đời phù hợp cho con cái mình; tất cả cũng đều tập trung chủ yếu vào nhà cửa, xe cộ, và lương lậu mà thôi.
Câu chuyện tình yêu của một người bạn khác của tôi, tên tiếng Anh là Sally, thể hiện rõ hơn thực tế về địa vị và tiền bạc trong yêu đương này. Cũng như rất nhiều câu chuyện khác ở Trung Quốc, chuyện của cô nghe hệt như những câu chuyện ngụ ngôn Mác-xít của những năm 1930, chỉ khác là không có một kết thúc có hậu kiểu người phụ nữ giờ đã được tự do quyết tâm đi theo Đảng Cộng Sản. Khi còn ở Đại học, Sally cặp với một anh chàng gốc nông thôn, là hội trưởng hội học sinh và, kỳ lạ thay, là một thanh niên rất trung thành với lý tưởng của Đảng Cộng Sản. “Anh ấy thật thà lắm”, cô kể với tôi, giọng tiếc nuối. “Anh ấy thậm chí còn không bao giờ bỏ túi dù chỉ một cái bút chì nào trong phòng hội đồng học sinh để dùng cho riêng mình”.
Nhưng anh này không thể đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Sally và bố mẹ cô mong mỏi. Cô muốn có một người bạn trai có thể mua cho cô điện thoại xịn và túi xách hàng hiệu, trong khi cha mẹ cô thì muốn một người đến từ một gia đình giàu có, hoặc có quan hệ rộng, người có thể thong dong bước trên một con đường sự nghiệp chắc chắn ngay sau khi rời đại học. Không lâu sau cô đá anh chàng và, với sự giúp đỡ từ một cái mũi mới do mẹ cô chi trả, “bẫy” được một cậu công tử nhà giàu khác cùng trường.
Thế nhưng, sau chừng hai năm quan hệ, cô phát hiện ra rằng giờ tình thế như ngày trước giờ đảo ngược lại với chính cô. Sau khi chàng trai đem cô về nhà giới thiệu với cha mẹ mình, tin xấu bắt đầu tới. “Anh không thể cưới em được”, anh ta nói cụt ngủn với cô như vậy. “Bố mẹ muốn anh cưới một cô gái cùng đẳng cấp với anh”. Nhưng, anh ta trấn an cô rằng cô vẫn có thể làm nhân tình của anh, và ông bố đại tỷ phú của anh đã đồng ý sẽ để riêng ra một khoản cho anh để anh có thể nuôi cô.
Từ góc độ kinh tế đơn thuần, đây là một thỏa thuận quá được. Ấy vậy nhưng bên cạnh sự thoải mái và đảm bảo về vật chất, Sally cũng muốn có ít nhất là một chút ảo tưởng về tình yêu, không phải chỉ là một thỏa thuận chỉ có thuần túy tiền bạc trần trụi như vậy. Vậy nên cô quyết định chấm dứt mối quan hệ, và lại bắt đầu tìm kiếm một lần nữa. “Nhưng nói thật”, cô nói, giọng chán chường, “mẹ tôi cũng đã bảo tôi: ‘Mày đừng có mơ đến chuyện kiếm được một thằng nào giống thế nữa, bởi vì mày có còn là trinh nữ nữa đâu’. Tôi đã bán mình mà vẫn không có được một thỏa thuận tốt nhất có thể”.
Phụ nữ đang ở vào một vị thế không rõ ràng trong thị trường hôn nhân. Sự mất cân bằng về giới, gây ra bởi chính sách một con và chọn lọc giới tính trước sinh, gây nên tỷ lệ 120 bé trai trên 100 bé gái ở một số vùng, thì giúp “nâng giá” họ rất nhiều. Nhưng họ đồng thời cũng phải đối mặt với rào cản bị gộp vào nhóm “gái ế” (‘leftover women’) từ độ tuổi 27, một lằn ranh giới vô hình, bất công, nhưng lại đang ngày càng được củng cố mạnh hơn bởi thành kiến của các thế hệ đi trước.
Thậm chí ngay cả Hiệp hội Phụ nữ toàn Trung Quốc, một tổ chức về lý là để ủng hộ nữ quyền, lãnh đạo chủ yếu bởi các nữ quan chức trên 50 tuổi, cũng cho xuất bản những bài viết trên các trang mạng, cảnh báo những mối nguy xã hội với những người phụ nữ chưa chồng, và số phận kinh hoàng đang chờ sẵn những cô gái độc thân trên 28 tuổi. “Mẹ tôi cứ liên tục gọi điện cho tôi để nhắc rằng tôi chỉ còn một hai năm nữa để kiếm được cho mình một ai đó thôi”, một người bạn 25 tuổi của tôi rầu rĩ bình luận. “Tất nhiên, bà ấy muốn tôi chọn lấy một trong số những tên thộn chán ngấy mà bà ấy vẫn luôn cố giới thiệu cho tôi”.
Ngay sau khi đám cưới được mong mỏi cuối cùng cũng diễn ra, áp lực của cha mẹ sẽ lập tức chuyển sang việc muốn có một đứa cháu. Một biểu đồ thú vị vừa được lưu truyền khắp nơi trên mạng trong dịp Tết Âm Lịch vừa rồi, cho mọi người thấy rõ hơn hàng loạt những yêu cầu, phê phán và đòi hỏi khắt khe mà người thân và họ hàng nhắm vào những người trẻ trở về nhà trong dịp cuối năm. Nếu anh đang độc thân, sao không yêu đi? Nếu đã yêu rồi, sao không cưới đi? Nếu đã cưới rồi, sao chưa có con đi? Nếu có con rồi, sao tụi nhỏ còn chưa làm cho bọn ta nở mày nở mặt đi? Không chỉ có thế, khi đứa trẻ ra đời, cả gia đình thông gia cũng xuất hiện, tạo thêm nhiều bất đồng hơn nữa; khi mà cả con cái, cha mẹ, hai bên ông bà đều chen chúc trong một căn hộ một-phòng-ngủ.
Kỳ vọng của người Trung Quốc về hôn nhân thường được coi là “truyền thống” bởi giới truyền thông, nhưng thực tế chúng là một hỗn hợp kỳ lạ của cả những yêu cầu về đảm bảo an toàn thời hậu-Mao Trạch Đông và những cạm bẫy của ngành công nghiệp hôn nhân phương Tây – với nhẫn kim cương, váy cưới trắng và đủ thứ giống vậy. Để đáp lại áp lực của cả cha mẹ và xã hội trong việc phải đặt hôn nhân lên hàng đầu, một bộ phận trong giới trẻ Trung Quốc đã sáng tạo ra một thuật ngữ mới, “hôn nhân trần trụi”, tức lấy nhau chỉ thuần khiết vì tình yêu, không cần có nhà, nhẫn, lễ kết hôn hay xe cộ gì hết. Ý tưởng này hứa hẹn một sự lãng mạn, nhưng những ý kiến dành cho nó thì vẫn còn lẫn lộn, kể cả trong chính giới trẻ. Một bình chọn trên trang Sohu.com vào năm 2010 cho thấy đại đa số phụ nữ trẻ phản đối ý kiến này, cho rằng nó chỉ là một cách để nam giới trốn tránh trách nhiệm của mình. Hiển nhiên, phần lớn nam thanh niên trẻ thì ủng hộ ý tưởng này nhiệt tình.
“Bà tôi lớn lên trong những năm 30, 40; khi Trung Quốc gần với thế giới hơn bây giờ nhiều, vậy nên bà hiểu cách tôi nhìn cuộc sống”.
Phải cần có lòng dũng cảm rất lớn mới có thể thoát được hoàn toàn khỏi những truyền thống này. La, cô nữ trí thức trẻ, hoàn toàn không thấy có một nhu cầu phải tham gia vào trò chơi hẹn hò; và thay vào đó sống chung với một người đàn ông ngoài 30 tuổi, người ngoại quốc và khá nghèo. “Mẹ tôi đã thôi cằn nhằn về việc này với tôi rồi, nhưng tôi biết bà ấy vẫn sẽ vui hơn rất nhiều nếu tôi chọn lấy một tên đàn ông Trung Quốc đúng kiểu truyền thống, với một căn nhà và một sự nghiệp ổn định an toàn. Bố tôi thì nói như thế cũng OK, bởi vì bạn trai tôi là người Anh, chứ không phải dân Yankee (Mỹ), hay Nhật. Nhưng tôi đã phải chứng kiến toàn bộ cuộc hôn nhân kinh khủng của họ, vậy nên tôi hoàn toàn bi quan về đàn ông. Tôi đã từ bỏ mọi tham vọng có gia đình. Tôi không có đủ khả năng để có thể cho một đứa trẻ hạnh phúc. Ngay đến hạnh phúc cho chính tôi tôi còn chẳng kiếm nổi. Và tôi cũng không muốn phải nghĩ xem mình phải để lại bao nhiêu ngôi nhà cho những thế hệ con cháu sau này”.
Tuy thế, trong khi mối quan hệ giữa thế hệ hậu-1980 với cha mẹ họ toàn những cay đắng – bất kể là về sự nghiệp, nhà cửa, hay hôn nhân – thì khoảng cách giữa họ với ông bà của mình thì, lạ thay, lại nhỏ hơn nhiều. “Bà tôi coi tham vọng làm nhà báo của tôi là chuyện hoàn toàn nghiêm túc”, Linh Mỹ Lệ nói. “Và bà là người đầu tiên dạy tôi Tiếng Anh, từ những năm tôi còn rất nhỏ. Tôi có nhiều điểm chung với bà hơn với mẹ tôi nhiều”.
Linh tiếp tục: “Bà tôi lớn lên trong những năm 30, 40; khi Trung Quốc gần với thế giới hơn bây giờ nhiều, vậy nên bà hiểu cách tôi nhìn cuộc sống”. Đây là một cảm giác xuất hiện ở rất nhiều người trẻ, và nó không phải chỉ là thứ tình cảm gắn bó giữa ông bà và cháu đơn thuần. Điều giúp gắn kết hai thế hệ này lại không chỉ là bởi Trung Quốc đã từng rộng mở hơn trước khi nó đóng cửa với thế giới; mà còn bởi thế hệ những người già luôn sẵn lòng chia sẻ câu chuyện quá khứ của mình với cháu họ.
Trương kể cho tôi ông của cô đã hóa điên vì bị ngược đãi thế nào, để lại cho bà cô một mình nuôi bốn đứa con. Còn La, cô trí thức trẻ, thì kể: “Bà tôi khi đó là chủ một nhà máy, bởi vậy nên bà đã phải chịu rất nhiều hành hạ và khổ sở khi cuộc Cách Mạng Văn Hóa diễn ra. Cũng buồn cười, bởi chính ông tôi cũng là con ruột của một địa chủ. Hàng ngày ông đều được nô bộc kiệu đến trường. Ông tôi trở thành một sĩ quan cấp trung trong quân đội, nhưng khi thấy đám đông công kích bà tôi, ông ta chỉ lẩn vào trong giữa họ. Sau đó họ lôi bà tôi đi và nhốt bà lại trong một “chuồng bò” (một nhà tù tạm) trong suốt vài năm sau đó”.
“Vậy là mẹ cô đã phải nhìn thấy cảnh mẹ ruột của mình bị lôi đi, bị phản bội bởi chính cha mình, khi mới chỉ năm, sáu tuổi?”, tôi hỏi.
“Tôi nghĩ là vậy. Ông tôi sau đó đã biến mất tăm hàng chục năm. Họ có ba đứa con, và người chị lớn nhất đã phải chăm lo cho tất cả. Khi đó bác ấy mới chỉ 14 tuổi”.
Thông tin này không hề được kể lại bởi mẹ của La, người, cũng như phần lớn mọi người khác thuộc thế hệ của bà, chọn cách giữ im lặng về mọi gian khổ mình đã phải chịu thủa nhỏ. Trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa, mang trong mình dòng máu của trí thức hoặc địa chủ là đồng nghĩa với bị ngược đãi tại trường học, bị đánh đập, cắt bớt khẩu phần ăn, và thậm chí bị chặn đứng khỏi mọi cơ hội trong cuộc sống. Việc giao nộp chính bố mẹ mình chưa bao giờ được ưa chuộng như đã từng xảy ra ở Xô Viết, với những trường hợp như cậu bé Pavlik Morozov, bị nghi ngờ là đã chết dưới tay gia đình mình, vì cậu đã tố cáo chính cha ruột cậu. Nhưng vẫn có những việc như vậy xảy ra. Một người Trung Quốc mà tôi quen, giờ đã vào độ tuổi 50, từng kể rằng ông đã phải giết chết chính em mình, để ngăn không cho hắn tố cáo với nhà chức trách rằng cha mẹ họ có giữ sách cấm. Kể cả nếu những người khác có chỉ trích chúng, trẻ em vẫn bị bắt phải ký những bản kết tội (‘condemnations’) – “Mặc dù bà ta đã sinh ra tôi và là mẹ tôi, bà ta vẫn là một kẻ phản cách mạng và là kẻ thù của tôi”. Hàng chục triệu người đã phải chứng kiến cha mẹ mình bị quấy rối, bị lăng nhục, bị đánh đập, bị cầm tù, hoặc thậm chí bị giết chết.
Lý, chàng trai với tham vọng làm một viên chức chính phủ, có một mối quan hệ gần gũi và lành mạnh với cha mẹ mình hơn bất kể ai trong số những người tôi được nói chuyện; một phần là vì anh đã cố gắng nỗ lực để có thể hiểu họ. “Họ đã phải chịu rất nhiều khổ sở khi họ bằng tuổi tôi. Họ đã làm việc rất chăm chỉ để trở thành những người mà (sau này) tôi có thể kính trọng. Mẹ tôi xuất thân từ một gia đình hết sức bình thường, chỉ là công nhân, vậy nhưng bà đã chiến đấu rất ngoan cường để vào được đại học. Và bà nội tôi thì đã nghĩ mẹ tôi không đủ tốt để xứng với cha tôi. Bà nội thực sự luôn nghĩ về mọi thứ từ góc độ đẳng cấp, mặc dù chính bà cũng đã đổi tên và chạy trốn lên phía Bắc để khỏi bị ngược đãi trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Bà là con của một gia đình trí thức, và cả gia đình bà đều ở Thượng Hải cả. Khi bà tôi quay lại để tìm họ, thì không còn dấu vết nào còn sót lại hết: bố, mẹ, anh, chị, em, cháu; tất cả đều đã biến mất cả”.
Câu chuyện về sự ngược đãi của cha mẹ kinh khủng nhất mà tôi từng được nghe đến từ một cô gái trẻ mong được giấu tên. Tôi sẽ gọi cô là Lily. Thông minh, thành đạt, và xinh đẹp, theo một cách rất mỏng manh; mối quan hệ giữa cô và mẹ mình luôn là những sự khinh thị và sỉ nhục từ mẹ cô – cô đã bị gọi là xấu xí, lười biếng, ngu dốt – dẫn đến kết cục là một sự việc vào năm cô 24 tuổi. Lily nhận được một lá thư dài từ mẹ mình, nói rằng cô thực ra chỉ là con nuôi, rằng vô vàn các khiếm khuyết của cô đã cho thấy rằng cô không phải là giọt máu của mẹ cô, và rằng đó chính là lý do khiến mẹ cô chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ, có thể yêu cô được. Khóc lóc, Lily gọi cho cha mình và đòi được biết tại sao ông chưa từng nói cho cô sự thật này. “Con nói cái gì vậy?” ông hỏi lại, ngơ ngác. “Cha còn có mặt ở đó khi con sinh ra mà”.
Dần dần, cuối cùng, mẹ của Lily cũng úp mở thừa nhận rằng lá thư đó chỉ là một lời nói dối, một sản phẩm nữa của sự căm ghét và cay đắng mà thôi. Nhưng một chút nghi ngờ vẫn ở lại. Bằng chứng rõ ràng nhất cho mối quan hệ huyết thống, Lily nghĩ, là mái tóc quăn của cô. Nó là từ mẹ cô, người đã sinh ra vào đầu những năm 1960, sau khi một góa phụ trẻ cơ hội có một thời gian mặn nồng ngắn ngủi với một Đáng viên Đảng Cộng Sản Ý ghé thăm Trung Quốc.
“Vậy là mẹ cô đã lớn lên với tư cách một đứa con lai, lại là con ngoài giá thú, giữa một thời điểm mà cả dân tộc điên cuồng truy lùng và tận diệt mọi thứ ngoại lai”, tôi nói. “Tôi không thể tưởng tượng được cuộc sống của bà ấy đã phải kinh khủng đến thế nào”.
“Chắc vậy”, Lily nói. “Chúng tôi chưa bao giờ nói với nhau về chuyện đó”.

Xuất bản ngày 7 tháng Ba, năm 2013
Chủ đề bài đăng: Trung Quốc, Cộng Đồng, Gia Đình, Xã Hội

Người dịch: Nguyễn Tiến Đạt

Dịch xong lúc 19h07, ngày 08/01/2014

·       Chỉnh sửa lần 1 xong lúc 20h07, ngày 08/01/2014
·       Chỉnh sửa lần 2 xong lúc 20h48, ngày 08/01/2014




[1] ‘Tsinghua University’, một trường đại học ở Bắc Kinh, Trung Quốc; được xem là một trong những trường đại học danh tiếng nhất ở Trung Quốc.

“I’d rather cry in a BMW than laugh on a bicycle.”

Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp”


Melissa Mã Tuyên Tử (Melissa Ma Xuan Zi 瑄紫), hay được biết đến nhiều hơn với cái tên Mã Nặc (Ma Nuo 马诺), là một người mẫu ở Bắc Kinh; người đã trở thành hiện tượng nổi tiếng chỉ sau một đêm, sau khi đưa ra một câu trả lời mạnh mẽ và sắc sảo trong chương trình truyền hình hẹn hò “Fei Cheng Wu Rao” (“Phi Thành Bất Nhiễu”, dịch sát nghĩa: ‘Nếu không chân thành, xin đừng quấy nhiễu’). Mã Nặc được coi là hình mẫu của loại “con gái vật chất” sau khi cô đưa ra những lời nhận xét mà theo nhiều người là quá thẳng thắn và tán tụng tiền bạc khi cô từ chối những người nghèo.
Trong chương trình truyền hình đó, cô đã cao ngạo từ chối thẳng thừng lời mời “cùng cô đi trên một chiếc xe đạp” của một thí sinh nam. : “Tôi thà khóc trong xe BMW còn hơn ngồi cười sau xe đạp”, Mã Nặc đã cười khúc khích và đáp lại chàng trai như vậy. Màn đáp trả trên truyền hình này sau đó đã ngay tức khắc quét sạch mạng Internet, và khiến Mã Nặc lập tức trong một đêm trở thành người nổi tiếng. Cô gái này đã rời chương trình hôm đó mà không có thêm một người bạn trai nào, nhưng từ đó đã xuất hiện trên vô số show truyền hình khác, và trở thành một trong những người phụ nữ được nhắc đến nhiều nhất tại Trung Quốc.
Sau đó, vào ngày 13 tháng Sáu năm 2010, Mã Nặc đã bật khóc và xin lỗi khán giả trong một chương trình truyền hình, giải thích rằng ngoài đời mình không phải là một kẻ chỉ biết đến vật chất như vậy. Sau khi tốt nghiệp, Mã Nặc muốn trở nên nổi tiếng hơn trên truyền hình, bằng cách tham gia vào show truyền hình hẹn hò thực tế “Fei Cheng Wu Rao”. Theo lời cô, cô đã bị lợi dụng bởi ban tổ chức của chương trình để khiến nó hấp dẫn người xem hơn.
Sự thật có thực như vậy không? Bất kể thế nào, “hiện tượng Mã Nặc” là một sự phản ánh thực sự về tình trạng của xã hội hiện nay. Những người trẻ này đã lớn lên trong một xã hội tích lũy tiền bạc nhanh đến chóng mặt. Họ kiêu ngạo và đua đòi. Họ tôn thờ tiền bạc, xe cộ và nhà cửa, bởi chính nền kinh tế đang phát triển nhanh như chớp kia khiến họ trở nên thế. Vậy, liệu Mã Nặc có chỉ nói lên ý kiến của riêng mình không? Không, ý kiến của cô là cộng hưởng tiếng nói của toàn bộ giới trẻ Trung Quốc.
Người dịch: Nguyễn Tiến Đạt)
Chi tiết về câu nói này của Mã Nặc (Ma Nuo) được nhắc đến trong một bài dịch mình đang thực hiện về thực trạng xã hội và khoảng cách giữa các thế hệ của Trung Quốc. Đúng là chỉ có khi dịch, phải ép mình google để làm chú thích thì mới biết được những thông tin như thế này. Dịch lại một đoạn ngắn, cho những ai quan tâm. (Đạt)

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Học ngoại ngữ như một đứa trẻ



J. Marvin Brown
(Viết xong vào tháng Bảy năm 1992, sửa lại đôi chỗ vào năm 2001)

Vào năm 1984, trung tâm American University Alumni Language Center tại Bangkok bắt đầu áp dụng một phiên bản mới của phương pháp “học một cách tự nhiên” trong bộ môn tiếng Thái. Trong các ấn bản chính thức đây vẫn thường được gọi là ‘The Listening Approach’ (Phương pháp học bằng cách nghe), nhưng những ngày đầu đó ở Thái Lan, nó được gọi là ‘The Natural Approach’ (Phương pháp học một cách tự nhiên). Trong những năm gần đây, người ta biết đến nó nhiều hơn với cái tên “Automatic Language Growth” (Phát triển ngôn ngữ một cách tự động), hay “ALG”. Cũng như các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ một cách tự nhiên khác, nó dựa trên nguyên tắc chủ đạo: hiểu được cách dùng ngôn ngữ trong tình huống thật chính là chìa khóa để dẫn đến việc tiếp thu ngoại ngữ một cách tự nhiên. Nhưng không như các phương pháp khác, nó khẳng định rằng: mọi cố gắng để nói (hay thậm chí chỉ là nghĩ về ngoại ngữ đang định dùng để nói), trước khi ngôn ngữ tự động bật ra ở miệng, sẽ chỉ gây ra những tổn hại không thể sửa chữa được và cản trở mọi người đến với nói thành công. Bài viết này là một bản báo cáo về Chương trình Phát triển Ngôn ngữ Tự Động (Automatic Language Growth Program, hay ALG) trong suốt 16 năm phát triển đầu tiên.

THỨ NHẤT - BÍ QUYẾT CỦA ĐỨA TRẺ

Ai cũng biết khi chúng ta chuyển đến một đất nước mới, trẻ em sẽ là những người dần dần nói được ngôn ngữ ở đó như người bản xứ, trong khi những người lớn sẽ không thể làm thế. Cách lý giải phổ biến nhất là trẻ em có một thứ “siêu năng lực” đặc biệt, mà chúng mất dần đi khi lớn lên. Và ngay cả trong thời đại của khoa học này, thứ lý thuyết “siêu năng lực” trên vẫn mặc nhiên được thừa nhận mà không hề thấy ai thắc mắc; và các nhà ngôn ngữ học buổi đầu vẫn tin rằng để học ngoại ngữ luôn cần thiết phải có những “phương pháp đặc biệt”. Họ khẳng định rằng, với người lớn, ngôn ngữ phải được dạy học thật cẩn thận, tỉ mỉ; thay vì được hấp thụ một cách tự nhiên. Ý tưởng này cứ dần lớn lên, và rồi trở thành cách giảng dạy ngoại ngữ hiện đại của chúng ta.
Nhưng liệu chúng ta có thực sự làm được gì tốt hơn với cách giảng dạy hiện nay không? Ví dụ, tại sao có những người lớn ở Trung Phi rõ ràng đạt được kết quả tốt hơn các học trò hiện đại của chúng ta khi họ chuyển tới sống trong một cộng đồng ngôn ngữ mới? Có khi nào các nhà ngôn ngữ học đầu tiên kia đã sai lầm? Có lẽ người lớn cũng có thể làm được những điều trẻ em đã làm. Có lẽ chỉ là xu hướng hành vi của người lớn (chứ không phải sự kém cỏi về năng lực) đã cản trở họ thành công.

ĐIỀU SAI LẦM – Trẻ em có thể làm được những điều người lớn không thể.

CÂU HỎI CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC HỎI – Sẽ thế nào nếu một người lớn chỉ tập trung lắng nghe ngôn ngữ mới trong suốt một năm, mà không hề cố tập nói?

CÂU TRẢ LỜI CỦA CHÚNG TÔI – Cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể làm đúng, nhưng chỉ có người lớn mới có thể làm sai.
Hãy thử tưởng tượng một đứa trẻ mới bốn tuổi và một người lớn, cùng phản ứng trong một tình huống có người nói chuyện với họ bằng ngoại ngữ. Đứa trẻ hầu hết sẽ chỉ lắng nghe, trong khi người lớn gần như sẽ luôn cố tìm cách đáp lại. Giờ hãy thử tưởng tượng rằng “không cố gắng để nói” chính là bí quyết của đứa trẻ. Cũng có thể chứ. Đây là một điều rất hợp logic: khi ta được nghe toàn những cách nói đúng, dần dần ngôn ngữ của ta sẽ được xây dựng đúng; trong khi bằng cách luôn tập nói sai, ta dần dần sẽ xây dựng ngôn ngữ của ta sai. Ý nghĩ này có lẽ sẽ làm bạn tự hỏi: Sẽ thế nào nếu một người lớn cũng thử làm theo cách tương tự của con trẻ (đấy là, chỉ nghe trong suốt một năm mà không cố gắng nói gì hết)?  Đây là một điều rất đáng để tìm hiểu đấy chứ? Nhưng có vẻ như thí nghiệm này chưa bao giờ được thực hiện. Chưa bao giờ, ít nhất là cho tới tận gần đây.
Vào năm 1984, trung tâm ngoại ngữ AUA ở Bangkok đã làm chính xác điều này trong những lớp học tiếng Thái của mình. Các học sinh chỉ tập trung lắng nghe trong suốt một năm mà hoàn toàn không phải nói gì hết. Rồi chúng tôi nhận ra rằng các học viên là người lớn cũng đạt được kết quả gần như tốt ngang bằng với trẻ em. Nếu các học viên này hiểu được những câu hội thoại tự nhiên, trong những tình huống thực mà không cần phải cố gắng nói, trong suốt một năm, thì ngôn ngữ trôi chảy và phong cách phát âm rõ ràng sẽ tự động xuất hiện nơi họ. Nếu “khoảng yên lặng” này của học viên ngắn hơn đi, thì tương ứng kết quả các học viên thu về cũng sẽ kém hơn.
Có vẻ như sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn không phải là ở chỗ người lớn đã mất đi khả năng làm đúng (tức “hấp thu” ngôn ngữ bản xứ một cách tự nhiên thông qua lắng nghe), mà là trẻ em vẫn còn chưa có được khả năng để có thể làm sai (tức phá hỏng tất cả mọi thứ bằng cách cố ép bản thân phải nói).  Chúng tôi đang gợi ý rằng chính hành động cố gượng ép để nói này (luôn luôn có ý thức suy nghĩ thành câu hoàn chỉnh trong đầu – bất kể có bằng cách dịch lại theo tiếng mẹ đẻ, áp dụng quy tắc ngữ pháp, quy tắc khai triển, từ thay thế này nọ, hay bất cứ dạng suy nghĩ nào khác) là thứ làm tổn thương khả năng nói của người lớn (kể cả khi câu nói ra đúng ngữ pháp). Chúng tôi cũng đồng thời gợi ý rằng nói một cách tự nhiên (lời nói tự bật ra ở miệng) sẽ không gây tổn hại nào (kể cả khi câu nói ra sai mọi ngữ pháp). Có vẻ tổn hại không đến từ việc nói sai, mà từ việc nghĩ quá nhiều xem phải nói thế nào cho phải.
Giờ thì, có vẻ rằng bộ não của chúng ta không thể có khả năng nói gượng ép kiểu này trước độ tuổi từ 10 đến 12, do đó trẻ em luôn được tự động bảo vệ; bất cứ khi nào những câu nói tự động không tự “nảy ra” trong đầu chúng, chúng chỉ đơn giản là buộc phải giữ im lặng. Tất nhiên trẻ em cũng tự động bật ra rất nhiều câu nói sai ngữ pháp, nhưng những câu nói này không phải là gượng ép, chúng bật ra từ một lượng ngôn ngữ chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Nhưng với những người lớn, bất cứ khi nào câu nói không tự động bật ra, họ sẽ cố ép bản thân phải nói ra một câu gì đó. Bạn có thể để ý thấy sự gượng ép này qua những âm thanh lưỡng lự điển hình (à... ờ... ừm... ) khi họ cố xoay sở để tiếp tục nói. Những âm thanh này cho thấy rằng họ đang xây dựng ngôn ngữ ở nhầm chỗ trong bộ não – chỗ vẫn được dùng để suy nghĩ. Bộ phận này của não là niềm tự hào của người lớn, nhưng nó chắc chắn là một chỗ quá ư không phù hợp để nuôi lớn ngôn ngữ. Giờ thì câu hỏi là, làm thế nào ta có thể trả ngôn ngữ về đúng chỗ phù hợp của nó? Và câu trả lời của hệ thống ALG là hãy đừng “cố nghĩ về nó” nữa – hãy đơn giản chuyển từ kênh “cố gắng” (‘try’) sang kênh “cho phép” (‘let’). Và có vẻ rằng kênh “cho phép” này vẫn đang còn sống và khỏe mạnh trong não bộ của người lớn. Không có gì đã bị mất đi cả.
Đây là điều chúng tôi đang gợi ý: Lý do khiến trẻ em luôn luôn nói được tốt như người bản địa, đấy là vì chúng học nói bằng cách nghe. Và lý do khiến người lớn không làm được điều đó là vì họ đã học nói bằng cách nói. Nhưng làm thế nào ta có thể giải thích nổi điều này? Làm thế nào mà chỉ có kết hợp giữa nghe và hiểu lại có thể dẫn đến khả năng nói? Câu hỏi này đã được trả lời bởi William Powers. Ông nói rằng khi chúng ta cố phát ra một thanh âm, ngâm nga một giai điệu, hoặc nói ra một từ nào đó, chính ký ức (hay hình ảnh trong tâm trí) về âm thanh, giai điệu, hoặc từ ngữ đó quyết định sự thành công công của quá trình – không phải cơ bắp của chúng ta. Và sự chính xác của sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào sự chính xác của ký ức này. Powers gọi những ký ức này là “tín hiệu tham khảo” (‘reference signals’). Trong trường hợp này, chúng là ký ức về những âm thanh đã được lưu giữ hoặc xử lý bởi hệ thần kinh. Vậy nên để nói một ngôn ngữ một cách thuần thục, tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một bộ các tín hiệu tham khảo hoàn chỉnh. Và các tín hiệu tham khảo này có được nhờ hoạt động tiếp thu – không phải bằng sản xuất. Tức là, chúng ta không học nói bằng cách cố để nói; chúng ta học nói bằng cách nghe (cộng với hiểu). Có hai ý tưởng quan trọng nhất dẫn đến việc khai phá được “bí mật” của đứa trẻ: (1): Ý tưởng của Stephen Krashen rằng việc tiếp thu ngôn ngữ đến từ nghe hiểu hơn là nói, và (2): Ý tưởng của Powers rằng hành động nói bị chi phối bởi ký ức về các thanh âm, từ ngữ, câu, v...v... – chứ không phải bằng cơ bắp. Nhưng giả thuyết của Krashen vẫn không làm tốt với người lớn như với trẻ con, và trung tâm AUA có gợi ý một lời giải thích, đó là vì: Người lớn nói quá nhiều. Và trong khi mọi thứ họ nghe đều giúp làm các tín hiệu tham khảo của họ tốt hơn, mọi thứ họ nói đều chỉ khiến chúng tệ đi. Đó là một trận chiến cứ thua dần – kể cả khi đã áp dụng “giai đoạn im lặng” từ 10 tiếng trở lên theo gợi ý của Krashen. Ở đây cần đến một bước thứ ba. Hoạt động nói của học sinh buộc phải bị loại trừ hoàn toàn.
Chính âm thanh trong đầu bạn sẽ định hình âm thanh phát ra từ miệng bạn.
Vậy có vẻ như bí mật của đứa trẻ không phải là một bộ não còn non có thể trải qua một giai đoạn tiếp nhận thần kỳ nào hết. Công thức có vẻ đơn giản chỉ là: “Lắng nghe”, “Đừng nói”, và “Biết kiên nhẫn”. Và giờ thì có vẻ rằng đây không chỉ còn là bí mật của đứa trẻ nữa. Giờ nó là bí mật của tất cả mọi người. Và trong khi đứa trẻ có thể làm nó chuyên cần hơn, người lớn có thể làm nó nhanh hơn. Với một ngoại ngữ “khó” (ví dụ như tiếng Thái đối với những người nói tiếng Anh) , có vẻ người lớn có thể học nhanh gấp đôi các em bé. Tức là, họ có thể nói tốt ngang một đứa bé 2 năm tuổi chỉ bằng một năm học.

HAI –  ALG (Phát triển ngôn ngữ tự động) HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Hầu như mọi giáo viên ngoại ngữ trên khắp thế giới đều không ngừng nói với các học sinh của mình rằng họ cần phải nói càng nhiều càng tốt, và cần phải suy nghĩ kỹ trước khi nói để câu nói ra luôn đúng mọi loại chuẩn ngữ âm ngữ pháp. Và giờ tôi nói rằng chính kiểu nói và nghĩ này là thứ đã khiến cho người lớn không thể học được ngoại ngữ hiệu quả. Nhưng xin bạn hãy đặc biệt chú tâm kể từ điểm này trở đi. Và tiếp tục quay trở lại đây mỗi lần bạn thấy muốn đối lập với luận điểm của ALG.
Mặc dù luận điểm của chúng ta có thể trông khác nhau, nhưng thực chất hoàn toàn không có sự mâu thuẫn nào hết. Chúng ta chỉ đang làm những việc khác nhau mà thôi. Với ALG, chúng tôi chú tâm hơn vào việc tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên, trong khi phần lớn thế giới thấy ổn với một cách dùng ngoại ngữ “nhân tạo” của người lớn. Họ dạy các học sinh của mình cách “nhân tạo” ra các câu nói. Chúng tôi dạy các học sinh cách “ứng biến” ra các câu nói.
Và chắc chắn không có cái nào là tốt hơn cái nào cả. Chỉ có điều là hầu hết mọi người trên thế giới đều tin rằng với người lớn, tiếp thu ngoại ngữ một cách tự nhiên là chuyện bất khả thi, hoặc ít nhất thì cũng phải mất quá nhiều thời gian để có thể coi là thực hiện được. Mục đích của bài viết này là để chỉ ra rằng nó hoàn toàn khả thi, và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Điều này rồi sẽ trở nên rõ hơn ở phần Bốn. Nhưng trước hết chúng tôi muốn cố làm cho luận điểm thoạt tiên nghe rất phản logic của chúng tôi này trở nên hợp logic hơn một chút, nếu không, e rằng chúng ta sẽ chẳng còn lại người đọc nào để tới được phần Bốn. Vậy nên chúng tôi sẽ đưa ra một luận điểm rất thông thường ở đây để thấy rằng, chúng tôi cũng chỉ đơn giản đi theo hoạt động tự nhiên của bộ não mà thôi. Giờ, chúng tôi không khẳng định rằng mình có bất cứ thông tin bí mật gì về cách bộ não hoạt động, nhưng từ kinh nghiệm chúng tôi có thể rút ra được một vài phỏng đoán mới. Vì đã khẳng định rằng chúng chỉ là phỏng đoán ở đây rồi, chúng tôi xin không nhắc lại rằng chúng chỉ là những phỏng đoán từ giờ trở đi. Như vậy sẽ giúp việc theo dõi được dễ dàng hơn. Nhưng bất cứ khi nào người đọc cho rằng cần thiết, bạn có thể thêm những câu này vào trước mỗi câu của phần Hai: “Chúng tôi cho rằng...”, hoặc “Có vẻ là...”, v...v...
Ký ức là cách tự nhiên của bộ não để lưu giữ mọi thứ. Hàng trăm nghìn cảnh vật có thể được bắt lấy trong chỉ một khoảnh khắc và lưu giữ đến suốt đời. Chúng ta lưu giữ quá nhiều dữ liệu mỗi ngày đến mức não bộ phải phân loại chúng ra và hệ thống lại để việc lưu trữ được hiệu quả. Và đó chính là các kiến thức tự nhiên: những ký ức đã được hệ thống hóa bởi bộ não. Từ ngữ “chó” chẳng hạn (một ví dụ về kiến thức, chứ không phải một ký ức) đã được chắt lọc ra từ hàng ngàn ký ức, hình ảnh về biết bao con chó khác nhau (mà phần lớn đã được xóa bỏ để có chỗ cho lưu giữ những thứ mới).
Vậy hệ thống hóa ký ức một cách tự nhiên là một con đường để sản sinh ra kiến thức. Nhưng cũng còn một con đường khác. Nó sử dụng khả năng ghi nhớ (memory) , thay vì những ký ức (memories). Khả năng ghi nhớ là cách bộ não lưu trữ các thông tin và số liệu (trong tương phản với các sự kiện). Đây không phải là cách tự nhiên. Cần phải có mẹo và cả nỗ lực rất nhiều để có thể ghi nhớ một thứ chỉ đơn giản như một dãy số điện thoại. Kiến thức tự nhiên là cách của đứa trẻ; nó luôn lập tức có sẵn mà không cần phải nghĩ, và nó có thể còn mãi tới suốt đời. Kiến thức nhân tạo là lựa chọn yêu thích của người lớn; muốn dùng được nó ta buộc phải nghĩ, và nó rất dễ bị quên.
Dễ bị quên là một đặc điểm đặc trưng của kiến thức nhân tạo, và nó hầu như không đóng một vai trò gì trong việc tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên. Nhưng các học sinh của chúng tôi không biết được điều này, và khi họ quay trở lại học sau khi đã đi đâu đó xa một thời gian, họ cứ nghĩ rằng mình hẳn đã quên một lượng ngôn ngữ đáng kể. Nhưng chúng tôi đã bị bất ngờ. Họ thường báo cáo lại rằng trên thực tế, họ thậm chí còn tiến bộ hơn cả so với thời điểm họ ngừng học. (Bản thân tôi cũng đã trải nghiệm điều tương tự khi quay lại tiếp nhận tiếng Trung Quốc một cách tự nhiên sau một kỳ nghỉ kéo dài tới 5 tháng).
Ta phải giải thích việc này như thế nào? Có vẻ rằng chúng ta không hề học ngoại ngữ trong lớp học chút nào cả. Chúng ta chỉ lưu lại các ký ức về những sự kiện ở đó, và rồi vô thức chiết lọc ra ngôn ngữ từ những ký ức đó sau này. Nhưng các ký ức thì bao gồm các sự kiện, không phải các từ ngữ. Hẳn nhiên là chúng ta có thể tạo ra kiến thức từ những sự kiện – nhưng còn một ngôn ngữ thì sao? Âm thanh của một từ ngữ mới từ đâu mà xuất hiện được trong đầu chúng ta? Vậy, có vẻ rằng chúng ta có một dạng kiến thức thứ ba nữa. Loại kiến thức này phát triển nhờ vào những dấu hiệu được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các ký ức. Mọi dấu hiệu tạo nên các từ ngữ đều gắn liền với một sự kiện cụ thể. Chúng ta chỉ nhớ các sự kiện chứ không nhớ các dấu hiệu này, nhưng bộ não thì lưu giữ cả hai, sự kiện lẫn dấu hiệu. (Các nhà tâm lý học đã phát hiện được những dấu hiệu này, và đề cập đến việc lưu giữ chúng với thuật ngữ “priming”). Giờ thì, từ ngữ bao gồm cả ý nghĩa và cách phát âm. Và trong tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên, ý nghĩa được chắt lọc ra tức các ký ức, trong khi cách phát âm của từ thì được tích tụ dần từ những dấu hiệu âm thanh lặp đi lặp lại trong các ký ức này.
Não bộ không thể dùng những dấu hiệu âm thanh này để nói, nhưng nó có thể dùng chúng để xây dựng nên ngôn ngữ cho chúng ta. Chính việc nhận ra sự thật này tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa  ALG và các phương pháp tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên khác.
Giờ thì bộ não tiếp tục xây dựng ngôn ngữ qua ký ức về các sự kiện và dấu hiệu của các âm thanh kể cả trong khi các học sinh đi xa. Giờ học trên lớp có thể được ví như khi ăn một bữa ăn. Việc tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng và lớn lên đều diễn ra sau đó cả.
Bên trên chúng tôi đã nhắc đến việc “xây dựng ngôn ngữ ở nhầm chỗ trong bộ não – chỗ vẫn được dùng để suy nghĩ”. Và kể từ đó chúng tôi đã luôn đối chiếu hai cách hoạt động khác nhau của bộ não. Hãy thử so sánh chúng theo danh sách dưới đây.

Kênh “Cố gắng”
                                     
có ý thức                                                
dùng khả năng ghi nhớ                             
thông tin và số liệu                                  
“cần có mẹo và cả nỗ lực rất nhiều”        
dạy và học
kiến thức nhân tạo
dùng ngoại ngữ một cách “nhân tạo”
phải nghĩ
“nhân tạo” ra các câu nói     
rất dễ quên
điều khiển bằng cơ bắp
cách học của người lớn

Kênh “Cho phép”

vô thức
ký ức và những dấu hiệu lặp lại
sự kiện
“bắt lấy trong chỉ một khoảnh khắc”
tự động tiếp thu
kiến thức tự nhiên
tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên
không cần phải nghĩ
“ứng biến” ra các câu nói
lưu giữ suốt đời
điều khiển bằng ký ức
cách học của trẻ em


Nhưng một lý thuyết chỉ toàn những từ ngữ trống rỗng như thế này sẽ không thực sự đem lại hiệu quả gì mấy. Chúng tôi cần bằng chứng xác đáng cho lý thuyết của mình – những thứ chúng tôi có thể chỉ đến cụ thể tại đâu, vào lúc nào. Và chúng tôi muốn chúng là những thứ liên quan cụ thể đến quá trình hiểu, học, và nói. Nói một cách khác, chúng tôi muốn một lý thuyết xây dựng trên hệ thần kinh, trên các phần của bộ não, hoặc tương tự như thế.

Tất nhiên chúng tôi không đủ hiểu biết về bộ não con người để có thể thực sự làm được điều này, nhưng ít nhất chúng tôi có thể cố để đặt những từ ngữ trống rỗng này vào một phần nào đó trong bộ não. Tranh ảnh về những phần khác nhau của bộ não trong các sách giáo khoa về giải phẫu thần kinh chẳng hạn, tiết lộ các loại nơ-ron thần kinh khác nhau, sắp xếp theo những cách khác nhau và đảm nhận những hoạt động xử lý khác nhau. Chúng tôi có thể hình dung hai danh sách trên của chúng tôi giống như hai căn phòng khác nhau trong bộ não: một gắn biển “cố gắng”, còn cái kia gắn biển “cho phép”. Điều quan trọng không phải là hai khu vực này nằm ở những chỗ khác nhau (trên thực tế, rất có thể rằng chúng chồng lấp và giao nhau tại nhiều điểm); mà là ở việc chúng làm những công việc khác nhau; tức chúng xử lý thông tin từ các thụ thể theo những cách khác hẳn nhau. Giờ chúng tôi muốn gợi ý rằng đứa trẻ được sinh ra đã có sẵn căn phòng “cho phép”, trong khi căn phòng “cố gắng” sẽ dần phát triển tới giai đoạn có thể hoạt động được khi đạt độ tuổi từ 10-12. Người lớn, khi đó, sẽ có cả hai căn phòng, và họ có thể chuyển đổi qua lại giữa hai căn phòng này tùy vào yêu cầu của công việc. Nhưng giáo dục hiện đại luôn tìm cách tăng cường hoạt động của căn phòng “cố gắng”, kể cả những khi căn phòng “cho phép” sẽ thích hợp hơn. Và các học sinh ngoại ngữ người lớn luôn bị mắc kẹt trong thế phân vân: bản năng tự nhiên cố khuyên họ hãy dùng kênh “cho phép”; trong khi sức mạnh của hàng nhiều năm học tập luôn cố hướng họ sử dụng kênh “cố gắng”.

Sự khác biệt này từ lâu đã được phát hiện bởi nhiều người. W. Timothy Gallwey gọi nó là “Bản thể 1” và “Bản thể 2”. Krashen thì gọi nó là “ý thức” và “vô thức”. Chúng tôi cũng chỉ đang cố làm rõ hơn chính sự phân biệt này, bằng cách diễn tả nó qua hình ảnh hai bộ phận xử lý thông tin khác hẳn nhau trong não bộ.

Chúng tôi đang giả thiết 2 luận điểm, vẫn chưa được chứng minh, và do đó, vẫn còn để ngỏ cho các cuộc tranh luận.
1. Một giả định trên lý thuyết: Bộ não quả thực có hai khả năng khác nhau, như đã nói đến ở trên.
2. Một phát hiện quan sát từ thực tế: Tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên ở người lớn là hoàn toàn khả thi, và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nếu chúng ta thực sự muốn biết hoạt động tiếp nhận ngôn ngữ diễn ra như thế nào, chúng ta cần phải hiểu cách các thụ thể của chúng ta tiếp nhận dữ kiện từ bên ngoài và xử lý chúng thành ngôn ngữ ra sao. Sau khi quan sát điều này ở các học sinh của mình trong nhiều năm trời, cũng như đúc rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân, chúng tôi đã đi đến được một lý thuyết bước đầu về não bộ có thể giải thích được điều này. Nhưng đây chưa phải lúc cho một lý thuyết như vậy, và chúng tôi sẽ xin được đề cập đến chúng trong các ấn bản sau. Cho mục đích hiện thời của chúng tôi, tất cả những gì chúng tôi muốn là đem đến một cảm giác rằng: khi để mặc một mình, ngôn ngữ chắc chắn sẽ tự hình thành – và sẽ hình thành một cách hoàn hảo. Và chúng tôi có thể làm điều này tốt hơn rất nhiều với chỉ một so sánh đơn giản dưới đây, hơn là với một lý thuyết khó hiểu và chưa hoàn thiện. So sánh đó như sau:

Nếu chúng ta để mặc cho mưa rơi trên một khu vực nhất định, một và chỉ một hệ thống sông ngòi có thể được hình thành. Không cần đến một người kỹ sư nào hết. Và cũng không có người kỹ sư nào có thể tái tạo lại được hệ thống đó, kể cả nếu anh ta có cố để thử.

Cứ miễn là chúng ta không can thiệp (nói một cách khác, chừng nào chúng ta còn “cho phép” nó xảy ra), việc hình thành hệ thống sông ngòi này sẽ chỉ phụ thuộc vào ba yếu tố duy nhất: thời tiết (gió và mưa), khu vực (kết cấu và địa hình), và cuối cùng là trọng lực. Một hệ thống sông ngòi phức tạp sẽ được hình thành; và trên một địa hình nhất định, với một loại thời tiết nhất định, chắc chắn nó sẽ hình thành theo một và chỉ một kiểu nhất định (sai khác nếu có cũng chỉ là rất nhỏ, không đáng kể). Và nếu một người kỹ sư “cố gắng” tác động tới cấu tạo của hệ thống này, anh ta sẽ chỉ phá hỏng nó theo những cách không thể nào sửa chữa lại được mà thôi.

Cũng như vậy, chừng nào chúng ta không can thiệp, việc hình thành ngôn ngữ ở một cá nhân chỉ phụ thuộc duy nhất vào 3 yếu tố: lượng thành tố ngôn ngữ người đó tiếp nhận (giống như thời tiết), bản chất của phần não chịu trách nhiệm xử lý ngôn ngữ (như kết cấu và địa hình của khu vực), và khả năng truyền dẫn của hệ thần kinh (như trọng lực). Ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi người không phải hình thành theo một hệ cấu trúc thần kinh mà ta vẫn gọi là ngôn ngữ theo một kế hoạch định sẵn bởi con người. Nó là kết quả tất yếu của một hệ thần kinh nhất định bị thúc đẩy bởi một dạng dữ liệu đầu vào nhất định.Và nếu chúng ta cố gắng, bằng bất cứ cách nào, để tác động tới khối cấu trúc này, chúng ta sẽ chỉ phá hỏng nó theo những cách không thể nào sửa chữa lại được mà thôi. Cách can thiệp điển hình nhất của người lớn đấy là cố gắng nói từ một dấu hiệu nào đấy (trước khi âm thanh hoàn chỉnh của từ ngữ đó được hình thành hoàn thiện trong não bộ). Nhưng bởi vì não bộ ngay từ đầu đã không thể dùng những dấu hiệu âm thanh này để nói được, cách duy nhất để họ có thể nói được là bằng cách xây dựng từ ngữ đó từ chính các âm thanh (có thể là âm thanh từ một từ ngữ khác phát âm gần giống vậy trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, hoặc âm thanh gượng ép học được qua bảng phiên âm quốc tế).  Và một khi họ đã làm điều này, sẽ không còn đường quay lại nữa. Những tác động hậu quả sẽ tiếp tục xuất hiện trên nền những gì họ đã làm với khu vực địa hình kia. Hãy thử hình dung nó như một hệ thống kênh đào nhân tạo của con người. Một khi nước đã bắt đầu chảy, người kỹ sư sẽ không thể nào biến toàn bộ hệ thống trở về giống hệt như nó vốn có được nữa, bất kể anh ta có cố gắng đến thế nào. Và trong trường hợp của ngôn ngữ, “như nó vốn có” chính là cách người bản xứ nói ngôn ngữ của họ.

BA – ĐƯA ALG VÀO LỚP HỌC
Hãy nhìn những đứa trẻ khi chúng theo gia đình chuyển tới một đất nước mới, và bạn sẽ thấy chúng “lắng nghe, cười, và nhìn chăm chăm”. Và rồi nhìn vào những người lớn khi họ được gả vào trong những ngôi làng sâu trong rừng, nơi cư dân nói một ngôn ngữ khác hẳn; ta thấy họ chỉ “lẵng đẵng bám theo” (đàn ông thì theo cánh thợ săn, phụ nữ làm việc cùng mọi người khác trong vườn và trong bếp), cũng như “ngồi quây quần bên bếp lửa” (để nghe kể chuyện mỗi đêm). Cả hai đối tượng trên đều đã dùng bí quyết của đứa trẻ: tai mở rộng, miệng đóng chặt, và không hề có “deadline” (hạn cuối để làm một cái gì đấy). Và cả hai đều trở thành gần-như-người-bản-xứ chỉ trong vòng hai năm. Và giờ hãy nhìn vào những lớp học ngoại ngữ ở khắp nơi trên thế giới, và ta thấy điều hoàn toàn ngược lại : tai gần như đóng chặt (các học sinh dùng mắt để học, thay vì tai); miệng mở rộng, và vô cùng nhiều các thể loại deadline.  Rất ít trong số các học sinh học kiểu này có thể trở thành gần-như-người-bản-xứ. Nhưng giờ khi chúng ta đã biết rằng bộ não của người lớn cũng có thể dùng bí quyết của đứa trẻ, chúng ta đã sẵn sàng cho câu hỏi tiếp theo: liệu chúng ta có thể áp dụng bí quyết này để đáp ứng nhu cầu của các học sinh hiện đại không? Và chúng tôi thấy rằng có hai khả năng ở đây. Hoặc là ta “đóng hộp” phương pháp này để đem vào trong lớp học (được gợi ý từ hoạt động “ngồi quây quần bên bếp lửa”); hoặc chúng ta đem các học sinh ra khỏi lớp học, để cho họ “lẵng đẵng bám theo”.

Vậy làm thế nào để ta có thể “đóng hộp” nó? Bí mật có vẻ nằm ở kênh thông tin và dữ liệu đầu vào được tiếp nhận. Cả trong trường mẫu giáo và các ngôi làng của người châu Phi, kênh “cho phép” luôn được mở, và các sự kiện được nhập vào đều trở thành các ký ức (để sau đó não bộ có thể tạo ra ngôn ngữ từ những ký ức này). Đồng thời, cũng có thoải mái thời gian cho việc học, hoàn toàn không có một deadline nào. Nhưng khi bạn đặt người lớn vào trong những phòng học và giao cho họ một hạn cuối để hoàn tất chương trình, thì khi đó kênh “cố gắng” sẽ tự động được bật lên. Các từ ngữ được nhập vào (thay vì sự kiện), rồi trở thành các dữ kiện thông tin (thay vì các ký ức). Và tất cả những hoạt động này đều diễn ra trong phần não bộ suy nghĩ có ý thức (thay vì phần não bộ ngôn ngữ vô thức). Vậy nên điều kiện tiên quyết quan trọng nhất là phải giữ cho kênh “cố gắng” luôn đóng. Có hai thứ phải cần đến. Một, đó là các sự kiện phải thật thú vị (vui, kịch tích, hồi hộp, v...v...), đến mức người học quên đi rằng một ngôn ngữ mới đang được sử dụng.Và thứ hai, mức độ hiểu biết của học sinh phải đủ cao để giữ họ tập trung – tức là phải từ 60-80%, ngay từ ngày học đầu tiên! Phải cần rất nhiều công sức để đào tạo ra được những người hướng dẫn có thể duy trì bài học mà cả sự hấp dẫn lẫn khả năng hiểu ngay từ trình độ ban đầu đều ở mức độ cao. Nhưng một khi đã đạt được đến đó, giờ học sẽ là niềm vui của cả học sinh lẫn người hướng dẫn kia.

BỐN – ĐO ĐẠC ALG
Kết quả học thường phụ thuộc vào những mức độ thông minh khác nhau, động lực, và nỗ lực khác nhau của từng học sinh, và cách thông thường để đo đạc kết quả này là bằng các bài kiểm tra. Nhưng tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên chỉ phụ thuộc duy nhất vào mức độ tiếp xúc, vậy nên mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều (và cũng chính xác hơn rất nhiều) khi ta chỉ cần đo mức độ tiếp xúc (mà thực ra là mức độ hiểu) của học sinh. Với các em bé, ta đo đạc tiến độ học bằng tuổi của các em. Nếu một ai đó nói cậu nhóc của cô ấy được 21 tháng tuổi, điều đó cho ta thấy được khả năng ngôn ngữ của em bé này hơn bất cứ bài kiểm tra nào có thể. Với trẻ em lớn hơn và người lớn, mức độ ngôn ngữ đầu vào thiếu liên tục hơn nhiều so với các em bé, và do vậy chúng ta cần tìm lấy một cách khác để đong đếm, hoặc ước lượng, số giờ nói chuyện mà họ thực sự hiểu. (Đây sẽ là chủ đề được bàn đến trong phần tiếp theo của bài viết này).

Như một kết quả của hàng nhiều năm nghiên cứu cùng hơn 40 năm quan sát tiến độ và khả năng của – nói không ngoa – hàng ngàn học sinh học ngoại ngữ như một ngôn ngữ thứ hai, đến từ hơn 50 quốc gia và nền văn hóa khác nhau, chúng tôi đã tìm ra được rằng công thức sau cho kết quả đặc biệt chuẩn xác. (Xin vui lòng để tâm trong khi bạn đọc qua phần này và các phần sau đó rằng, bạn có thể sẽ muốn bất đồng với các kết luận của chúng tôi, dựa trên kinh nghiệm của chính bạn hoặc của ai đó mà bạn biết. Nhưng, nếu bạn chịu  khó để dành những ngoại lệ của các bạn tới phần sau và vui lòng tiếp tục theo dõi lập luận của chúng tôi, rất có thể các bạn sẽ thấy rằng chúng tôi cũng đã bao gồm cả các nhân tố đó trong quá trình phát triển các ý tưởng này của mình).

 CÔNG THỨC ĐO MỨC ĐỘ TIẾP NHẬN NGÔN NGỮ CƠ BẢN:    y = 1-e-kx
trong đó         y    là lượng ngôn ngữ mà một người biết (1 = ngang với trình độ bản xứ).
                       x    là số giờ nói chuyện họ đã nghe hiểu
                       k    là hằng số tiếp nhận:      0.0018
                       e     là cơ số thuật toán tự nhiên:  2.718

Nếu một học sinh tích lũy được 1000 giờ nghe hiểu tiếng Thái chẳng hạn, vậy thì mức độ tiếp nhận tiếng Thái của anh ta sẽ là 83%.
Hoặc nếu ta muốn biết phải cần bao lâu để một học sinh đạt đến mức độ 90% (đây là mức độ nói lưu loát mà học sinh truyền thống ít khi đạt tới), công thức này cho ta biết người đó cần 1300 giờ nghe hiểu.
Chúng ta thường nghĩ rằng hoàn toàn đắm chìm bản thân trong môi trường bản xứ cũng đồng nghĩa với mức độ tiếp nhận cao nhất, nhưng hãy thử nhìn vào một ví dụ tiêu biểu dưới đây. Cứ coi rằng bạn được tiếp xúc với môi trường giao tiếp bản xứ 8 tiếng mỗi ngày (bao gồm thời gian dùng bữa, nói chuyện phiếm, chơi trò chơi, v...v...). Nhưng dù vậy, gọi là 8 tiếng nhưng cũng không ai nói liên tục không ngừng nghỉ, nên có thể chúng ta sẽ chỉ còn khoảng 4 tiếng thực sự gồm toàn nói chuyện. Và một nửa trong số đó là phần nói của chính bạn, nên ta sẽ chỉ còn khoảng 2 tiếng nghe hiểu mà thôi. Và nếu mức độ nghe hiểu của bạn chỉ là 50%, nó sẽ xuống chỉ còn khoảng 1 giờ thực sự nghe hiểu mỗi ngày. Tức là bạn sẽ phải mất trên dưới 4 năm mới tích lũy đủ 1400 giờ nghe hiểu cần thiết để có thể được coi là “lưu loát” (‘fluent’). (Chúng tôi dùng khái niệm “fluent” theo nghĩa “nói chuẩn, không ngập ngừng, gián đoạn, về mọi vấn đề thường ngày; tức y xấp xỉ bằng 88%).
Hơn nữa, những người nước ngoài này lại thường sống cùng gia đình của họ, và sự tiếp xúc với môi trường bản xứ của họ chủ yếu chỉ bao gồm các vấn đề đơn giản thường nhật. Nghe thì có vẻ là rất nhiều tiếp xúc, nhưng khi bạn thêm bớt một vài giây chỗ này chỗ kia, rồi nhân nó lên với mức phần trăm hiểu biết của bạn, nó hiếm khi vượt quá được 10 phút mỗi ngày. Ở mức độ đó, sẽ phải mất 23 năm mới có thể trở nên “fluent”.
Số giờ nghe hiểu này không phải bao giờ cũng rõ ràng theo từng đơn vị tháng hay ngày: cuộc sống bình thường bao gồm nhiều cuộc nói chuyện rất không liên tục, và mức độ hiểu của người nghe cũng không ổn định. Nhưng các lớp học của ALG luôn bao gồm những cuộc nói chuyện không ngừng nghỉ, và có thể đem lại mức độ nghe hiểu cao hơn ở ngoài đời rất nhiều.
Công thức đầu tiên của chúng tôi giả sử rằng người học sinh đều làm mọi thứ đúng cách. Công thức này luôn dùng được với trẻ em, nhưng chỉ hiếm khi với người lớn. Vì mặc dù người lớn có thể làm đúng, họ lại thường không làm thế. Vậy việc đo đạc mức độ chính xác trong học tập của người lớn (chúng tôi sẽ gọi nó là C, cho “ceiling”) cũng trở thành một nhân tố quan trọng cho công thức của chúng tôi. Sẽ thuận tiện hơn nếu C là một mức độ phần trăm, vậy nên y cũng sẽ là một mức độ phần trăm; và do đó 100, thay vì 1, sẽ là đơn vị chuẩn tương ứng với trình độ ngôn ngữ của một người bản xứ.

Giờ để tìm hiểu xem học sinh nói lưu loát đến đâu (y), chúng ta cần phải biết người học sinh đó đã trải nghiệm bao nhiêu giờ nghe (h), đã hiểu được đến mức độ nào (u), và anh ta đã trải qua quá trình này như thế nào (C).

h    chỉ đơn giản là số giờ có mặt trên lớp của học sinh (mức độ chuyên cần)
u    có thể được ước đoán bằng mức độ “phản hồi” của học sinh trong mỗi giờ (chúng ta thường vẫn luôn để ý và ước đoán mức độ hiểu của người nghe trong những cuộc nói chuyện hàng ngày, mặc dù phần lớn chúng ta làm việc đó một cách vô thức).
C   có thể được ước đoán từ việc học sinh có thử lặp lại những điều anh ta đã nghe hay không, những loại câu hỏi mà anh ta hay hỏi, v...v...
Thường thì, các giáo viên sẽ nhập điểm cho học sinh của mình dựa vào nhận định của chính họ. Một khi điểm đã được nhập vào máy tính, chúng ta sẽ có thể giám sát tiến độ của học sinh. Mức điểm “hiểu” (u) của một học sinh trung bình thường vào khoảng trên dưới 80%. “C” thì biến động nhiều hơn, nhưng với một học sinh người lớn tiêu biểu, bắt đầu học tiếng với ALG ngay từ đầu, mức độ C thường xấp xỉ vào khoảng 95%.
13 học sinh đầu tiên cho thấy dấu hiệu nghe nói một cách tự nhiên trong các lớp học ALG của chúng tôi đến từ Trung Quốc và quốc gia vùng Đông Nam Á – mặc dù phần lớn học sinh của chúng tôi là người phương Tây. Chỉ khi chúng tôi kéo dài khóa học của mình ra hơn 1000 giờ nghe hiểu thì các học sinh khác mới bắt đầu đạt đến trình độ này. Chúng tôi sớm nhận thấy rằng bất kể mức độ nào mà các học sinh người phương Tây và Nhật Bản phải cần đến 1000 giờ thì các học sinh người Trung Quốc chỉ mất khoảng 800 giờ, và các học sinh Đông Nam Á thì chỉ khoảng 600 giờ mà thôi. Điều này gợi ý rằng cần có thêm một đại lượng “độ dễ của ngôn ngữ” (L) cho công thức của chúng tôi. Với các học sinh Trung Quốc khi học tiếng Thái, L = 0.8 ; và với phần lớn các học sinh người Đông Nam Á, L = 0.6.
y = C(1-e-kx/L)

“Độ dễ của ngôn ngữ” đã dần được gọi là Yếu Tố Ngôn Ngữ Bản Địa, nhưng càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng chính văn hóa, chứ không phải ngôn ngữ, có tác động nhiều hơn tới nhân tố này.

Cho tới giờ, chúng tôi vẫn có rất ít kinh nghiệm về Yếu Tố Ngôn Ngữ Bản Địa của tiếng Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha; nhưng nếu người Malaysia học tiếng Thái (Malaysia-Thái) có mức độ này là 0.6 (hai ngôn ngữ không liên quan tới nhau, và chỉ tương đồng về văn hóa và quy tắc ngữ pháp), chúng tôi có thể dự đoán rằng với các ngôn ngữ Châu Âu này, mức độ Yếu Tố Ngôn Ngữ Bản Địa sẽ vào khoảng 0.4. Điều này, cũng như các dự đoán khác của chúng tôi, được liệt kê trong bảng dưới đây. Các độc giả với các thông tin chi tiết hơn có thể củng cố thêm các dự đoán này. Số giờ và tuần cần thiết ghi ở dưới là lượng thời gian để đạt đến mức độ lưu loát khoảng 88%. Cho các tính toán ở dưới, mức độ hiểu (u) được đặt là 0.8, và mức độ C được đặt khoảng 0.95.

“Độ dễ của ngôn ngữ” (L)
Ví dụ
Số giờ
1.0
1.0
0.8
0.6
0.4
0.4
0.4
0.2
0.1
0.1
0.06
Anh-Thái
Nhật-Thái
Trung-Thái
Malaysia-Thái
Anh-Pháp
Anh-Đức
Anh-Tây Ban Nha
Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha
Thái-Lào
Na Uy-Thụy Điển
Thụy Điển-Đan Mạch
1800
1800
1450
1100
720
720
720
370
180
180
110

Vẫn còn một nhân tố nữa phải được xem xét đến. Chất lượng của một chương trình học cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của chương trình này. Trong cuộc sống, đứa bé sơ sinh luôn tự động trải nghiệm tất cả mọi thứ xảy ra với nó – và những trải nghiệm đó đều là 100% chân thực. Một khi bạn đã đặt người lớn vào trong phòng học (hoặc bất cứ bối cảnh nào khác), chất lượng của các trải nghiệm đó bị ảnh hưởng bởi những gì người lớn làm. Người lớn không tương tác với các người lớn khác như cách họ làm với trẻ con. Chúng tôi gọi đây là nhân tố thực tế (r). Các trải nghiệm trong và ngoài phòng học càng gần với bối cảnh thực tế mà trẻ em vẫn hay dùng (theo nghĩa giống về chất lượng, chứ không phải giống về nội dung), thì nhân tố thực tế này càng cao. Chương trình dạy tiếng Thái của chúng tôi tại Bangkok có nhân tố thực tế là 0.83, trong khi chương trình dạy tiếng Anh cho người Thái tại thời điểm viết bài này có mức nhân tố thực tế là 0.7, và vẫn đang tiếp tục tăng dần. (Nếu nhìn cụ thể, nhân tố thực tế sẽ bao gồm chất lượng của giảng viên, chất lượng của các ký ức, và độ mạnh của các trải nghiệm).
Mọi người thường hỏi đâu là cách nhanh nhất để học một ngôn ngữ. Tối đa hóa C, tất nhiên, đó cũng chính là mục đích chủ yếu của bài viết này. Không cần phải nói cũng thấy rằng nếu học sinh muốn học một khóa học nhanh hết mức có thể, anh ấy/cô ấy phải làm mọi thứ đúng 100%. Có nhiều yếu tố tác động đến chúng. Lượng thời gian học sinh có thể dành ra để tiếp nhận các trải nghiệm là một trong số đó. Ở mức một giờ một tuần, tiến độ tăng rất chậm. Thế nếu thật nhiều hơn nữa thì sao? Rất nhiều trong số các học sinh trong chương trình tiếng Thái của chúng tôi học nhiều đến mức 30 tiếng một tuần, và đó chủ yếu là ở trong bối cảnh lớp học. Bằng cách ra khỏi phòng học và sắp xếp các hoạt động trong cả môi trường ký túc, chúng tôi đã có thể nâng mức này lên đến hơn 50 giờ một tuần. Chúng tôi gọi nó là “Max Program” - Chương trình Tối Ưu; và gần đây hơn, có thêm ALG World Edu-Tours - Du lịch thế giới + Học cùng ALG. Lịch trình hàng tuần bao gồm giờ học trên lớp, dùng bữa, tập thể dục buổi sáng, chơi trò chơi buổi tối, giải trí đêm và ngắm cảnh. Tất cả những hoạt động này đều sử dụng ngôn ngữ mới cần học, và tất cả chúng được kiểm soát để đem lại mức độ nghe hiểu tối đa cho học sinh. Một lợi thế lớn của các khóa học Edu-Tours đấy là chúng không chỉ tối đa hóa lượng thời gian, mà còn cả nhân tố thực tế (r) nữa. Nếu một trường học có khả năng cung cấp nhân tố thực tế ở khoảng 0.8, thì Edu-Tours sẽ có thể cung cấp các trải nghiệm ở mức 1.

NĂM – ĐƯA ALG VÀO TRƯỜNG HỌC
Chúng tôi tin rằng gần như tất cả mọi trường học, khoa đào tạo, khóa học, hay các lớp luyện ngoại ngữ trên khắp thế giới đều có thể làm tốt hơn với ALG. Nhưng chúng tôi không đề xuất rằng bất cứ nơi nào trong số đó nên lập tức thay đổi toàn bộ chương trình. Chúng tôi chắc chắn là việc đó không thể thực hiện ngay lập tức được. Không hề dễ để có thể khởi động một khóa học ALG, và bất cứ cố gắng vội vàng nào cũng gần như chắc chắn sẽ thất bại.
Hầu hết các trường đại học dạy ngoại ngữ với mức độ 1 giờ một ngày, kèm bài tập về nhà, và họ giao bài kiểm tra, chấm điểm, và tính tín chỉ cho các học viên. Chúng ta có thể đưa ALG vào hệ thống này bằng cách cho các học sinh học hai tiếng mỗi ngày, không có bài tập về nhà, với cùng một lượng tín chỉ tương tự. Điểm số sẽ được tính theo công thức trên. Với một ngôn ngữ “dễ” (như tiếng Pháp, tiếng Đức hoặc tiếng Tây Ban Nha), để đạt được mức độ lưu loát “fluency” sẽ cần đến 5 học kỳ (khoảng 600 giờ với mức độ nghe hiểu 80%), và tính bằng 25 tín chỉ. Nhưng với một ngôn ngữ “khó” (chẳng hạn như tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, hoặc tiếng Thái), mức độ “fluency” sẽ cần đến 12 học kỳ với 60 tín chỉ. Điều này nghe có vẻ không thực tế chút nào.
Nhưng rất nhiều trường đại học đã có sẵn những khóa học cấp tốc ngoại ngữ trong hè, và điều này có thể đem đến lời giải cho chúng ta. Trong một học kỳ hè kéo dài 12 tuần, ALG có thể được dạy với cường độ 7 tiếng một ngày. Và tốt hơn cả thế, một khóa đào tạo như Max Course có thể được sử dụng. Với một khóa đào tạo Max Course, tiếng Pháp có thể được dạy tới mức “fluency” chỉ trong một mùa hè. Có lẽ phương pháp khả thi nhất để dạy tiếng Nhật tới “fluency” sẽ cần đến hai học kỳ hè với khóa Max Course, cộng thêm hai giờ học mỗi ngày trong năm học ở giữa 2 mùa hè. Mỗi học kỳ hè sẽ cho 600 giờ nghe hiểu, và mỗi học kỳ với 2 giờ học hàng ngày sẽ cho khoảng 120 giờ nghe hiểu; tổng cộng lại ta sẽ có 1440 giờ nghe hiểu, bằng khoảng 60 tín chỉ.
(Ở thời điểm viết lại bản chỉnh sửa cho bài viết này, trung tâm ALG World đang phát triển khả năng để có thể cộng tác với bất kỳ ai có hứng thú với phương pháp mới này. Điều này sẽ cho phép các loại chương trình học khác nhau có thể tận dụng và xây dựng mới dựa trên nền tảng đã có sẵn. Bất cứ đối tác nào có hứng thú có thể liên hệ qua hòm thư điện tử tại admin@algworld.com để biết thêm thông tin về tài liệu cũng như cơ hội liên kết).

NOTES
1.                                See The Listening Approach by Brown and Palmer. Longman, 1988.
2.                                See The Natural Approach by Krashen and Terrell. Alemany Press.
3.                                Many people have commented on this.  See, for example, page 27 of Learning a Foreign Language by Eugene A. Nida.  Friendship Press. 1957
4.                    See Behaviour: The Control of Perception, Aldine Publishing Co., 1973, and Living Control Systems, Gravel Switch, Kentucky, 1989.
5.                                See The Inner Game of Tennis, Random House, 1974.

Nguồn bài viết: http://algworld.com/archives.php

Dịch bởi: Nguyễn Tiến Đạt (sutucon)

Dịch xong tại Hà Nội, lúc 10h33, ngày 1/1/2014