"INSPIRATION PORN"???
Stella Young, một nhà báo, người diễn hài kịch và là nhà hoạt động vì người khuyết tật tại Úc, nói về quan điểm của cộng đồng với người khuyết tật.
Trong một cộng đồng, người khuyết tật vẫn thường được người xung quanh nhìn bằng 2 thái độ, hoặc là thương hại, coi thường, hoặc là kính nể quá đà vì cho họ là phi thường, đặc biệt với những người cố gắng sống và sinh hoạt tự lập.
Stella Young đã thảo luận về chuyện công đồng đang xem những người khuyết tật như những kẻ "khiêu dâm cảm hứng" :)))
Bà nói về quan niệm của xã hội: KHUYẾT TẬT CÓ NGHĨA LÀ PHI THƯỜNG.
Đoạn giới thiệu của chị Khải Đơn. Cám ơn chị đã chia sẻ.
Stella Young: Cảm ơn, nhưng tôi không phải là nguồn cảm hứng cho bạn
[Cám ơn chị Khải Đơn đã chia sẻ :) ]
Tôi lớn lên ở một thị trấn miền quê nhỏ ở Victoria. Tôi có một cuộc sống hồi nhỏ rất bình thường, không có gì đặc sắc hết. Tôi đến trường, tôi tụ tập với bạn bè, tôi chí chóe với các em gái của mình. Tất cả đều rất bình thường. Rồi khi tôi 15 tuổi, một thành viên ở cộng đồng địa phương nơi tôi sống đến tìm bố mẹ tôi và nói muốn đề cử tôi cho Giải thưởng Thành tựu của khu vực. Và bố mẹ tôi nói: “Hưm, các vị thật là tốt, nhưng có một vấn đề rất lớn thế này. Con bé nó chưa đạt được cái thành tựu gì hết”. (Cười)
Và họ nói đúng, bạn biết đấy. Tôi đi học, tôi được điểm tốt, tôi có một công việc ngoài giờ học nhẹ nhàng tại tiệm làm tóc của mẹ tôi, và tôi dành rất nhiều thời gian xem "Buffy the Vampire Slayer" và "Dawson's Creek." Phải, tôi biết. Thật là nghịch lý. Nhưng nó là sự thật, các bạn biết đấy. Tôi không làm cái gì phi thường cả. Tôi đã không làm được điều gì để có thể được coi là một thành tựu nếu bạn bỏ cái sự khuyết tật của tôi ra khỏi phương trình. Nhiều năm sau đó, vào năm thứ hai tôi dạy ở trường Trung học Melbourne, khi tôi vừa bắt đầu lớp Luật 11 được khoảng 20 phút thì có một anh chàng này giơ tay và nói: “Thưa cô, khi nào thì cô sẽ thực hiện bài phát biểu?”. Và tôi hỏi: “Bài phát biểu gì?”. Bạn biết đấy, tôi đã đang nói về luật xúc phạm danh dự đến 20 phút rồi. Và cậu ta nói, “Cô biết mà, cái bài nói chuyện khích lệ của cô ấy. Cô biết đấy, khi những người ngồi xe lăn tới trường, họ thường có những bài phát biểu khơi truyền cảm hứng.” (Cười). “Nó thường được tổ chức ở hội trường lớn ấy ạ”.
Và đó là khi tôi nhận ra: Cậu nhóc này từ trước đến giờ chỉ có những trải nghiệm về người khuyết tật như là những đối tượng để tạo cảm hứng. Chúng tôi không phải như thế -- và đó không phải là lỗi của cậu ấy, ý tôi là, điều đó đúng với rất nhiều trong số chúng ta. Với đa số chúng ta, người khuyết tật không phải là các giáo viên, các bác sĩ hay các thợ làm móng. Chúng tôi không phải là những người thật. Chúng tôi ở đó chỉ để khơi truyền cảm hứng. Và trên thực tế, ngay lúc này tôi đang ngồi trên sân khấu này trên trên xe lăn như thế này, và các bạn chắc cũng đang kỳ vọng tôi sẽ khơi truyền cảm hứng gì đó cho các bạn. Có đúng không? (Cười)
Vậy thì, thưa các quý ông và quý bà, tôi e là mình sẽ phải làm các vị vô cùng thất vọng. Tôi không phải ở đây để khơi truyền cảm hứng. Tôi ở đây để nói với các bạn rằng chúng ta đã bị lừa dối về việc bị khuyết tật. Phải, chúng ta đã bị lừa mà tin rằng khuyết tật là một Điều Xấu, viết hoa 2 chữ đầu. Nó là một Điều Xấu, và việc phải sống với một khiếm khuyết khiến bạn trở nên phi thường. Nó không phải là một điều xấu, và nó cũng không làm bạn phi thường chút nào hết.
Trong vài năm gần đây, chúng ta đã còn tuyên truyền cái lời nói dối này đi xa hơn nữa nhờ vào các phương tiện truyền thông. Các bạn có thể đã từng nhìn thấy những hình ảnh như thế này: “Thứ khuyết tật duy nhất trong cuộc sống là một thái độ tồi”. Hay cái này: “Lý do của bạn là không xác đáng”. Quả thế. Hay cái này: “Trước khi bạn bỏ cuộc, hãy cố gắng!”. Đât chỉ là một vài ví dụ, nhưng có rất nhiều hình ảnh như thế này ngoài kia. Bạn biết đấy, có thể bạn đã thấy hình ảnh cô bé không có tay đang vẽ một bức tranh bằng cây bút chì ngậm trong miệng. Bạn có thể đã thấy đứa trẻ chạy trên đôi chân nhân tạo bằng sợi carbon. Và những hình ảnh này, có rất nhiều như thế ngoài kia, là thứ mà chúng tôi gọi là “khiêu dâm cảm hứng” (“inspiration porn”). (Cười). Và tôi cố ý dùng từ ngữ “khiêu dâm”, bởi chúng đối tượng hóa một nhóm người để giúp ích cho một nhóm người khác. Mục đích của những hình ảnh này là để truyền cho bạn cảm hứng, khích lệ bạn, cổ vũ bạn, để chúng ta có thể nhìn chúng và nghĩ: “Ừ, dù cuộc sống của mình có tệ đến đâu, chúng cũng có thể còn tệ hơn. Mình có thể là cái người đó”.
Nhưng nếu bạn LÀ cái người đó thì sao? Tôi không nhớ được có bao nhiêu lần tôi đã bị những người lạ tiếp cận để nói với tôi rằng họ nghĩ tôi thật dũng cảm, hoặc thật đáng ngưỡng mộ, và đấy là từ rất lâu trước khi công việc của tôi giúp tôi được nhiều người biết tới. Họ chỉ như thể chúc mừng tôi vì đã xoay sở thức dậy được vào mỗi sáng mà vẫn nhớ được tên mình. (Cười). Và đó là một sự đối tượng hóa. Những hình ảnh này coi người khuyết tật là đối tượng để làm lợi cho những người không khuyết tật. Chúng ở đó là để bạn có thể nhìn vào chúng và nghĩ mọi chuyện hóa ra cũng không tệ cho bạn đến thế, để thấy ít tệ hơn với những vấn đề của mình.
Và cuộc sống của một người khuyết tật quả thực cũng có chút gì đó khó khăn. Chúng tôi có vượt qua một số thứ. Nhưng những thứ chúng tôi vượt qua không phải là những thứ như các bạn nghĩ. Chúng không có liên quan gì tới cơ thể của chúng tôi hết. Tôi dùng thuật ngữ “người khuyết tật” một cách khá cố ý, bởi tôi đồng ý với thứ có tên sự khuyết tật bởi xã hội, rằng chúng ta bị khuyết tật bởi xã hội mà chúng ta sống hơn là bởi cơ thể và các bệnh tật của chúng ta.
Vậy tôi đã sống trong cơ thể này khá là lâu. Và tôi khá là thích nó. Nó làm những thứ mà tôi muốn nó làm, và tôi đã học cách dùng nó tốt nhất mức nó có thể cũng hệt như bạn vậy, và điều đó cũng đúng với những đứa trẻ trong các bức ảnh kia. Chúng không phải đang làm điều gì phi thường hết. Chúng chỉ đang dùng cơ thể chúng đến mức độ tốt nhất có thể của nó. Vậy có công bằng không khi đối tượng hóa chúng như cách chúng ta đang làm, khi chia sẻ những bức ảnh đó? Khi người ta nói “Bạn thực là một nguồn cảm hứng lớn”, họ có ý khen ngợi. Và tôi biết vì sao lại thế. Đó là vì cái lời nói dối này, vì chúng ta đã bị lừa dối tin rằng khuyết tật khiến bạn trở nên phi thường. Và thực sự là nó không hề.
Và tôi biết các bạn đang nghĩ gì. Bạn biết đấy, tôi ở đây, muốn thoát ra khỏi “cảm hứng”, và bạn sẽ nghĩ: “Nhưng, Stella, chẳng phải bạn cũng đôi lúc cũng được truyền cảm hứng bởi điều gì đó hay sao?”. Và thực ra là, đúng vậy. Tôi cũng học tập từ những người khuyết tật khác suốt. Nhưng không phải tôi học được là mình may mắn hơn họ. Tôi học được rằng quả thực là thiên tài khi nghĩ ra cách dùng cái kẹp gắp thịt để nhặt những đồ bạn làm rơi xuống đất (Cười). Tôi học được cái mẹo rất hay là bạn có thể sạc pin điện thoại từ ắc quy xe lăn của mình. Thiên tài. Chúng tôi học tập từ nhau nghị lực và sức mạnh, không phải để chống lại cơ thể và bệnh tật của chúng tôi, mà là chống lại một thế giới luôn phi thường hóa và đối tượng hóa chúng tôi.
Tôi thực sự nghĩ rằng cái lời nói dối mà chúng ta tin về việc khuyết tật là sự bất công lớn nhất. Nó khiến cuộc sống với chúng tôi trở nên khó khăn. Và cái câu trích đó, “Thứ khuyết tật duy nhất trong cuộc sống là một thái độ tồi”, lý do nó cực kỳ ngớ ngẩn là vì sự khuyết tật bởi xã hội. Không bao giờ có chuyện đứng cười trước các bậc cầu thang lại biến nó thành thang trượt cho xe lăn được. Không bao giờ (Cười) (Vỗ tay). Mỉm cười trước màn hình tivi không khiến chúng có thêm phụ đề cho những người khiếm thính. Cũng không có chuyện đứng giữa hiệu sách và phát tỏa thái độ sống tích cực lại biến được tất cả đống sách đó thành được sách chữ nổi cho người khiếm thị. Chúng chỉ đơn giản là sẽ không xảy ra.
Tôi thực sự muốn được sống trong một thế giới nơi khuyết tật không phải là một điều phi thường, mà là một thứ bình thường. Tôi muốn sống trong một thế giới nơi một cô bé 15 tuổi ngồi trong phòng xem "Buffy the Vampire Slayer" không được coi là đã đạt được một thành tựu chỉ đơn giản vì cô bé biết ngồi xem tivi. Tôi muốn sống trong một thế giới nơi chúng ta không kỳ vọng ở người khuyết tật thấp đến mức chúng ta chúc mừng họ chỉ vì họ ra được khỏi giường mỗi sáng mà vẫn nhớ được tên mình. Tôi muốn sống trong một thế giới nơi chúng ta trân trọng những thành tích thực sự của người khuyết tật, và tôi muốn sống trong một thế giới nơi một cậu nhóc lớp 11 ở một trường trung học ở Melbourne không hề ngạc nhiên một chút nào khi cô giáo mới của nó là một người ngồi xe lăn.
Khuyết tật không làm bạn trở nên phi thường, nhưng tự chất vấn lại những gì bạn biết về sự khuyết tật thì có đấy.
Cám ơn các bạn.
(Vỗ tay)
.................................................................
Dịch bởi: Nguyễn Tiến Đạt (sutucon)
Bài giới thiệu của chị Khải Đơn:
https://www.facebook.com/khaidon/posts/10202760453506275
https://www.facebook.com/khaidon/posts/10202760453506275
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét