Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Học ngoại ngữ như một đứa trẻ



J. Marvin Brown
(Viết xong vào tháng Bảy năm 1992, sửa lại đôi chỗ vào năm 2001)

Vào năm 1984, trung tâm American University Alumni Language Center tại Bangkok bắt đầu áp dụng một phiên bản mới của phương pháp “học một cách tự nhiên” trong bộ môn tiếng Thái. Trong các ấn bản chính thức đây vẫn thường được gọi là ‘The Listening Approach’ (Phương pháp học bằng cách nghe), nhưng những ngày đầu đó ở Thái Lan, nó được gọi là ‘The Natural Approach’ (Phương pháp học một cách tự nhiên). Trong những năm gần đây, người ta biết đến nó nhiều hơn với cái tên “Automatic Language Growth” (Phát triển ngôn ngữ một cách tự động), hay “ALG”. Cũng như các phương pháp giảng dạy ngoại ngữ một cách tự nhiên khác, nó dựa trên nguyên tắc chủ đạo: hiểu được cách dùng ngôn ngữ trong tình huống thật chính là chìa khóa để dẫn đến việc tiếp thu ngoại ngữ một cách tự nhiên. Nhưng không như các phương pháp khác, nó khẳng định rằng: mọi cố gắng để nói (hay thậm chí chỉ là nghĩ về ngoại ngữ đang định dùng để nói), trước khi ngôn ngữ tự động bật ra ở miệng, sẽ chỉ gây ra những tổn hại không thể sửa chữa được và cản trở mọi người đến với nói thành công. Bài viết này là một bản báo cáo về Chương trình Phát triển Ngôn ngữ Tự Động (Automatic Language Growth Program, hay ALG) trong suốt 16 năm phát triển đầu tiên.

THỨ NHẤT - BÍ QUYẾT CỦA ĐỨA TRẺ

Ai cũng biết khi chúng ta chuyển đến một đất nước mới, trẻ em sẽ là những người dần dần nói được ngôn ngữ ở đó như người bản xứ, trong khi những người lớn sẽ không thể làm thế. Cách lý giải phổ biến nhất là trẻ em có một thứ “siêu năng lực” đặc biệt, mà chúng mất dần đi khi lớn lên. Và ngay cả trong thời đại của khoa học này, thứ lý thuyết “siêu năng lực” trên vẫn mặc nhiên được thừa nhận mà không hề thấy ai thắc mắc; và các nhà ngôn ngữ học buổi đầu vẫn tin rằng để học ngoại ngữ luôn cần thiết phải có những “phương pháp đặc biệt”. Họ khẳng định rằng, với người lớn, ngôn ngữ phải được dạy học thật cẩn thận, tỉ mỉ; thay vì được hấp thụ một cách tự nhiên. Ý tưởng này cứ dần lớn lên, và rồi trở thành cách giảng dạy ngoại ngữ hiện đại của chúng ta.
Nhưng liệu chúng ta có thực sự làm được gì tốt hơn với cách giảng dạy hiện nay không? Ví dụ, tại sao có những người lớn ở Trung Phi rõ ràng đạt được kết quả tốt hơn các học trò hiện đại của chúng ta khi họ chuyển tới sống trong một cộng đồng ngôn ngữ mới? Có khi nào các nhà ngôn ngữ học đầu tiên kia đã sai lầm? Có lẽ người lớn cũng có thể làm được những điều trẻ em đã làm. Có lẽ chỉ là xu hướng hành vi của người lớn (chứ không phải sự kém cỏi về năng lực) đã cản trở họ thành công.

ĐIỀU SAI LẦM – Trẻ em có thể làm được những điều người lớn không thể.

CÂU HỎI CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC HỎI – Sẽ thế nào nếu một người lớn chỉ tập trung lắng nghe ngôn ngữ mới trong suốt một năm, mà không hề cố tập nói?

CÂU TRẢ LỜI CỦA CHÚNG TÔI – Cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể làm đúng, nhưng chỉ có người lớn mới có thể làm sai.
Hãy thử tưởng tượng một đứa trẻ mới bốn tuổi và một người lớn, cùng phản ứng trong một tình huống có người nói chuyện với họ bằng ngoại ngữ. Đứa trẻ hầu hết sẽ chỉ lắng nghe, trong khi người lớn gần như sẽ luôn cố tìm cách đáp lại. Giờ hãy thử tưởng tượng rằng “không cố gắng để nói” chính là bí quyết của đứa trẻ. Cũng có thể chứ. Đây là một điều rất hợp logic: khi ta được nghe toàn những cách nói đúng, dần dần ngôn ngữ của ta sẽ được xây dựng đúng; trong khi bằng cách luôn tập nói sai, ta dần dần sẽ xây dựng ngôn ngữ của ta sai. Ý nghĩ này có lẽ sẽ làm bạn tự hỏi: Sẽ thế nào nếu một người lớn cũng thử làm theo cách tương tự của con trẻ (đấy là, chỉ nghe trong suốt một năm mà không cố gắng nói gì hết)?  Đây là một điều rất đáng để tìm hiểu đấy chứ? Nhưng có vẻ như thí nghiệm này chưa bao giờ được thực hiện. Chưa bao giờ, ít nhất là cho tới tận gần đây.
Vào năm 1984, trung tâm ngoại ngữ AUA ở Bangkok đã làm chính xác điều này trong những lớp học tiếng Thái của mình. Các học sinh chỉ tập trung lắng nghe trong suốt một năm mà hoàn toàn không phải nói gì hết. Rồi chúng tôi nhận ra rằng các học viên là người lớn cũng đạt được kết quả gần như tốt ngang bằng với trẻ em. Nếu các học viên này hiểu được những câu hội thoại tự nhiên, trong những tình huống thực mà không cần phải cố gắng nói, trong suốt một năm, thì ngôn ngữ trôi chảy và phong cách phát âm rõ ràng sẽ tự động xuất hiện nơi họ. Nếu “khoảng yên lặng” này của học viên ngắn hơn đi, thì tương ứng kết quả các học viên thu về cũng sẽ kém hơn.
Có vẻ như sự khác biệt giữa trẻ em và người lớn không phải là ở chỗ người lớn đã mất đi khả năng làm đúng (tức “hấp thu” ngôn ngữ bản xứ một cách tự nhiên thông qua lắng nghe), mà là trẻ em vẫn còn chưa có được khả năng để có thể làm sai (tức phá hỏng tất cả mọi thứ bằng cách cố ép bản thân phải nói).  Chúng tôi đang gợi ý rằng chính hành động cố gượng ép để nói này (luôn luôn có ý thức suy nghĩ thành câu hoàn chỉnh trong đầu – bất kể có bằng cách dịch lại theo tiếng mẹ đẻ, áp dụng quy tắc ngữ pháp, quy tắc khai triển, từ thay thế này nọ, hay bất cứ dạng suy nghĩ nào khác) là thứ làm tổn thương khả năng nói của người lớn (kể cả khi câu nói ra đúng ngữ pháp). Chúng tôi cũng đồng thời gợi ý rằng nói một cách tự nhiên (lời nói tự bật ra ở miệng) sẽ không gây tổn hại nào (kể cả khi câu nói ra sai mọi ngữ pháp). Có vẻ tổn hại không đến từ việc nói sai, mà từ việc nghĩ quá nhiều xem phải nói thế nào cho phải.
Giờ thì, có vẻ rằng bộ não của chúng ta không thể có khả năng nói gượng ép kiểu này trước độ tuổi từ 10 đến 12, do đó trẻ em luôn được tự động bảo vệ; bất cứ khi nào những câu nói tự động không tự “nảy ra” trong đầu chúng, chúng chỉ đơn giản là buộc phải giữ im lặng. Tất nhiên trẻ em cũng tự động bật ra rất nhiều câu nói sai ngữ pháp, nhưng những câu nói này không phải là gượng ép, chúng bật ra từ một lượng ngôn ngữ chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Nhưng với những người lớn, bất cứ khi nào câu nói không tự động bật ra, họ sẽ cố ép bản thân phải nói ra một câu gì đó. Bạn có thể để ý thấy sự gượng ép này qua những âm thanh lưỡng lự điển hình (à... ờ... ừm... ) khi họ cố xoay sở để tiếp tục nói. Những âm thanh này cho thấy rằng họ đang xây dựng ngôn ngữ ở nhầm chỗ trong bộ não – chỗ vẫn được dùng để suy nghĩ. Bộ phận này của não là niềm tự hào của người lớn, nhưng nó chắc chắn là một chỗ quá ư không phù hợp để nuôi lớn ngôn ngữ. Giờ thì câu hỏi là, làm thế nào ta có thể trả ngôn ngữ về đúng chỗ phù hợp của nó? Và câu trả lời của hệ thống ALG là hãy đừng “cố nghĩ về nó” nữa – hãy đơn giản chuyển từ kênh “cố gắng” (‘try’) sang kênh “cho phép” (‘let’). Và có vẻ rằng kênh “cho phép” này vẫn đang còn sống và khỏe mạnh trong não bộ của người lớn. Không có gì đã bị mất đi cả.
Đây là điều chúng tôi đang gợi ý: Lý do khiến trẻ em luôn luôn nói được tốt như người bản địa, đấy là vì chúng học nói bằng cách nghe. Và lý do khiến người lớn không làm được điều đó là vì họ đã học nói bằng cách nói. Nhưng làm thế nào ta có thể giải thích nổi điều này? Làm thế nào mà chỉ có kết hợp giữa nghe và hiểu lại có thể dẫn đến khả năng nói? Câu hỏi này đã được trả lời bởi William Powers. Ông nói rằng khi chúng ta cố phát ra một thanh âm, ngâm nga một giai điệu, hoặc nói ra một từ nào đó, chính ký ức (hay hình ảnh trong tâm trí) về âm thanh, giai điệu, hoặc từ ngữ đó quyết định sự thành công công của quá trình – không phải cơ bắp của chúng ta. Và sự chính xác của sản phẩm phụ thuộc hoàn toàn vào sự chính xác của ký ức này. Powers gọi những ký ức này là “tín hiệu tham khảo” (‘reference signals’). Trong trường hợp này, chúng là ký ức về những âm thanh đã được lưu giữ hoặc xử lý bởi hệ thần kinh. Vậy nên để nói một ngôn ngữ một cách thuần thục, tất cả những gì chúng ta cần chỉ là một bộ các tín hiệu tham khảo hoàn chỉnh. Và các tín hiệu tham khảo này có được nhờ hoạt động tiếp thu – không phải bằng sản xuất. Tức là, chúng ta không học nói bằng cách cố để nói; chúng ta học nói bằng cách nghe (cộng với hiểu). Có hai ý tưởng quan trọng nhất dẫn đến việc khai phá được “bí mật” của đứa trẻ: (1): Ý tưởng của Stephen Krashen rằng việc tiếp thu ngôn ngữ đến từ nghe hiểu hơn là nói, và (2): Ý tưởng của Powers rằng hành động nói bị chi phối bởi ký ức về các thanh âm, từ ngữ, câu, v...v... – chứ không phải bằng cơ bắp. Nhưng giả thuyết của Krashen vẫn không làm tốt với người lớn như với trẻ con, và trung tâm AUA có gợi ý một lời giải thích, đó là vì: Người lớn nói quá nhiều. Và trong khi mọi thứ họ nghe đều giúp làm các tín hiệu tham khảo của họ tốt hơn, mọi thứ họ nói đều chỉ khiến chúng tệ đi. Đó là một trận chiến cứ thua dần – kể cả khi đã áp dụng “giai đoạn im lặng” từ 10 tiếng trở lên theo gợi ý của Krashen. Ở đây cần đến một bước thứ ba. Hoạt động nói của học sinh buộc phải bị loại trừ hoàn toàn.
Chính âm thanh trong đầu bạn sẽ định hình âm thanh phát ra từ miệng bạn.
Vậy có vẻ như bí mật của đứa trẻ không phải là một bộ não còn non có thể trải qua một giai đoạn tiếp nhận thần kỳ nào hết. Công thức có vẻ đơn giản chỉ là: “Lắng nghe”, “Đừng nói”, và “Biết kiên nhẫn”. Và giờ thì có vẻ rằng đây không chỉ còn là bí mật của đứa trẻ nữa. Giờ nó là bí mật của tất cả mọi người. Và trong khi đứa trẻ có thể làm nó chuyên cần hơn, người lớn có thể làm nó nhanh hơn. Với một ngoại ngữ “khó” (ví dụ như tiếng Thái đối với những người nói tiếng Anh) , có vẻ người lớn có thể học nhanh gấp đôi các em bé. Tức là, họ có thể nói tốt ngang một đứa bé 2 năm tuổi chỉ bằng một năm học.

HAI –  ALG (Phát triển ngôn ngữ tự động) HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Hầu như mọi giáo viên ngoại ngữ trên khắp thế giới đều không ngừng nói với các học sinh của mình rằng họ cần phải nói càng nhiều càng tốt, và cần phải suy nghĩ kỹ trước khi nói để câu nói ra luôn đúng mọi loại chuẩn ngữ âm ngữ pháp. Và giờ tôi nói rằng chính kiểu nói và nghĩ này là thứ đã khiến cho người lớn không thể học được ngoại ngữ hiệu quả. Nhưng xin bạn hãy đặc biệt chú tâm kể từ điểm này trở đi. Và tiếp tục quay trở lại đây mỗi lần bạn thấy muốn đối lập với luận điểm của ALG.
Mặc dù luận điểm của chúng ta có thể trông khác nhau, nhưng thực chất hoàn toàn không có sự mâu thuẫn nào hết. Chúng ta chỉ đang làm những việc khác nhau mà thôi. Với ALG, chúng tôi chú tâm hơn vào việc tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên, trong khi phần lớn thế giới thấy ổn với một cách dùng ngoại ngữ “nhân tạo” của người lớn. Họ dạy các học sinh của mình cách “nhân tạo” ra các câu nói. Chúng tôi dạy các học sinh cách “ứng biến” ra các câu nói.
Và chắc chắn không có cái nào là tốt hơn cái nào cả. Chỉ có điều là hầu hết mọi người trên thế giới đều tin rằng với người lớn, tiếp thu ngoại ngữ một cách tự nhiên là chuyện bất khả thi, hoặc ít nhất thì cũng phải mất quá nhiều thời gian để có thể coi là thực hiện được. Mục đích của bài viết này là để chỉ ra rằng nó hoàn toàn khả thi, và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Điều này rồi sẽ trở nên rõ hơn ở phần Bốn. Nhưng trước hết chúng tôi muốn cố làm cho luận điểm thoạt tiên nghe rất phản logic của chúng tôi này trở nên hợp logic hơn một chút, nếu không, e rằng chúng ta sẽ chẳng còn lại người đọc nào để tới được phần Bốn. Vậy nên chúng tôi sẽ đưa ra một luận điểm rất thông thường ở đây để thấy rằng, chúng tôi cũng chỉ đơn giản đi theo hoạt động tự nhiên của bộ não mà thôi. Giờ, chúng tôi không khẳng định rằng mình có bất cứ thông tin bí mật gì về cách bộ não hoạt động, nhưng từ kinh nghiệm chúng tôi có thể rút ra được một vài phỏng đoán mới. Vì đã khẳng định rằng chúng chỉ là phỏng đoán ở đây rồi, chúng tôi xin không nhắc lại rằng chúng chỉ là những phỏng đoán từ giờ trở đi. Như vậy sẽ giúp việc theo dõi được dễ dàng hơn. Nhưng bất cứ khi nào người đọc cho rằng cần thiết, bạn có thể thêm những câu này vào trước mỗi câu của phần Hai: “Chúng tôi cho rằng...”, hoặc “Có vẻ là...”, v...v...
Ký ức là cách tự nhiên của bộ não để lưu giữ mọi thứ. Hàng trăm nghìn cảnh vật có thể được bắt lấy trong chỉ một khoảnh khắc và lưu giữ đến suốt đời. Chúng ta lưu giữ quá nhiều dữ liệu mỗi ngày đến mức não bộ phải phân loại chúng ra và hệ thống lại để việc lưu trữ được hiệu quả. Và đó chính là các kiến thức tự nhiên: những ký ức đã được hệ thống hóa bởi bộ não. Từ ngữ “chó” chẳng hạn (một ví dụ về kiến thức, chứ không phải một ký ức) đã được chắt lọc ra từ hàng ngàn ký ức, hình ảnh về biết bao con chó khác nhau (mà phần lớn đã được xóa bỏ để có chỗ cho lưu giữ những thứ mới).
Vậy hệ thống hóa ký ức một cách tự nhiên là một con đường để sản sinh ra kiến thức. Nhưng cũng còn một con đường khác. Nó sử dụng khả năng ghi nhớ (memory) , thay vì những ký ức (memories). Khả năng ghi nhớ là cách bộ não lưu trữ các thông tin và số liệu (trong tương phản với các sự kiện). Đây không phải là cách tự nhiên. Cần phải có mẹo và cả nỗ lực rất nhiều để có thể ghi nhớ một thứ chỉ đơn giản như một dãy số điện thoại. Kiến thức tự nhiên là cách của đứa trẻ; nó luôn lập tức có sẵn mà không cần phải nghĩ, và nó có thể còn mãi tới suốt đời. Kiến thức nhân tạo là lựa chọn yêu thích của người lớn; muốn dùng được nó ta buộc phải nghĩ, và nó rất dễ bị quên.
Dễ bị quên là một đặc điểm đặc trưng của kiến thức nhân tạo, và nó hầu như không đóng một vai trò gì trong việc tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên. Nhưng các học sinh của chúng tôi không biết được điều này, và khi họ quay trở lại học sau khi đã đi đâu đó xa một thời gian, họ cứ nghĩ rằng mình hẳn đã quên một lượng ngôn ngữ đáng kể. Nhưng chúng tôi đã bị bất ngờ. Họ thường báo cáo lại rằng trên thực tế, họ thậm chí còn tiến bộ hơn cả so với thời điểm họ ngừng học. (Bản thân tôi cũng đã trải nghiệm điều tương tự khi quay lại tiếp nhận tiếng Trung Quốc một cách tự nhiên sau một kỳ nghỉ kéo dài tới 5 tháng).
Ta phải giải thích việc này như thế nào? Có vẻ rằng chúng ta không hề học ngoại ngữ trong lớp học chút nào cả. Chúng ta chỉ lưu lại các ký ức về những sự kiện ở đó, và rồi vô thức chiết lọc ra ngôn ngữ từ những ký ức đó sau này. Nhưng các ký ức thì bao gồm các sự kiện, không phải các từ ngữ. Hẳn nhiên là chúng ta có thể tạo ra kiến thức từ những sự kiện – nhưng còn một ngôn ngữ thì sao? Âm thanh của một từ ngữ mới từ đâu mà xuất hiện được trong đầu chúng ta? Vậy, có vẻ rằng chúng ta có một dạng kiến thức thứ ba nữa. Loại kiến thức này phát triển nhờ vào những dấu hiệu được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các ký ức. Mọi dấu hiệu tạo nên các từ ngữ đều gắn liền với một sự kiện cụ thể. Chúng ta chỉ nhớ các sự kiện chứ không nhớ các dấu hiệu này, nhưng bộ não thì lưu giữ cả hai, sự kiện lẫn dấu hiệu. (Các nhà tâm lý học đã phát hiện được những dấu hiệu này, và đề cập đến việc lưu giữ chúng với thuật ngữ “priming”). Giờ thì, từ ngữ bao gồm cả ý nghĩa và cách phát âm. Và trong tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên, ý nghĩa được chắt lọc ra tức các ký ức, trong khi cách phát âm của từ thì được tích tụ dần từ những dấu hiệu âm thanh lặp đi lặp lại trong các ký ức này.
Não bộ không thể dùng những dấu hiệu âm thanh này để nói, nhưng nó có thể dùng chúng để xây dựng nên ngôn ngữ cho chúng ta. Chính việc nhận ra sự thật này tạo nên sự khác biệt cơ bản giữa  ALG và các phương pháp tiếp cận ngôn ngữ tự nhiên khác.
Giờ thì bộ não tiếp tục xây dựng ngôn ngữ qua ký ức về các sự kiện và dấu hiệu của các âm thanh kể cả trong khi các học sinh đi xa. Giờ học trên lớp có thể được ví như khi ăn một bữa ăn. Việc tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng và lớn lên đều diễn ra sau đó cả.
Bên trên chúng tôi đã nhắc đến việc “xây dựng ngôn ngữ ở nhầm chỗ trong bộ não – chỗ vẫn được dùng để suy nghĩ”. Và kể từ đó chúng tôi đã luôn đối chiếu hai cách hoạt động khác nhau của bộ não. Hãy thử so sánh chúng theo danh sách dưới đây.

Kênh “Cố gắng”
                                     
có ý thức                                                
dùng khả năng ghi nhớ                             
thông tin và số liệu                                  
“cần có mẹo và cả nỗ lực rất nhiều”        
dạy và học
kiến thức nhân tạo
dùng ngoại ngữ một cách “nhân tạo”
phải nghĩ
“nhân tạo” ra các câu nói     
rất dễ quên
điều khiển bằng cơ bắp
cách học của người lớn

Kênh “Cho phép”

vô thức
ký ức và những dấu hiệu lặp lại
sự kiện
“bắt lấy trong chỉ một khoảnh khắc”
tự động tiếp thu
kiến thức tự nhiên
tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên
không cần phải nghĩ
“ứng biến” ra các câu nói
lưu giữ suốt đời
điều khiển bằng ký ức
cách học của trẻ em


Nhưng một lý thuyết chỉ toàn những từ ngữ trống rỗng như thế này sẽ không thực sự đem lại hiệu quả gì mấy. Chúng tôi cần bằng chứng xác đáng cho lý thuyết của mình – những thứ chúng tôi có thể chỉ đến cụ thể tại đâu, vào lúc nào. Và chúng tôi muốn chúng là những thứ liên quan cụ thể đến quá trình hiểu, học, và nói. Nói một cách khác, chúng tôi muốn một lý thuyết xây dựng trên hệ thần kinh, trên các phần của bộ não, hoặc tương tự như thế.

Tất nhiên chúng tôi không đủ hiểu biết về bộ não con người để có thể thực sự làm được điều này, nhưng ít nhất chúng tôi có thể cố để đặt những từ ngữ trống rỗng này vào một phần nào đó trong bộ não. Tranh ảnh về những phần khác nhau của bộ não trong các sách giáo khoa về giải phẫu thần kinh chẳng hạn, tiết lộ các loại nơ-ron thần kinh khác nhau, sắp xếp theo những cách khác nhau và đảm nhận những hoạt động xử lý khác nhau. Chúng tôi có thể hình dung hai danh sách trên của chúng tôi giống như hai căn phòng khác nhau trong bộ não: một gắn biển “cố gắng”, còn cái kia gắn biển “cho phép”. Điều quan trọng không phải là hai khu vực này nằm ở những chỗ khác nhau (trên thực tế, rất có thể rằng chúng chồng lấp và giao nhau tại nhiều điểm); mà là ở việc chúng làm những công việc khác nhau; tức chúng xử lý thông tin từ các thụ thể theo những cách khác hẳn nhau. Giờ chúng tôi muốn gợi ý rằng đứa trẻ được sinh ra đã có sẵn căn phòng “cho phép”, trong khi căn phòng “cố gắng” sẽ dần phát triển tới giai đoạn có thể hoạt động được khi đạt độ tuổi từ 10-12. Người lớn, khi đó, sẽ có cả hai căn phòng, và họ có thể chuyển đổi qua lại giữa hai căn phòng này tùy vào yêu cầu của công việc. Nhưng giáo dục hiện đại luôn tìm cách tăng cường hoạt động của căn phòng “cố gắng”, kể cả những khi căn phòng “cho phép” sẽ thích hợp hơn. Và các học sinh ngoại ngữ người lớn luôn bị mắc kẹt trong thế phân vân: bản năng tự nhiên cố khuyên họ hãy dùng kênh “cho phép”; trong khi sức mạnh của hàng nhiều năm học tập luôn cố hướng họ sử dụng kênh “cố gắng”.

Sự khác biệt này từ lâu đã được phát hiện bởi nhiều người. W. Timothy Gallwey gọi nó là “Bản thể 1” và “Bản thể 2”. Krashen thì gọi nó là “ý thức” và “vô thức”. Chúng tôi cũng chỉ đang cố làm rõ hơn chính sự phân biệt này, bằng cách diễn tả nó qua hình ảnh hai bộ phận xử lý thông tin khác hẳn nhau trong não bộ.

Chúng tôi đang giả thiết 2 luận điểm, vẫn chưa được chứng minh, và do đó, vẫn còn để ngỏ cho các cuộc tranh luận.
1. Một giả định trên lý thuyết: Bộ não quả thực có hai khả năng khác nhau, như đã nói đến ở trên.
2. Một phát hiện quan sát từ thực tế: Tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên ở người lớn là hoàn toàn khả thi, và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Nếu chúng ta thực sự muốn biết hoạt động tiếp nhận ngôn ngữ diễn ra như thế nào, chúng ta cần phải hiểu cách các thụ thể của chúng ta tiếp nhận dữ kiện từ bên ngoài và xử lý chúng thành ngôn ngữ ra sao. Sau khi quan sát điều này ở các học sinh của mình trong nhiều năm trời, cũng như đúc rút ra từ kinh nghiệm của chính bản thân, chúng tôi đã đi đến được một lý thuyết bước đầu về não bộ có thể giải thích được điều này. Nhưng đây chưa phải lúc cho một lý thuyết như vậy, và chúng tôi sẽ xin được đề cập đến chúng trong các ấn bản sau. Cho mục đích hiện thời của chúng tôi, tất cả những gì chúng tôi muốn là đem đến một cảm giác rằng: khi để mặc một mình, ngôn ngữ chắc chắn sẽ tự hình thành – và sẽ hình thành một cách hoàn hảo. Và chúng tôi có thể làm điều này tốt hơn rất nhiều với chỉ một so sánh đơn giản dưới đây, hơn là với một lý thuyết khó hiểu và chưa hoàn thiện. So sánh đó như sau:

Nếu chúng ta để mặc cho mưa rơi trên một khu vực nhất định, một và chỉ một hệ thống sông ngòi có thể được hình thành. Không cần đến một người kỹ sư nào hết. Và cũng không có người kỹ sư nào có thể tái tạo lại được hệ thống đó, kể cả nếu anh ta có cố để thử.

Cứ miễn là chúng ta không can thiệp (nói một cách khác, chừng nào chúng ta còn “cho phép” nó xảy ra), việc hình thành hệ thống sông ngòi này sẽ chỉ phụ thuộc vào ba yếu tố duy nhất: thời tiết (gió và mưa), khu vực (kết cấu và địa hình), và cuối cùng là trọng lực. Một hệ thống sông ngòi phức tạp sẽ được hình thành; và trên một địa hình nhất định, với một loại thời tiết nhất định, chắc chắn nó sẽ hình thành theo một và chỉ một kiểu nhất định (sai khác nếu có cũng chỉ là rất nhỏ, không đáng kể). Và nếu một người kỹ sư “cố gắng” tác động tới cấu tạo của hệ thống này, anh ta sẽ chỉ phá hỏng nó theo những cách không thể nào sửa chữa lại được mà thôi.

Cũng như vậy, chừng nào chúng ta không can thiệp, việc hình thành ngôn ngữ ở một cá nhân chỉ phụ thuộc duy nhất vào 3 yếu tố: lượng thành tố ngôn ngữ người đó tiếp nhận (giống như thời tiết), bản chất của phần não chịu trách nhiệm xử lý ngôn ngữ (như kết cấu và địa hình của khu vực), và khả năng truyền dẫn của hệ thần kinh (như trọng lực). Ngôn ngữ mẹ đẻ của mỗi người không phải hình thành theo một hệ cấu trúc thần kinh mà ta vẫn gọi là ngôn ngữ theo một kế hoạch định sẵn bởi con người. Nó là kết quả tất yếu của một hệ thần kinh nhất định bị thúc đẩy bởi một dạng dữ liệu đầu vào nhất định.Và nếu chúng ta cố gắng, bằng bất cứ cách nào, để tác động tới khối cấu trúc này, chúng ta sẽ chỉ phá hỏng nó theo những cách không thể nào sửa chữa lại được mà thôi. Cách can thiệp điển hình nhất của người lớn đấy là cố gắng nói từ một dấu hiệu nào đấy (trước khi âm thanh hoàn chỉnh của từ ngữ đó được hình thành hoàn thiện trong não bộ). Nhưng bởi vì não bộ ngay từ đầu đã không thể dùng những dấu hiệu âm thanh này để nói được, cách duy nhất để họ có thể nói được là bằng cách xây dựng từ ngữ đó từ chính các âm thanh (có thể là âm thanh từ một từ ngữ khác phát âm gần giống vậy trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, hoặc âm thanh gượng ép học được qua bảng phiên âm quốc tế).  Và một khi họ đã làm điều này, sẽ không còn đường quay lại nữa. Những tác động hậu quả sẽ tiếp tục xuất hiện trên nền những gì họ đã làm với khu vực địa hình kia. Hãy thử hình dung nó như một hệ thống kênh đào nhân tạo của con người. Một khi nước đã bắt đầu chảy, người kỹ sư sẽ không thể nào biến toàn bộ hệ thống trở về giống hệt như nó vốn có được nữa, bất kể anh ta có cố gắng đến thế nào. Và trong trường hợp của ngôn ngữ, “như nó vốn có” chính là cách người bản xứ nói ngôn ngữ của họ.

BA – ĐƯA ALG VÀO LỚP HỌC
Hãy nhìn những đứa trẻ khi chúng theo gia đình chuyển tới một đất nước mới, và bạn sẽ thấy chúng “lắng nghe, cười, và nhìn chăm chăm”. Và rồi nhìn vào những người lớn khi họ được gả vào trong những ngôi làng sâu trong rừng, nơi cư dân nói một ngôn ngữ khác hẳn; ta thấy họ chỉ “lẵng đẵng bám theo” (đàn ông thì theo cánh thợ săn, phụ nữ làm việc cùng mọi người khác trong vườn và trong bếp), cũng như “ngồi quây quần bên bếp lửa” (để nghe kể chuyện mỗi đêm). Cả hai đối tượng trên đều đã dùng bí quyết của đứa trẻ: tai mở rộng, miệng đóng chặt, và không hề có “deadline” (hạn cuối để làm một cái gì đấy). Và cả hai đều trở thành gần-như-người-bản-xứ chỉ trong vòng hai năm. Và giờ hãy nhìn vào những lớp học ngoại ngữ ở khắp nơi trên thế giới, và ta thấy điều hoàn toàn ngược lại : tai gần như đóng chặt (các học sinh dùng mắt để học, thay vì tai); miệng mở rộng, và vô cùng nhiều các thể loại deadline.  Rất ít trong số các học sinh học kiểu này có thể trở thành gần-như-người-bản-xứ. Nhưng giờ khi chúng ta đã biết rằng bộ não của người lớn cũng có thể dùng bí quyết của đứa trẻ, chúng ta đã sẵn sàng cho câu hỏi tiếp theo: liệu chúng ta có thể áp dụng bí quyết này để đáp ứng nhu cầu của các học sinh hiện đại không? Và chúng tôi thấy rằng có hai khả năng ở đây. Hoặc là ta “đóng hộp” phương pháp này để đem vào trong lớp học (được gợi ý từ hoạt động “ngồi quây quần bên bếp lửa”); hoặc chúng ta đem các học sinh ra khỏi lớp học, để cho họ “lẵng đẵng bám theo”.

Vậy làm thế nào để ta có thể “đóng hộp” nó? Bí mật có vẻ nằm ở kênh thông tin và dữ liệu đầu vào được tiếp nhận. Cả trong trường mẫu giáo và các ngôi làng của người châu Phi, kênh “cho phép” luôn được mở, và các sự kiện được nhập vào đều trở thành các ký ức (để sau đó não bộ có thể tạo ra ngôn ngữ từ những ký ức này). Đồng thời, cũng có thoải mái thời gian cho việc học, hoàn toàn không có một deadline nào. Nhưng khi bạn đặt người lớn vào trong những phòng học và giao cho họ một hạn cuối để hoàn tất chương trình, thì khi đó kênh “cố gắng” sẽ tự động được bật lên. Các từ ngữ được nhập vào (thay vì sự kiện), rồi trở thành các dữ kiện thông tin (thay vì các ký ức). Và tất cả những hoạt động này đều diễn ra trong phần não bộ suy nghĩ có ý thức (thay vì phần não bộ ngôn ngữ vô thức). Vậy nên điều kiện tiên quyết quan trọng nhất là phải giữ cho kênh “cố gắng” luôn đóng. Có hai thứ phải cần đến. Một, đó là các sự kiện phải thật thú vị (vui, kịch tích, hồi hộp, v...v...), đến mức người học quên đi rằng một ngôn ngữ mới đang được sử dụng.Và thứ hai, mức độ hiểu biết của học sinh phải đủ cao để giữ họ tập trung – tức là phải từ 60-80%, ngay từ ngày học đầu tiên! Phải cần rất nhiều công sức để đào tạo ra được những người hướng dẫn có thể duy trì bài học mà cả sự hấp dẫn lẫn khả năng hiểu ngay từ trình độ ban đầu đều ở mức độ cao. Nhưng một khi đã đạt được đến đó, giờ học sẽ là niềm vui của cả học sinh lẫn người hướng dẫn kia.

BỐN – ĐO ĐẠC ALG
Kết quả học thường phụ thuộc vào những mức độ thông minh khác nhau, động lực, và nỗ lực khác nhau của từng học sinh, và cách thông thường để đo đạc kết quả này là bằng các bài kiểm tra. Nhưng tiếp nhận ngôn ngữ một cách tự nhiên chỉ phụ thuộc duy nhất vào mức độ tiếp xúc, vậy nên mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều (và cũng chính xác hơn rất nhiều) khi ta chỉ cần đo mức độ tiếp xúc (mà thực ra là mức độ hiểu) của học sinh. Với các em bé, ta đo đạc tiến độ học bằng tuổi của các em. Nếu một ai đó nói cậu nhóc của cô ấy được 21 tháng tuổi, điều đó cho ta thấy được khả năng ngôn ngữ của em bé này hơn bất cứ bài kiểm tra nào có thể. Với trẻ em lớn hơn và người lớn, mức độ ngôn ngữ đầu vào thiếu liên tục hơn nhiều so với các em bé, và do vậy chúng ta cần tìm lấy một cách khác để đong đếm, hoặc ước lượng, số giờ nói chuyện mà họ thực sự hiểu. (Đây sẽ là chủ đề được bàn đến trong phần tiếp theo của bài viết này).

Như một kết quả của hàng nhiều năm nghiên cứu cùng hơn 40 năm quan sát tiến độ và khả năng của – nói không ngoa – hàng ngàn học sinh học ngoại ngữ như một ngôn ngữ thứ hai, đến từ hơn 50 quốc gia và nền văn hóa khác nhau, chúng tôi đã tìm ra được rằng công thức sau cho kết quả đặc biệt chuẩn xác. (Xin vui lòng để tâm trong khi bạn đọc qua phần này và các phần sau đó rằng, bạn có thể sẽ muốn bất đồng với các kết luận của chúng tôi, dựa trên kinh nghiệm của chính bạn hoặc của ai đó mà bạn biết. Nhưng, nếu bạn chịu  khó để dành những ngoại lệ của các bạn tới phần sau và vui lòng tiếp tục theo dõi lập luận của chúng tôi, rất có thể các bạn sẽ thấy rằng chúng tôi cũng đã bao gồm cả các nhân tố đó trong quá trình phát triển các ý tưởng này của mình).

 CÔNG THỨC ĐO MỨC ĐỘ TIẾP NHẬN NGÔN NGỮ CƠ BẢN:    y = 1-e-kx
trong đó         y    là lượng ngôn ngữ mà một người biết (1 = ngang với trình độ bản xứ).
                       x    là số giờ nói chuyện họ đã nghe hiểu
                       k    là hằng số tiếp nhận:      0.0018
                       e     là cơ số thuật toán tự nhiên:  2.718

Nếu một học sinh tích lũy được 1000 giờ nghe hiểu tiếng Thái chẳng hạn, vậy thì mức độ tiếp nhận tiếng Thái của anh ta sẽ là 83%.
Hoặc nếu ta muốn biết phải cần bao lâu để một học sinh đạt đến mức độ 90% (đây là mức độ nói lưu loát mà học sinh truyền thống ít khi đạt tới), công thức này cho ta biết người đó cần 1300 giờ nghe hiểu.
Chúng ta thường nghĩ rằng hoàn toàn đắm chìm bản thân trong môi trường bản xứ cũng đồng nghĩa với mức độ tiếp nhận cao nhất, nhưng hãy thử nhìn vào một ví dụ tiêu biểu dưới đây. Cứ coi rằng bạn được tiếp xúc với môi trường giao tiếp bản xứ 8 tiếng mỗi ngày (bao gồm thời gian dùng bữa, nói chuyện phiếm, chơi trò chơi, v...v...). Nhưng dù vậy, gọi là 8 tiếng nhưng cũng không ai nói liên tục không ngừng nghỉ, nên có thể chúng ta sẽ chỉ còn khoảng 4 tiếng thực sự gồm toàn nói chuyện. Và một nửa trong số đó là phần nói của chính bạn, nên ta sẽ chỉ còn khoảng 2 tiếng nghe hiểu mà thôi. Và nếu mức độ nghe hiểu của bạn chỉ là 50%, nó sẽ xuống chỉ còn khoảng 1 giờ thực sự nghe hiểu mỗi ngày. Tức là bạn sẽ phải mất trên dưới 4 năm mới tích lũy đủ 1400 giờ nghe hiểu cần thiết để có thể được coi là “lưu loát” (‘fluent’). (Chúng tôi dùng khái niệm “fluent” theo nghĩa “nói chuẩn, không ngập ngừng, gián đoạn, về mọi vấn đề thường ngày; tức y xấp xỉ bằng 88%).
Hơn nữa, những người nước ngoài này lại thường sống cùng gia đình của họ, và sự tiếp xúc với môi trường bản xứ của họ chủ yếu chỉ bao gồm các vấn đề đơn giản thường nhật. Nghe thì có vẻ là rất nhiều tiếp xúc, nhưng khi bạn thêm bớt một vài giây chỗ này chỗ kia, rồi nhân nó lên với mức phần trăm hiểu biết của bạn, nó hiếm khi vượt quá được 10 phút mỗi ngày. Ở mức độ đó, sẽ phải mất 23 năm mới có thể trở nên “fluent”.
Số giờ nghe hiểu này không phải bao giờ cũng rõ ràng theo từng đơn vị tháng hay ngày: cuộc sống bình thường bao gồm nhiều cuộc nói chuyện rất không liên tục, và mức độ hiểu của người nghe cũng không ổn định. Nhưng các lớp học của ALG luôn bao gồm những cuộc nói chuyện không ngừng nghỉ, và có thể đem lại mức độ nghe hiểu cao hơn ở ngoài đời rất nhiều.
Công thức đầu tiên của chúng tôi giả sử rằng người học sinh đều làm mọi thứ đúng cách. Công thức này luôn dùng được với trẻ em, nhưng chỉ hiếm khi với người lớn. Vì mặc dù người lớn có thể làm đúng, họ lại thường không làm thế. Vậy việc đo đạc mức độ chính xác trong học tập của người lớn (chúng tôi sẽ gọi nó là C, cho “ceiling”) cũng trở thành một nhân tố quan trọng cho công thức của chúng tôi. Sẽ thuận tiện hơn nếu C là một mức độ phần trăm, vậy nên y cũng sẽ là một mức độ phần trăm; và do đó 100, thay vì 1, sẽ là đơn vị chuẩn tương ứng với trình độ ngôn ngữ của một người bản xứ.

Giờ để tìm hiểu xem học sinh nói lưu loát đến đâu (y), chúng ta cần phải biết người học sinh đó đã trải nghiệm bao nhiêu giờ nghe (h), đã hiểu được đến mức độ nào (u), và anh ta đã trải qua quá trình này như thế nào (C).

h    chỉ đơn giản là số giờ có mặt trên lớp của học sinh (mức độ chuyên cần)
u    có thể được ước đoán bằng mức độ “phản hồi” của học sinh trong mỗi giờ (chúng ta thường vẫn luôn để ý và ước đoán mức độ hiểu của người nghe trong những cuộc nói chuyện hàng ngày, mặc dù phần lớn chúng ta làm việc đó một cách vô thức).
C   có thể được ước đoán từ việc học sinh có thử lặp lại những điều anh ta đã nghe hay không, những loại câu hỏi mà anh ta hay hỏi, v...v...
Thường thì, các giáo viên sẽ nhập điểm cho học sinh của mình dựa vào nhận định của chính họ. Một khi điểm đã được nhập vào máy tính, chúng ta sẽ có thể giám sát tiến độ của học sinh. Mức điểm “hiểu” (u) của một học sinh trung bình thường vào khoảng trên dưới 80%. “C” thì biến động nhiều hơn, nhưng với một học sinh người lớn tiêu biểu, bắt đầu học tiếng với ALG ngay từ đầu, mức độ C thường xấp xỉ vào khoảng 95%.
13 học sinh đầu tiên cho thấy dấu hiệu nghe nói một cách tự nhiên trong các lớp học ALG của chúng tôi đến từ Trung Quốc và quốc gia vùng Đông Nam Á – mặc dù phần lớn học sinh của chúng tôi là người phương Tây. Chỉ khi chúng tôi kéo dài khóa học của mình ra hơn 1000 giờ nghe hiểu thì các học sinh khác mới bắt đầu đạt đến trình độ này. Chúng tôi sớm nhận thấy rằng bất kể mức độ nào mà các học sinh người phương Tây và Nhật Bản phải cần đến 1000 giờ thì các học sinh người Trung Quốc chỉ mất khoảng 800 giờ, và các học sinh Đông Nam Á thì chỉ khoảng 600 giờ mà thôi. Điều này gợi ý rằng cần có thêm một đại lượng “độ dễ của ngôn ngữ” (L) cho công thức của chúng tôi. Với các học sinh Trung Quốc khi học tiếng Thái, L = 0.8 ; và với phần lớn các học sinh người Đông Nam Á, L = 0.6.
y = C(1-e-kx/L)

“Độ dễ của ngôn ngữ” đã dần được gọi là Yếu Tố Ngôn Ngữ Bản Địa, nhưng càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng chính văn hóa, chứ không phải ngôn ngữ, có tác động nhiều hơn tới nhân tố này.

Cho tới giờ, chúng tôi vẫn có rất ít kinh nghiệm về Yếu Tố Ngôn Ngữ Bản Địa của tiếng Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha; nhưng nếu người Malaysia học tiếng Thái (Malaysia-Thái) có mức độ này là 0.6 (hai ngôn ngữ không liên quan tới nhau, và chỉ tương đồng về văn hóa và quy tắc ngữ pháp), chúng tôi có thể dự đoán rằng với các ngôn ngữ Châu Âu này, mức độ Yếu Tố Ngôn Ngữ Bản Địa sẽ vào khoảng 0.4. Điều này, cũng như các dự đoán khác của chúng tôi, được liệt kê trong bảng dưới đây. Các độc giả với các thông tin chi tiết hơn có thể củng cố thêm các dự đoán này. Số giờ và tuần cần thiết ghi ở dưới là lượng thời gian để đạt đến mức độ lưu loát khoảng 88%. Cho các tính toán ở dưới, mức độ hiểu (u) được đặt là 0.8, và mức độ C được đặt khoảng 0.95.

“Độ dễ của ngôn ngữ” (L)
Ví dụ
Số giờ
1.0
1.0
0.8
0.6
0.4
0.4
0.4
0.2
0.1
0.1
0.06
Anh-Thái
Nhật-Thái
Trung-Thái
Malaysia-Thái
Anh-Pháp
Anh-Đức
Anh-Tây Ban Nha
Bồ Đào Nha-Tây Ban Nha
Thái-Lào
Na Uy-Thụy Điển
Thụy Điển-Đan Mạch
1800
1800
1450
1100
720
720
720
370
180
180
110

Vẫn còn một nhân tố nữa phải được xem xét đến. Chất lượng của một chương trình học cũng ảnh hưởng nhiều đến tiến độ của chương trình này. Trong cuộc sống, đứa bé sơ sinh luôn tự động trải nghiệm tất cả mọi thứ xảy ra với nó – và những trải nghiệm đó đều là 100% chân thực. Một khi bạn đã đặt người lớn vào trong phòng học (hoặc bất cứ bối cảnh nào khác), chất lượng của các trải nghiệm đó bị ảnh hưởng bởi những gì người lớn làm. Người lớn không tương tác với các người lớn khác như cách họ làm với trẻ con. Chúng tôi gọi đây là nhân tố thực tế (r). Các trải nghiệm trong và ngoài phòng học càng gần với bối cảnh thực tế mà trẻ em vẫn hay dùng (theo nghĩa giống về chất lượng, chứ không phải giống về nội dung), thì nhân tố thực tế này càng cao. Chương trình dạy tiếng Thái của chúng tôi tại Bangkok có nhân tố thực tế là 0.83, trong khi chương trình dạy tiếng Anh cho người Thái tại thời điểm viết bài này có mức nhân tố thực tế là 0.7, và vẫn đang tiếp tục tăng dần. (Nếu nhìn cụ thể, nhân tố thực tế sẽ bao gồm chất lượng của giảng viên, chất lượng của các ký ức, và độ mạnh của các trải nghiệm).
Mọi người thường hỏi đâu là cách nhanh nhất để học một ngôn ngữ. Tối đa hóa C, tất nhiên, đó cũng chính là mục đích chủ yếu của bài viết này. Không cần phải nói cũng thấy rằng nếu học sinh muốn học một khóa học nhanh hết mức có thể, anh ấy/cô ấy phải làm mọi thứ đúng 100%. Có nhiều yếu tố tác động đến chúng. Lượng thời gian học sinh có thể dành ra để tiếp nhận các trải nghiệm là một trong số đó. Ở mức một giờ một tuần, tiến độ tăng rất chậm. Thế nếu thật nhiều hơn nữa thì sao? Rất nhiều trong số các học sinh trong chương trình tiếng Thái của chúng tôi học nhiều đến mức 30 tiếng một tuần, và đó chủ yếu là ở trong bối cảnh lớp học. Bằng cách ra khỏi phòng học và sắp xếp các hoạt động trong cả môi trường ký túc, chúng tôi đã có thể nâng mức này lên đến hơn 50 giờ một tuần. Chúng tôi gọi nó là “Max Program” - Chương trình Tối Ưu; và gần đây hơn, có thêm ALG World Edu-Tours - Du lịch thế giới + Học cùng ALG. Lịch trình hàng tuần bao gồm giờ học trên lớp, dùng bữa, tập thể dục buổi sáng, chơi trò chơi buổi tối, giải trí đêm và ngắm cảnh. Tất cả những hoạt động này đều sử dụng ngôn ngữ mới cần học, và tất cả chúng được kiểm soát để đem lại mức độ nghe hiểu tối đa cho học sinh. Một lợi thế lớn của các khóa học Edu-Tours đấy là chúng không chỉ tối đa hóa lượng thời gian, mà còn cả nhân tố thực tế (r) nữa. Nếu một trường học có khả năng cung cấp nhân tố thực tế ở khoảng 0.8, thì Edu-Tours sẽ có thể cung cấp các trải nghiệm ở mức 1.

NĂM – ĐƯA ALG VÀO TRƯỜNG HỌC
Chúng tôi tin rằng gần như tất cả mọi trường học, khoa đào tạo, khóa học, hay các lớp luyện ngoại ngữ trên khắp thế giới đều có thể làm tốt hơn với ALG. Nhưng chúng tôi không đề xuất rằng bất cứ nơi nào trong số đó nên lập tức thay đổi toàn bộ chương trình. Chúng tôi chắc chắn là việc đó không thể thực hiện ngay lập tức được. Không hề dễ để có thể khởi động một khóa học ALG, và bất cứ cố gắng vội vàng nào cũng gần như chắc chắn sẽ thất bại.
Hầu hết các trường đại học dạy ngoại ngữ với mức độ 1 giờ một ngày, kèm bài tập về nhà, và họ giao bài kiểm tra, chấm điểm, và tính tín chỉ cho các học viên. Chúng ta có thể đưa ALG vào hệ thống này bằng cách cho các học sinh học hai tiếng mỗi ngày, không có bài tập về nhà, với cùng một lượng tín chỉ tương tự. Điểm số sẽ được tính theo công thức trên. Với một ngôn ngữ “dễ” (như tiếng Pháp, tiếng Đức hoặc tiếng Tây Ban Nha), để đạt được mức độ lưu loát “fluency” sẽ cần đến 5 học kỳ (khoảng 600 giờ với mức độ nghe hiểu 80%), và tính bằng 25 tín chỉ. Nhưng với một ngôn ngữ “khó” (chẳng hạn như tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật Bản, hoặc tiếng Thái), mức độ “fluency” sẽ cần đến 12 học kỳ với 60 tín chỉ. Điều này nghe có vẻ không thực tế chút nào.
Nhưng rất nhiều trường đại học đã có sẵn những khóa học cấp tốc ngoại ngữ trong hè, và điều này có thể đem đến lời giải cho chúng ta. Trong một học kỳ hè kéo dài 12 tuần, ALG có thể được dạy với cường độ 7 tiếng một ngày. Và tốt hơn cả thế, một khóa đào tạo như Max Course có thể được sử dụng. Với một khóa đào tạo Max Course, tiếng Pháp có thể được dạy tới mức “fluency” chỉ trong một mùa hè. Có lẽ phương pháp khả thi nhất để dạy tiếng Nhật tới “fluency” sẽ cần đến hai học kỳ hè với khóa Max Course, cộng thêm hai giờ học mỗi ngày trong năm học ở giữa 2 mùa hè. Mỗi học kỳ hè sẽ cho 600 giờ nghe hiểu, và mỗi học kỳ với 2 giờ học hàng ngày sẽ cho khoảng 120 giờ nghe hiểu; tổng cộng lại ta sẽ có 1440 giờ nghe hiểu, bằng khoảng 60 tín chỉ.
(Ở thời điểm viết lại bản chỉnh sửa cho bài viết này, trung tâm ALG World đang phát triển khả năng để có thể cộng tác với bất kỳ ai có hứng thú với phương pháp mới này. Điều này sẽ cho phép các loại chương trình học khác nhau có thể tận dụng và xây dựng mới dựa trên nền tảng đã có sẵn. Bất cứ đối tác nào có hứng thú có thể liên hệ qua hòm thư điện tử tại admin@algworld.com để biết thêm thông tin về tài liệu cũng như cơ hội liên kết).

NOTES
1.                                See The Listening Approach by Brown and Palmer. Longman, 1988.
2.                                See The Natural Approach by Krashen and Terrell. Alemany Press.
3.                                Many people have commented on this.  See, for example, page 27 of Learning a Foreign Language by Eugene A. Nida.  Friendship Press. 1957
4.                    See Behaviour: The Control of Perception, Aldine Publishing Co., 1973, and Living Control Systems, Gravel Switch, Kentucky, 1989.
5.                                See The Inner Game of Tennis, Random House, 1974.

Nguồn bài viết: http://algworld.com/archives.php

Dịch bởi: Nguyễn Tiến Đạt (sutucon)

Dịch xong tại Hà Nội, lúc 10h33, ngày 1/1/2014

2 nhận xét: