Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2013

9 điều trẻ em nên được học

Bài viết bởi: Leo Babauta



Leo Babauta là một blogger và tác giả của nhiều cuốn sách. Anh đã tạo ra Zen Habits, một trong 25 blog nổi tiếng nhất thế giới (theo điều tra của tạp chi TIME), với hơn 260.000 lượt theo dõi ; trang web mnmlist.com, và nhiều cuốn sách nổi tiếng như “Focus”, “The Power of Less”, và “Zen To Done”.

Babauta từng là một nhà báo với 18 năm kinh nghiệm, nay là một người chồng, một người cha của sáu đứa con, và vào năm 2010 anh đã chuyển từ Guam tới San Francisco, nơi anh sống một cuộc sống đơn giản.

– – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Con trẻ ngày nay đang chưa được chuẩn bị tốt cho thế giới của tương lai.
Là một người đã đi từ thế giới của các nghiệp đoàn tới thế giới của các chính phủ, rồi tới thế giới luôn luôn thay đổi của mạng Internet, tôi biết được rằng thế giới của ngày hôm qua đang càng lúc càng trở nên không còn phù hợp nữa nhanh đến thế nào. Tôi đã được đào tạo bởi ngành công nghiệp báo chí, nơi tất cả mọi người đều tin rằng chúng ta sẽ vẫn mãi mãi phù hợp – và giờ thì tôi tin rằng họ rồi cũng sẽ bị xã hội đào thải, như trước đây xe ngựa kéo bị đào thải mà thôi.
Không may cho tôi, tôi đã được giáo dục bởi một hệ thống trường học luôn tin rằng thế giới quanh nó sẽ luôn tồn tại mãi như vậy, với chỉ một vài thay đổi nhỏ chỗ này chỗ kia. Chúng ta đều đã được đào tạo với một hệ kỹ năng dành cho những công việc được coi là “đắt hàng” nhất của những năm 1980, chứ không phải được chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra sau năm 2000.
Và điều đó theo nét nào đấy cũng có lý, bởi suy cho cùng chẳng ai có thể biết chắc được cuộc sống sẽ thay đổi thế nào 20 năm sau. Bạn cứ thử hình dung về những năm 1980 mà xem, khi máy tính cá nhân vẫn còn non trẻ, fax vẫn là công nghệ giao tiếp tối tân nhất, và khi mạng Internet như chúng ta biết hiện nay chỉ có trong giấc mơ của những tác giả khoa học viễn tưởng như William Gibson.
Chúng ta khi đó hoàn toàn không có một tí khái niệm gì về việc một thế giới thế nào đang chờ đợi chúng ta ở phía trước.
Và vấn đề là ở chỗ này đây: đến giờ chúng ta vẫn chẳng biết thêm chút gì hết về nó cả. Và chúng ta sẽ không bao giờ có thể biết được. Chúng ta chưa bao giờ làm tốt trong việc dự đoán tương lai sẽ thế nào, vậy nên nuôi lớn và giáo dục con cái chúng ta như thể chúng ta biết tương lai sắp tới sẽ có những gì chắc chắn không phải là một ý tưởng khôn ngoan.
Vậy làm thế nào để chúng ta có thể chuẩn bị tốt cho con em mình, để chúng sẵn sàng cho một thế giới không thể dự đoán trước, không thể biết trước? Bằng cách dạy cho chúng biết thích nghi, biết cách ứng phó với mọi sự thay đổi, dạy cho chúng biết sẵn sàng cho mọi điều, bằng cách không bắt chúng phải sẵn sàng cho bất cứ một điều gì cụ thể hết.
Việc này yêu cầu một một cách tiếp cận hoàn toàn khác hẳn trong nuôi dạy và giáo dục trẻ em. Nó có nghĩa là chúng ta phải bỏ lại mọi điều mình đã biết ở phía sau, và tự mình sáng tạo lại tất cả mọi thứ.
Người vợ xinh đẹp tuyệt trần của tôi, Eva (vâng, tôi là một người đàn ông vô cùng may mắn), và tôi nằm trong số những người đang bắt đầu làm vậy. Chúng tôi giáo dục tại nhà các con của mình (homeschool) – hay chính xác hơn, chúng tôi giải phóng chúng khỏi trường học (unschool). Chúng tôi dạy các con mình cách để có thể tự học, mà không cần chúng tôi phải trao tận tay chúng kiến thức hay kiểm tra chúng những kiến thức đó.
Đây, quả thực phải thừa nhận, là một chiến trường vô cùng mới, và hầu hết tất cả chúng tôi – những người đang thử nghiệm với giáo dục không trường học – cũng phải công nhận rằng chúng tôi không có mọi câu trả lời, rằng không hề có thứ gì gọi là một phương pháp “tối ưu nhất” trong giáo dục con cái. Nhưng chúng tôi cũng đồng thời biết rằng mình cũng đang cùng học với các con mình, và rằng không biết câu trả lời cũng có thể là một điều tốt – một cơ hội để tự mình tìm ra câu trả lời đúng, không phải dựa vào những phương pháp đã có sẵn mà có thể không có hiệu quả.
Tôi sẽ không đi quá sâu vào từng phương pháp cụ thể ở đây, bởi tôi thấy rằng chúng không quan trọng bằng những ý tưởng. Một khi bạn đã có một ý tưởng thú vị để thử nghiệm rồi, bạn sẽ có thể tự mình nghĩ ra vô vàn các phương pháp khác nhau để thực hiện nó, và do vậy những phương pháp đã có từ trước của tôi sẽ chỉ làm giới hạn bạn mà thôi.
Thay vào đó, hãy cùng nhìn vào một hệ các kỹ năng quan trọng mà tôi tin rằng trẻ em ngày nay nên được học, những thứ sẽ giúp chúng chuẩn bị tốt nhất cho bất cứ thứ gì trong tương lai. Tôi xây dựng những kỹ năng này dựa vào những gì tôi đã học được trong các ngành công nghiệp khác nhau, đặc biệt là trong thế giới của kinh doanh khởi nghiệp trên Internet, xuất bản sách điện tử,... và quan trọng hơn cả, dựa vào những gì tôi đã học được về cách học, cách làm việc, và sinh sống trong một thế giới luôn biến đổi không ngừng.
1. Đặt câu hỏi. Điều chúng ta muốn nhất ở con trẻ, với tư cách những người học, là chúng phải biết cách để tự mình học. Biết cách tự dạy chính mình bất cứ thứ gì. Bởi vì nếu chúng có thể làm thế, thì chúng ta sẽ không phải dạy chúng tất cả mọi thứ – bất cứ thứ gì mà chúng cần phải học trong tương lai, chúng có thể tự mình làm lấy. Bước đầu tiên khi học cách tự dạy bản thân là học cách đặt câu hỏi. May mắn thay, trẻ em tự nhiên đã biết làm điều này – việc của chúng ta đơn giản chỉ là khuyến khích chúng mà thôi. Một cách hay nhất để làm điều này là hãy làm mẫu cho chúng. Khi bạn và con cùng gặp một điều gì đó mới, hãy đặt các câu hỏi, và khám phá những câu trả lời có thể có cùng con mình. Khi con đặt câu hỏi, hãy khen ngợi thay vì trừng phạt chúng (bạn có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết có bao nhiêu người lớn ngăn cấm trẻ em đặt câu hỏi).
2. Giải quyết vấn đề. Nếu một đứa trẻ biết cách giải quyết những vấn đề khó khăn, nó có thể làm được bất kể công việc gì. Một công việc mới có thể đáng sợ với chúng ta, nhưng thực tế nó cũng chỉ là một vấn đề khác để giải quyết mà thôi. Một kỹ năng mới, một môi trường mới, một nhu cầu mới... tất cả chúng đều chỉ đơn giản là những vấn đề để ta giải quyết. Hãy dạy con cách giải quyết những vấn đề bằng cách làm mẫu giải quyết những vấn đề đơn giản cho con, sau đó để cho nó tự giải quyết những vấn đề thật dễ dàng khác bằng chính sức mình. Đừng có ngay lập tức giải quyết hết tất cả mọi vấn đề cho con – hãy để nó tự xoay sở với chúng một lúc, tự mình thử nghiệm nhiều phương án có thể khác nhau; rồi hãy khen ngợi và trao thưởng cho con vì những nỗ lực đó. Dần dần, con bạn sẽ phát triển được sự tự tin ở khả năng giải quyết vấn đề của chính mình, và khi đó sẽ chẳng có gì mà nó không thể làm được.
3. Giải quyết những dự án. Là một doanh nhân khởi nghiệp từ Internet, tôi biết rằng công việc của mình chỉ là một chuỗi những dự án, đôi khi liên quan tới nhau, có cái nhỏ và có cái lớn (mà thường đôi lúc là tập hợp của nhiều cái nhỏ). Tôi cũng biết rằng không có một dự án nào mà tôi lại không thể giải quyết, bởi tôi đã giải quyết thành công quá nhiều dự án rồi. Viết một cuốn sách là một dự án. Bán cuốn sách này là một dự án khác. Hãy làm việc với các dự án cùng con bạn, cho nó thấy công việc được hoàn thành thế nào bằng cách được cùng làm với bạn, rồi sau đó hãy để nó tự làm tiếp một mình. Dần dần khi con đã tự tin hơn, hãy để nó giải quyết thêm nhiều dự án khác bằng chính sức mình. Rồi sớm thôi, việc học tập với con bạn cũng sẽ chỉ là một chuỗi những dự án mà nó háo hức muốn thực hiện.
4. Tìm thấy niềm đam mê. Thứ thúc đẩy tôi nhiều nhất không phải là mục tiêu, không phải là kỷ luật, không phải là động lực từ bên ngoài, không phải phần thưởng... mà là đam mê. Khi tôi quá hào hứng với một thứ đến mức tôi không thể ngừng nghĩ về nó được, tôi sẽ chắc chắn lao vào làm nó với 100% sức lực và tâm huyết, và hầu hết mọi trường hợp tôi đều hoàn thiện được dự án và vô cùng vui thích khi được làm nó. Hãy giúp con bạn tìm thấy niềm đam mê của mình – nó chỉ đơn giản là việc thử làm một đống các thứ khác nhau, tìm xem thứ gì khiến con bạn hào hứng nhất, và rồi giúp đỡ con thật sự tận hưởng nó. Đừng ngăn cấm bất kể sở thích nào – hãy khuyến khích chúng. Cũng đừng có hút mọi niềm vui ra khỏi nó – hãy biến nó thành một công việc đáng làm.
5. Tự lập. Trẻ em nên được dạy cách để dần dần có thể tự mình đứng độc lập. Tất nhiên là chỉ từ từ, mỗi lúc một chút một. Hãy từ từ khuyến khích con mình tự làm mọi việc. Dạy cho chúng cách làm nó, làm mẫu cho chúng, rồi dần dần giảm bớt sự giúp đỡ, và để cho con tự mình phạm sai lầm. Hãy cho con sự tự tin bằng cách để nó có một đống các thành công, và hãy để nó tự mình tìm ra nguyên nhân của những thất bại. Một khi chúng đã học được cách tự lập, chúng sẽ học được rằng chúng không cần một giáo viên, một phụ huynh, hay một ông sếp để bảo chúng phải làm gì. Chúng có thể tự mình giải quyết các thứ, được tự do, và có thể tự mình chọn lấy con đường cần phải đi.
6. Tự mình có thể hạnh phúc. Quá nhiều các bậc cha mẹ chúng ta cưng chiều con cái của mình, giữ chúng trong vòng kiểm soát, khiến chúng phải phụ thuộc vào sự có mặt của mình để thấy hạnh phúc. Khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ không biết làm thế nào để có thể tự mình hạnh phúc. Nó sẽ phải ngay lập tức gắn chặt bản thân với người yêu hoặc bạn bè. Khi không làm được điều đó, nó sẽ đi tìm hạnh phúc ở những thứ bên ngoài – thú vui mua sắm, đồ ăn, trò chơi điện tử, hay mạng Internet. Nhưng nếu một đứa trẻ học được từ ngày còn nhỏ rằng nó có thể tự mình hạnh phúc, khi chơi đùa hay đọc sách hay tưởng tưởng về mọi điều, thì đứa trẻ đó đã có một trong những kỹ năng đáng giá nhất trên đời rồi. Hãy cho phép con bạn được ở một mình ngay từ khi còn nhỏ. Cho chúng sự riêng tư, để ra những khoảng thời gian (như vào buổi tối chẳng hạn) khi cha mẹ và con cái ở tách biệt.
7. Biết cảm thông. Một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong tất cả. Chúng ta cần nó để có thể làm việc tốt với những người khác, để biết quan tâm tới người khác chứ không chỉ tới riêng bản thân mình, để có thể thấy hạnh phúc khi ta giúp những người khác được hạnh phúc. Hãy làm mẫu sự cảm thông. Hãy cảm thông với con bạn trong mọi lúc, và với cả những người khác nữa. Cho chúng thấy sự thấu cảm bằng cách hỏi con xem chúng nghĩ những người khác đang cảm thấy thế nào, và nói cho con biết bạn nghĩ những người khác đang cảm thấy thế nào. Bất cứ khi nào có thể, hãy thể hiện cho con thấy làm thế nào để có thể xoa dịu nỗi đau của người khác nếu mình có thể làm được, làm thế nào để khiến người khác thấy hạnh phúc hơn bằng những cử chỉ tình thương nhỏ bé, và làm thế nào những việc đó có thể khiến chính bản thân con bạn cũng thấy hạnh phúc hơn.
8. Rộng lượng. Hầu hết chúng ta sống và lớn lên trong những môi trường khép kín, nơi hầu hết mọi người đều giống nhau (ít nhất là về ngoại hình), và đến khi ta phải tiếp xúc với những người khác ta hoàn toàn, ta có thể sẽ thấy không thoải mái, sốc, thậm chí là sợ hãi. Hãy để con bạn được tiếp xúc với đủ các loại người, từ những chủng tộc khác nhau tới những xu hướng tình dục khác nhau, tới những trạng thái tinh thần khác nhau. Cho con thấy rằng khác biệt không chỉ không có gì là xấu, mà sự khác biệt còn nên được trân trọng, và rằng chính sự đa dạng mới là thứ khiến cho cuộc sống này đẹp đến vậy.
9. Ứng phó với thay đổi. Tôi tin rằng đây là một trong những kỹ năng quan trọng nhất với con trẻ khi chúng lớn lên, bởi thế giới này luôn luôn thay đổi không ngừng; và biết cách để chấp nhận sự thay đổi, để ứng phó với thay đổi, để tự định hướng giữa dòng chảy của sự thay đổi, sẽ là một lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn. Đây là một kỹ năng mà bản thân tôi vẫn đang phải tự học, nhưng tôi thấy rằng nó đã giúp tôi rất nhiều, đặc biệt là khi so sánh với những người chống lại và sợ sự thay đổi, những người đặt ra các mục tiêu và kế hoạch và cố bám chặt lấy chúng, trong khi tôi thì thích nghi với môi trường đang biến đổi xung quanh. Sự cố chấp bảo thủ trong một môi trường luôn biến đổi sẽ không có ích bằng tính linh hoạt, mềm dẻo và khả năng thích ứng cao. Lại một lần nữa, hãy làm mẫu kỹ năng này cho con bạn bất cứ khi nào bạn có thể, cho chúng thấy rằng thay đổi là tốt, rằng bạn có thể thích nghi, rằng bạn có thể tận dụng những cơ hội mới mà trước kia không có. Cuộc sống là một cuộc phiêu lưu, và mọi thứ sẽ có lúc đi lệch hướng, phá đổ mọi kế hoạch mà bạn đã từng vạch ra – và nó cũng chính là một phần tạo nên sự hấp dẫn cho cuộc sống này.
Chúng ta không thể chuẩn bị sẵn cho các con mình một khối dữ liệu cố định để chúng học, một công việc có sẵn để mà chuẩn bị, khi mà chính chúng ta cũng không biết tương lai liệu sẽ mang tới cái gì. Nhưng chúng ta có thể chuẩn bị cho con để chúng có thể thích nghi với mọi thứ, có thể học được mọi thứ, tự mình giải quyết mọi thứ; và để sau khoảng 20 năm nữa, chúng sẽ nhớ lại và cảm ơn chúng ta.

Ngày đăng: 14 tháng Hai, năm 2012
Nguồn bài viết: http://zenhabits.net/kid-skills/

Dịch bởi: Nguyễn Tiến Đạt (sutucon)
Dịch xong lúc 10h47, ngày 29/12/2013


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét