– – – – – – –
– – – – – – – – – – – – – – – – – – –
Tác giả: Brooke Borel
Brooke Borel
là một cây bút về khoa học. Những bài viết của cô đã được xuất hiện trên các tạp
chí Slate, Discover, và BBC Future, và cô cũng là một biên tập viên có đóng góp
tích cực cho tạp chí Popular Science. Cô hiện sống ở New York.
Các sinh
viên y khoa nghiên cứu một cơ thể đã được hiến tặng cho khoa học tại Đại học
Humboldt, Berlin, Đức. Ảnh bởi DPA/PA.
Đó
là năm 1993, tôi đang học lớp Bảy khi Marie C Wilson và Gloria Steinem phát động
chiến dịch Đưa Con Gái Của Bạn Tới Chỗ Làm, với mong muốn cho những thiếu nữ trẻ
như chúng tôi thấy có một thế giới lớn đến thế nào ở ngoài kia, vượt xa hơn bất
cứ giới hạn nào về giới tính hay về cơ thể của chúng tôi. Với tôi, nó đã làm
đúng được như thế; dù nó đồng thời cũng gieo mầm trong tôi một nỗi ám ảnh khác suốt
đời, theo một nghĩa khác hẳn, về cơ thể con người. Bởi trong khi rất nhiều bạn
cùng lớp của tôi ngồi bên cạnh phụ huynh của họ trong những văn phòng gọn gàng
sạch sẽ; tôi đã dành cả ngày Đưa Con Gái Tới Chỗ Làm đó trong một phòng khám
nghiệm tử thi, chăm chú quan sát cha tôi, một bác sĩ nghiên cứu bệnh học và một
cựu nhân viên khám nghiệm tử thi của hạt, giải phẫu xác chết của một người đàn
ông.
Đó
là một bác nông dân tóc đã điểm bạc. Ông được đưa tới tầng hầm để khám nghiệm tử
thi trong văn phòng của cha tôi, vẫn mặc nguyên một chiếc sơ mi dài tay và bận
chiếc quần rộng kiểu công nhân bằng vải bò, một chi tiết tôi đặc biệt nhớ rõ,
nhưng đến giờ nghĩ lại tôi mới thấy nó thật kỳ lạ làm sao. Vài tuần trước, tôi
gọi lại cho cha mình và hỏi tại sao bác nông dân đó lại mặc chiếc quần công
nhân khi được đưa đến khám nghiệm, và tại sao ngay từ đầu lại cần có một cuộc
giải phẫu khám nghiệm tử thi, một điều giờ nghĩ lại tôi cũng thấy thật bất thường.
Cha tôi không nhớ chính xác trường hợp đó, một trong quá nhiều các ca khám nghiệm
ông đã thực hiện trong suốt những năm qua; nhưng nói khi đó gần như không có bất
cứ một nhân chứng nào cho cái chết của ông lão cả; và trong trường hợp đó, bác
sĩ của người đàn ông có thể sẽ yêu cầu một cuộc khám nghiệm tử thi, để có thể kết
luận chính xác liệu đó là tai nạn, tự sát hay một vụ án mạng. Còn về bộ quần áo
thì sao? Điều đó đôi lúc cũng xảy ra. Cuối cùng thì, cũng có đôi lúc người ta
chết khi mà vẫn đang ăn diện đẹp đẽ. Qua cuộc điện thoại tôi cũng nhận ra rằng,
Cha thậm chí còn không nhớ rằng đã đưa tôi đến phòng khám nghiệm tử thi cùng
mình hôm đó. “Cha đã làm thế thật sao?”
ông hỏi, cười lớn như không tin được vào điều mình vừa nghe. “Một phòng khám nghiệm tử thi? Con nghiêm
túc đấy chứ?”
Với
tôi, kỷ niệm đó vẫn còn rõ mồn một. Tôi nhớ được rằng người nông dân đó là tử thi
đầu tiên tôi được nhìn thấy trong đời. Tôi nhớ được cảm giác khi đứng nép mình
trong góc căn phòng lạnh lẽo, bận bộ trang phục phẫu thuật viên rộng thùng
thình của người lớn mà gấu đã xắn lên đến quá mắt cá chân, và yên lặng nhìn cha
tôi, cũng ăn diện hệt như vậy, loay hoay với những ống quần của tử thi. Tôi nhớ
mình khi đó đã nghĩ cơ thể người chết làm sao lại có thể cong gập được đến như
vậy. Tôi có thể thấy chiếc bụng bự béo tốt của bác nông dân đó phơi lên đối diện
với trần nhà, trông như cái miệng đang cười, khi cha tôi cuối cùng đã lột sạch
được toàn bộ trang phục của ông ta và đặt ông nằm, hoàn toàn trần trụi, lên một
chiếc xe cáng kim loại. Tôi nhớ đã nhìn Cha khi ông đẩy chiếc xe cáng tới chính
giữa phòng, và rồi chuyển xác người đàn ông lên một bàn giải phẫu, đặt ngay ngắn
dưới một ngọn đèn rất sáng, bên dưới có một rãnh thoát chất thải trên sàn. Tôi
có thể nghe thấy tiếng cha mình đọc lại từng bước một vào một máy ghi âm trước khi
thao tác, bằng một giọng rất làm ăn-sự vụ, và dù tôi không thể nhận ra các từ
ngữ, tôi nhớ rằng chúng nghe như thể một thứ ngoại ngữ nào đó vậy. Tôi vẫn còn
nhớ những đường cắt dài, như hình chữ Y mà những nhát rạch của con dao mổ đã tạo
nên trên ngực người đàn ông. Tôi đặc biệt nhớ rõ đã nhìn cha mình tách khung sườn
của người đàn ông ra bằng một chiếc cưa điện cắt xương Stryker, và rồi nhấc gọn
nó ra khỏi lồng ngực tử thi như người ta nhấc nắp một chiếc hộp vậy. Tôi còn nhớ
mình khi đó đã nghĩ: Kia thực sự là cha
mình đấy ư?
Tới
cuối cuộc giải phẫu, Cha thọc hẳn tay vào lục lọi khắp bên trong lồng ngực,
xung quanh trái tim đã ngừng co bóp của tử thi. Rồi ông xòe bàn tay vẫn đeo
găng phẫu thuật của mình ra cho tôi xem hai cục gì đó, lấm lem đẫm đầy máu be
bét, và từ tốn giải thích cho tôi nghe sự khác biệt giữa chúng. Một bên là một cục
máu nghẽn nhỏ hình thành trước thời điểm tử vong, và bên kia là một khối máu lớn
hơn, xuất hiện sau khi nạn nhân đã chết. Ở khối máu đầu tiên, các tế bào máu
hòa lẫn với nhau hoàn toàn, và đồng đều về màu sắc bởi vì cục máu này được hình
thành trong khi máu trong cơ thể vẫn đang tuần hoàn. Ở trường hợp thứ hai, các
tế bào máu đã lắng tách thành hai lớp rõ rệt, một màu vàng, một màu đỏ. Cha tôi
nói rằng nếu ông có thể tìm thấy nhiều khối máu trước-khi-chết này hơn nữa, và
nếu kính hiển vi cũng xác nhận rằng chúng đã hình thành trước thời điểm nạn
nhân tử vong, chúng ta sẽ có thể kết luận chắc chắn rằng người đàn ông này đã qua
đời vì một cơn đau tim.
Tôi
nhớ là mình không cảm thấy sợ hay không thoải mái, mà chính xác hơn là có chút
gì đó như khiếp hãi trước cảnh tượng trước mặt mình. Và trước cả công việc mà
cha tôi đã làm nữa. Tới những việc có thể xảy ra với cơ thể bạn một khi bạn đã
mất. Và lần đầu tiên trong đời, tôi nhận ra rằng, sau khi tôi chết, một phần của
tôi sẽ vẫn ở lại.
Một vài trong số những kỷ niệm rõ nhất của tuổi thơ tôi thường có cảnh cả gia đình
chúng tôi quây quần bên bàn ăn tối, lắng nghe những câu chuyện về chủ đề cái chết.
Tất nhiên, điều đó nghe có vẻ gì thật bệnh hoạn, nhưng chúng tôi cũng chỉ làm
điều mà bao gia đình khác cũng làm bên bàn ăn tối mà thôi, đó là nói về những
việc đã qua trong ngày của mỗi người. Và với cha tôi, mỗi ngày đó thường bao gồm
những người đang hấp hối, hoặc những người đã chết.
|
Những
câu chuyện ông kể không phải bao giờ cũng là về các ca giải phẫu. Đôi lúc, Cha
kể cho chúng tôi nghe việc ông vừa nhận được một khối u lớn mà các bác sĩ phẫu
thuật vừa tách bỏ khỏi cơ thể một bệnh nhân, vẫn còn đang để mở trên bàn phẫu
thuật của ông ở ngay cuối hành lang, cách đó chỉ mấy mét. Cha sẽ làm lạnh nhanh
các khối tế bào đột biến đó, rồi thái nhỏ chúng thành những mặt cắt ngang bằng
một dụng cụ nhìn giống như cái máy cắt giăm-bông (deli slicer). Sau đó, ông sẽ
bỏ những miếng cắt mỏng tang, gần như trong suốt kia lên một lát thủy tinh, nhuộm
chúng trong dung dịch tím rồi hồng, và rồi quan sát chúng kỹ dưới kính hiển vi
để tìm kiếm những dấu hiệu chết người của bệnh ung thư. Khi tôi còn nhỏ, cái
tên của công đoạn này – giai đoạn làm đông (frozen section) – khiến tôi hay ngay lập tức liên tưởng tới một
cửa hàng bán thực phẩm nào đó.
Đôi
lúc, giai đoạn làm đông này có thể giúp cứu tính mạng của người trên bàn phẫu
thuật: các bác sĩ bắt được dấu hiệu của các tế bào ung thư từ sớm, trước khi
chúng kịp di căn, và loại bỏ được hoàn toàn khối u lập tức, ngay tại đó, ngay
lúc đó. Ở những người khác, công đoạn này đôi khi tới quá trễ. Khi kể đến những
người này, giọng Cha trầm hẳn xuống.
Các
câu chuyện khác là về công đoạn xác định một chứng bệnh rối loạn hiếm gặp nào
đó. Đến đây, Cha tả lại công việc phải đào bới khắp các thư tịch y học và sách
giáo khoa bệnh học, và rồi so sánh một hình ảnh cấu trúc tế bào nhuộm hai màu
tím-hồng này với một hình ảnh cấu trúc tế bào nhuộm hai màu tím-hồng khác, để
tìm kiếm từng dấu hiệu khác biệt nhỏ nhất.
Tuy
nhiên, câu chuyện ưa thích nhất của tôi lại là những câu chuyện về những vụ
giám định pháp y, khi người ta giải phẫu tử thi để điều tra nguyên nhân cái chết
– những câu chuyện rất đáng ghê sợ, theo cách đã làm tôi thích đến mê mẩn khi
còn nhỏ, nhưng lại mang một ý nghĩa khác hẳn trong tâm trí của tôi, giờ khi đã
lớn (mặc dù, với những bộ phim trinh thám pháp y chiếu đầy rẫy trên tivi khắp
các khung giờ như hiện nay, tôi đoán rằng việc điều tra những cái chết bất thường
giờ đây làm tất cả chúng ta đều mê mẩn cả). Có một câu chuyện Cha kể về một người
đàn bà đã bắn chết chồng, viên đạn đã xé đứt động mạch chủ ở cổ nạn nhân được
xác định là đạn súng ngắn nòng ổ xoay .357 Magnum; và một câu chuyện có tính chất
khuyên răn khác, về một đứa bé mới chập chững biết đi bị một chiếc xe buýt băng
qua, nghiến nát toàn bộ cơ thể. Câu chuyện sau đó vẫn còn ám ảnh tôi cho tới tận
giờ.
Và tôi đã học được
điều này: Khi nghiên cứu về cơ thể con người, không phương pháp thay thế nào
có thể sánh bằng một cơ thể thực sự.
|
Và
rồi cả câu chuyện mà tôi luôn đòi Cha kể mỗi lần tôi có bạn đến ăn tối hoặc ngủ
lại nữa, mà giờ khiến tôi tự hỏi là tại sao sau đó họ còn muốn quay lại nhà tôi
lần nữa. Câu chuyện bắt đầu với cảnh cha tôi bước ra khỏi xe mình, trong một
trang trại rộng lớn ở một vùng nông thôn Đông-Bắc bang Kansas, khi ông bất ngờ
nghe thấy ba bốn tiếng súng nổ vang trời. Giật nảy mình, ông quay sang ngài cảnh
sát trưởng đang đợi để hộ tống ông tới hiện trường, và ông ta lè nhè đáp một
cách rất bình thản: “Đừng lo, đừng lo. Họ
chỉ đang đuổi nốt mấy con chó cuối cùng đi thôi”.
Cha
tôi ở đó để khám nghiệm những gì còn sót lại của một cặp vợ chồng già đã chết,
và để giúp rút ra kết luận về điều gì đã xảy ra với họ. Dựa vào thông báo yêu cầu
chuyển khỏi nhà (của chủ cho thuê gửi), và chiếc xe đang được chất đồ đạc dang
dở, ông kết luận rằng cặp vợ chồng hẳn đã chết trong khi đang chuyển đồ khỏi
căn nhà của mình. Tiền sử bệnh tật còn lưu lại của người phụ nữ cho thấy bà
không thể đi lại được; những gì còn lại của bà trên chiếc giường cho thấy bà đã
chết ở đó. Có lẽ bà đã đợi người chồng tới giúp mình ra xe ô tô sau khi ông ta
đã chất xong đồ đạc của họ lên xe. Nhưng thay vào đó, người đàn ông tội nghiệp
đã bị một cơn trụy tim đột ngột giữa cái nắng nóng nực của mùa hè. Giả thiết
này hoàn toàn hợp lý, dựa vào tiền sử bệnh tật còn lưu lại của người chồng này,
và những chiếc va-ly vẫn còn đang đặt trên con đường đầy bụi dẫn từ ngôi nhà ra
đến chiếc xe. Không thể đi lại, hay thậm chí là la to báo cho những người hàng
xóm gần nhất ở cách đó hàng dặm đường biết, người phụ nữ già cũng đã dần dần kiệt
sức và qua đời.
Tất
cả những gì còn lại của người đàn ông chỉ là một mảnh xương đầu, từ phần nửa dưới
của hộp sọ của ông trở đi. Vậy điều gì đã xảy ra với những phần còn lại của ông
ta? Bằng các cuộc thẩm vấn, các nhân viên điều tra của Hạt biết được rằng đôi vợ
chồng già này có làm bạn với một bầy chó hoang. Bầy chó đã quen với việc được
cho ăn thức ăn thừa từ ngôi nhà nhỏ của cặp vợ chồng họ. Khi hai người chết, lũ
thú đói đã quay sang ngấu nghiến chính họ.
Một
câu chuyện vô cùng kinh khủng, và đáng buồn, đúng vậy. Nhưng, với tâm trí của một
đứa trẻ tại một buổi ngủ qua đêm với bạn bè như tôi, nó chỉ như một câu truyện
ma mà thôi. Chỉ có điều còn hay hơn.
Hơn
hai mươi năm sau ngày Đưa Con Gái Tới Chỗ Làm đó, và mặc dù tôi vẫn còn trẻ và
hoàn toàn khỏe mạnh, tôi vẫn luôn nhớ lại cảnh tượng buổi giải phẫu hôm đó, mỗi
khi tôi hình dung đến việc điều gì sẽ xảy ra với cơ thể của mình sau khi tôi chết.
Con người chúng ta có một khả năng độc nhất trong việc suy ngẫm về sự tồn tại của
chính bản thân; trong việc thấu hiểu sự khác biệt giữa thứ đang tồn tại và cái
đã tồn tại, giữa sự sống và cái chết. Chúng ta có thể theo dấu con đường của sự
sống mãi cho tới điểm cuối cùng hợp lý nhất của nó: bất kể có bao nhiêu sự chuẩn
bị kỹ càng, bao nhiêu những vòng vèo chùng chình, những khúc ngoặt lảng tránh
đi nữa, một ngày nào đó con đường cũng sẽ kết thúc. Và một khi tôi đã vượt qua
được những nỗi sợ đến tê liệt, cảm giác như của một con thú bị mắc bẫy luôn đi
cùng với những suy ngẫm đó; tôi bắt đầu tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy đến tiếp
theo. Liệu cơ thể của tôi sẽ đi tiếp trên con đường nào, khi bất kể những cái
gì làm nên phần “Tôi” trong tôi đã biến mất?
|
Tôi
không có ý nói đến vấn đề này theo một khía cạnh tâm linh nào đó. Rất nhiều người
đi đến được trạng thái chấp nhận cái chết bằng lời hứa hẹn rằng họ sẽ sống tiếp
trong một thế giới bên kia, hoặc quay trở lại qua sự đầu thai, hoặc tái sinh,
nhưng các việc đó không phải là điều tôi tin. Tôi cũng không chia sẻ quan điểm
với các lão khoa muốn tìm ra phương thuốc bất tử đẩy lùi tận gốc tuổi già, hay
những người lạc quan vào tương lai vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi thời điểm khi trí
tuệ nhân tạo có thể trợ giúp con người đạt được những điều không tưởng. Với
tôi, cả hai chỉ là những cách khác để lảng tránh cái chết mà thôi, chỉ có điều
lần này là dưới danh nghĩa của khoa học, thay vì tôn giáo. Điều tôi đang nói tới
ở đây là thứ gì sẽ xảy đến với cái vỏ xác thịt, với phần thân thể vật chất còn
lại của tôi sau khi tôi mất, khi tôi đã không còn. Tôi muốn có quyền kiểm soát
việc cơ thể của mình sẽ được đưa đến đâu, và ai sẽ làm gì với nó, kể cả khi tôi
đã chết. Tôi thấy ít nhiều được an ủi khi biết rằng mình cũng có tiếng nói
trong chuyện này.
Ý
nghĩ về việc ngay lập tức bị gói kín trong một cái quan tài đắt tiền, hay được
tan ra tro bụi bằng hỏa táng không có chút gì hấp dẫn tôi. Tôi hiểu rằng những
truyền thống văn hóa lâu đời đó góp phần an ủi những người còn sống, nhưng với
tôi thì cơ thể của tôi sẽ chỉ đều bị phí phạm trong cả hai trường hợp. Trước
khi nó tới được chỗ an nghỉ cuối cùng, tôi muốn cơ thể của mình phải làm được
điều gì đó có ích hơn cho thế giới này.
Để
làm được điều đó, tôi cần nghĩ tới một cách để khiến cho cái chết của tôi có thể
làm cuộc sống của những người còn sống tốt đẹp hơn. Một trong những lựa chọn là
hiến những cơ quan nội tạng có thể dùng được của tôi cho những người cần đến
chúng: giác mạc cho những người khiếm thị, da cho những người bị bỏng nặng, và
rất nhiều các cơ quan nội tạng, từ tim đến thận, đến phổi, cho những người mắc
các bệnh nghiêm trọng khác. Tôi đã làm một người hiến nội tạng từ rất lâu tôi
không nhớ được nổi nữa rồi; nó được in cả trên bằng lái xe của tôi, bên dưới một
trái tim vẽ bằng màu đỏ. Nhưng gần đây, khi tôi bắt đầu nghĩ đến nhiều hơn về
cái chết của mình, tôi đã bắt đầu tự hỏi liệu, với tôi, đây đã phải là cách hiến
có ý nghĩa nhất hay chưa. Tình cờ, bằng lái xe của tôi lại sắp đến hạn phải làm
mới vào cuối năm nay.
Gần
đây có viết một bài báo ngắn, giới thiệu về những cách khác nhau mà một thân
xác hiến-toàn bộ cho khoa học có thể được dùng trong nghiên cứu và giáo dục y
khoa như thế nào. Khi tôi phỏng vấn các nhà khoa học và bác sĩ liên quan đến
công việc, tôi nhận ra rằng những câu hỏi của tôi về những thân xác vô danh họ
sử dụng không chỉ còn là vì mục đích cho bài báo của tôi nữa. Thực sự là khi
đó, tôi đang hỏi về việc cơ thể mình sẽ được sử dụng như thế nào, nếu một ngày
tôi quyết định sẽ hiến xác mình cho khoa học.
Những người từng trải
nghiệm nó đã kể với tôi rằng, mối quan hệ giữa các sinh viên y khoa và cái
xác đầu tiên họ thực tập mổ là một mối quan hệ đặc biệt.
|
Và
tôi đã học được điều này: Khi nghiên cứu về cơ thể con người, không phương pháp
thay thế nào có thể sánh bằng một cơ thể thực sự. Có những phương pháp khác –
mô hình ba chiều trên máy tính và những hình nhân để thí nghiệm chịu va đập
trong các cuộc thử nghiệm là một vài ví dụ. Nhưng không gì thay thế được một cơ
thể thật, và, trên thực tế, chính cả hai thứ này cũng đều được xây dựng và lập
trình với những dữ liệu thu thập được từ những xác người thật trước đây. Nếu
không có dữ liệu từ những cơ thể thật sự, với sự phức tạp về giải phẫu của
chúng, không một phương pháp thay thế nào có thể tồn tại.
Không
bao giờ có đủ những thân xác hiến-toàn bộ cho khoa học. Vào bất cứ năm nào, các
nhà khoa học cũng vẫn có thể xoay sở đủ với những gì mà họ có, nhưng họ luôn
luôn có thể dùng đến nhiều hơn. Nhưng có nhiều trở ngại: bản thân người hiến hoặc
gia đình còn sống của họ phải đồng ý với việc hiến, những thủ tục pháp lý cần
thiết cần phải được xây dựng trên mỗi khu vực hoặc mỗi quốc gia, và trong một số
trường hợp, có những cơ thể lại không thể phù hợp với tất cả các ngành nghiên cứu
nữa. Cũng không phải mọi chương trình hiến tặng cơ thể đều đúng như lời họ quảng
cáo, vậy nên cách tốt nhất để đảm bảo rằng cơ thể tôi sẽ được đưa vào nghiên cứu
là phải hiến tặng nó cho một ủy ban giải phẫu quốc gia, hoặc một trường y.
Rất
nhiều ngành nghiên cứu cần đến những cơ thể được hiến tặng. Các nhà khoa học
nghiên cứu về cơ chế sinh học của thương tật chẳng hạn, muốn hiểu rõ hơn cách
cơ thể bị tổn thương, để từ đó họ có thể giúp nghiên cứu những cách mới làm giảm
chấn thương trong các hoạt động khác nhau của con người. Họ thiết kế các thí
nghiệm điều khiển từ xa để hiểu rõ hơn mức độ thương tổn tối đa một cơ thể con người
có thể chịu đựng. Sau đó, sau khi đã chuyển hết những số liệu này lên một mô
hình trên máy tính, hoặc vào một hình nhân thí nghiệm, họ tiếp tục kiểm tra và
hoàn thiện dần những thiết bị giúp chúng ta được an toàn hàng ngày.
Cơ
thể tôi, như tôi đã được biết, có thể giúp để cải tiến đai an toàn trên xe hơi,
hoặc ghế ngồi trên những toa tàu hỏa. Não bộ của tôi có thể giúp các nhà thiết
kế tạo ra những mẫu mũ bảo hiểm mới làm giảm tối đa chấn thương não mà một vận
động viên bóng bầu dục Mỹ có thể chịu sau một cú húc mạnh của đối thủ, hoặc
giúp một người lính có thể sống sót khi bị hất văng đi bởi sóng chấn động của một
vụ nổ bom. Khi các nghiên cứu đã hoàn thành, nếu gia đình tôi muốn, họ có thể
được nhận phần cơ thể còn lại đã được hỏa táng của tôi (và trong trường hợp
này, tôi sẽ không ngại nếu tro cốt của tôi được rắc ở những nơi tôi yêu quý). Nếu
không, tôi có thể sẽ được vinh danh bên cạnh những người hiến tặng cơ thể khác
bằng một bia đá, một thân cây, hay một buổi lễ trang trọng hàng năm.
Các
nhà khoa học pháp y cũng vậy, họ cũng sử dụng những thân xác được hiến tặng cho
nghiên cứu của mình. Một số trường đại học nhận các cơ thể hiến tặng và chôn nó
xuống đất, hoặc đặt vào trong một khu rừng vắng vẻ. Sau đó các nhà khoa học sẽ
ghi lại thời gian cần thiết để ruồi nhặng, giòi bọ, và các loài ăn xác thối
khác kéo đến và biến cơ thể chỉ còn lại bộ xương. Cách này, theo tôi nghĩ, là một
dạng khác của sự tái sinh – trở thành một phần của hệ sinh thái của một cánh đồng
hoặc một khu rừng. Nó nghe có vẻ như là một kết thúc bi thảm, nhưng những dữ liệu
mà nó mang lại có thể giúp các nhà khoa học pháp y xác định thời điểm một người
chết và những thương tổn nào họ có thể đã phải chịu, điều mà đến lượt nó lại có
thể giúp cho các nhà thi hành luật pháp giải quyết được một vụ án giết người.
Nếu
tôi lựa chọn con đường này, cơ thể tôi có thể sẽ được dùng để tái dựng lại một
hiện trường vụ án cụ thể – được treo lơ lửng trong một cánh rừng, hoặc được nhồi
trong cốp một chiếc xe hơi – những việc có thể giúp các nhà pháp y giải quyết một
vụ án, giúp cảnh sát mang kẻ giết người ra chịu tội trước công lý, cũng hệt như
cách cha tôi đã từng giúp lật tẩy những tội ác chết người. Có lẽ điều này sẽ
giúp an ủi phần nào gia đình vẫn còn đau khổ của nạn nhân. Sau đó, bộ xương của
tôi có sẽ được an nghỉ trong một hộp kính trong bộ sưu tập của phòng nghiên cứu
pháp y, đôi lúc sẽ lại được dùng lại trong một nghiên cứu về sự lão hóa của
xương.
Đây
đều là những di sản đáng để lại, nhưng còn một lựa chọn khác nữa cho việc hiến-toàn
bộ thân xác, một truyền thống lâu đời của ngành đào tạo y khoa, mà nghe có vẻ
phù hợp với tôi hơn. Mọi sinh viên y khoa năm nhất đều phải học một khóa về giải
phẫu học mà trong đó, họ thực tập giải phẫu một cơ thể người đã chết. Đây chính
là bệnh nhân đầu tiên của họ. Đó có thể tử thi đầu tiên trong đời họ từng được
nhìn thấy, hay chạm tay tới. Khi họ bước chân vào căn phòng giải phẫu, họ có thể
thấy đôi ba – hoặc một vài chục – những cơ thể khác nhau, mỗi cái là một ví dụ
cụ thể, sinh động cho sự đa dạng đến vô vàn của kích thước và hình dáng cơ thể
con người.
Những
người từng trải nghiệm nó đã kể với tôi rằng, mối quan hệ giữa các sinh viên y
khoa và cái xác đầu tiên họ thực tập mổ là một mối quan hệ đặc biệt. Tử thi sẽ
cung cấp cho họ những kiến thức mà các sinh viên sẽ không thể nào có được bằng
những cách khác; người sinh viên thì vô cùng choáng ngợp và biết ơn vì món quà.
Một bác sĩ đa khoa tôi từng phỏng vấn đã tâm sự với tôi rằng: “Bạn có thể học được các kiến thức, nhưng
khi bước ra khỏi quá trình đó, bạn sẽ bước ra với sự biết ơn, với một niềm kính
trọng tuyệt đối với khối cấu trúc sinh học kỳ diệu ở ngay trước mắt bạn kia. Và
bạn sẽ bắt đầu trân trọng cơ thể con người theo một cách hoàn toàn khác.”
Trong
viễn cảnh này, nếu tôi lựa chọn nó, cơ thể tôi sẽ có thể dạy cho một người bác sĩ
tương lai nền tảng quyết định của kỹ thuật hút dịch tủy xương sống (spinal
tap), hay cách cắt bỏ những phần ruột thừa bị viêm nhiễm. Một bác sĩ phẫu thuật
có thể học cách giải phẫu những hệ thần kinh tinh vi nơi hai bàn tay của tôi.
Hay, có lẽ, một bác sĩ nghiên cứu bệnh học tương lai có thể nhờ tôi mà nhận ra
sự khác biệt giữa những cục máu đông hình thành trước, và sau thời điểm tử
vong.
Đó là một quyết định rất lớn, để chọn xem bạn sẽ đi đến
đâu sau khi bạn đã mất, và là một quyết định vô cùng cá nhân. Rất nhiều người sẽ
không muốn thậm chí bận tâm nghĩ đến nó, một số người khác còn không được phép
tự mình quyết định một chuyện như vậy. Với tôi, tôi sẽ chọn lấy một vai trò chủ
động, và tôi đủ may mắn để có được một cơ hội như thế. Tôi vẫn chưa đi đến quyết
định cuối cùng, nhưng có một mẫu khai đăng ký hiến cơ thể cho một trường y khoa
đã được lưu sẵn trên màn hình máy tính của tôi. Có lẽ, cho đến 31 tháng 12 cuối
năm nay – ngày mà bằng lái xe của tôi hết hạn, và cũng là sinh nhật tôi – tôi sẽ
điền mẫu đăng ký đó, và bỏ nó vào hòm thư bưu điện.
Xuất bản ngày 04 tháng Mười, năm 2013
Người dịch: Nguyễn Tiến Đạt
(sutucon)
Dịch và chỉnh sửa xong lúc 13h26, ngày 25/12/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét