Vào một ngày giữa tuần học đầu tiên của Matilda, cô Honey thông báo với cả lớp: “Cô có vài thông báo rất quan trọng đây, vậy nên tất cả hãy chú ý lắng nghe nhé. Cả em nữa, Matilda. Bỏ cuốn sách đó xuống và chú ý lên đây một chút nào.”
Tất cả học sinh trong lớp đều ngẩng lên nhìn cô Honey, chăm chú lắng nghe.
“Cô Hiệu trưởng Trunchbull có một thói quen,” cô Honey bắt đầu nói: “đó là tiếp quản các lớp học từ các giáo viên chủ nhiệm mỗi tuần một lần. Lớp nào cô ấy cũng làm vậy cả, và mỗi lớp có một lịch dạy cố định riêng dành cho cổ, với ngày học và giờ học cụ thể. Lịch học hàng tuần của lớp mình từ trước đến giờ vẫn luôn là hai giờ chiều ngày thứ Năm, ngay sau bữa trưa. Vậy nên chiều mai vào lúc hai giờ, cô Trunchbull sẽ thay cô dạy các em trong một tiết học. Tất nhiên cô cũng sẽ ở đây, nhưng chỉ với tư cách là một giáo viên dự giờ thôi. Các em đã rõ cả chưa?”
“Rồi ạ, thưa cô Honey.” bọn trẻ đồng thanh đáp.
“Có vài điều cô phải cảnh báo cho các em trước.” cô Honey nói. “Cô Trunchbull rất nghiêm khắc trong tất cả mọi việc. Các em phải làm sao đảm bảo là quần áo của các em thật sạch, mặt mũi thật sạch, rồi tay cũng phải rửa thật sạch nữa. Chỉ nói khi được cổ hỏi. Khi cô Hiệu trưởng hỏi các em bất cứ một câu gì, phải đứng thẳng dậy rồi mới được trả lời. Không bao giờ được tranh cãi với cổ. Không bao giờ được cãi lại cổ. Cũng không bao giờ tỏ ra là mình hài hước, các em nhớ chưa? Nếu làm thế sẽ chọc cho cô ấy tức lên; và khi cô Hiệu trưởng mà tức lên thì các em không biết mình sẽ phải chịu hình phạt gì đâu.”
“Em không thể nào đồng ý hơn.” Lavender lẩm bẩm.
“Có khả năng cao,” cô Honey nói: “là cổ sẽ kiểm tra các em những gì các em đã được học trong tuần vừa rồi, tức là bảng cửu chương hai đó. Vậy nên cô khuyên các em hãy ôn lại nó thật kỹ vào tối nay. Hãy nhờ ba hoặc mẹ các em kiểm tra thử xem các em đã thuộc nằm lòng hay chưa.”
“Vậy ngoài bảng cửu chương ra liệu cô ấy có còn kiểm tra gì nữa không ạ?” có ai đó hỏi.
“Có, cả môn đánh vần nữa.” cô Honey nói. “Hãy cố gắng nhớ lại tất cả những gì các em đã được học từ đầu tuần tới giờ. À, và còn một điều nữa. Phải luôn có một bình nước và một cái cốc được đặt sẵn trên bàn khi cô Hiệu trưởng bước vào lớp. Cô ấy sẽ không bao giờ bắt đầu bài giảng của mình nếu thiếu những thứ đó. Có ai xung phong nhận trách nhiệm đi lấy nước cho cô Hiệu trưởng không?”
“Em ạ.” Lavender nói ngay lập tức.
“Được, tốt lắm Lavender.” cô Honey nói. “Vậy việc của em sẽ là vào bếp, lấy chiếc bình, đổ đầy nước vào trong đó và đặt nó lên đây cùng với một cái cốc sạch ngay trước khi tiết học bắt đầu, được chứ?”
“Nhưng mà nhỡ không có cái bình nào trong bếp thì sao hả cô?” Lavender hỏi.
“Luôn có cả tá cốc và bình đựng nước ở trong bếp đó, Lavender.” cô Honey nói. “Khắp cả trường cùng dùng chúng cho những tiết học của cô Hiệu trưởng mà.”
“Em nhớ rồi ạ.” Lavender đáp. “Cô cứ giao cho em.”
Ngay lập tức trong đầu Lavender đã vạch ra rất nhiều kế hoạch cho công việc lấy nước này. Từ lâu cô bé đã muốn được làm một việc gì đó thật anh hùng. Cô bé rất ngưỡng mộ cô nhóc lớp trên Hortensia vì những trò quậy phá mà cô nhóc đó đã thực hiện thành công. Cô bé cũng rất ngưỡng mộ Matilda, người đã bắt cô bé phải giữ bí mật về vụ con vẹt trong ống khói lò sưởi và vụ tráo đổi chai dầu dưỡng tóc đã khiến cả cái đầu ông bố mình phải đổi màu. Bây giờ sẽ đến lượt cô bé được làm anh hùng, chỉ giá như mà cô bé nghĩ ra được một kế hoạch thật hoàn hảo để làm được điều đó.
Trên đường từ trường trở về nhà chiều hôm đó, cô bé bắt đầu cân nhắc kỹ lưỡng giữa hàng loạt các lựa chọn có thể dùng để vạch ra kế hoạch; và khi cuối cùng đã quyết định được phương án, cô bé bắt đầu phát triển kế hoạch của mình với cùng một sự thận trọng mà Công tước xứ Wellington đã có khi vạch ra kế hoạch cho trận chiến Waterloo[1]. Tất nhiên kẻ địch lần này không phải là Napoleon đại đế; nhưng chắc chắn không học sinh nào của trường tiểu học Crunchem Hall có thể thừa nhận hiệu trưởng Truchbull là một kẻ thù kém độc ác hay kém nguy hiểm hơn ông vua người Pháp nổi tiếng kia. Những kỹ năng hành động điêu luyện cần phải được luyện tập, Lavender tự nhủ; và bí mật của kế hoạch cần phải được tuyệt đối giữ kín, nếu cô bé còn muốn được toàn mạng mà thoát được vụ này.
Có một cái ao nhỏ đầy bùn trong góc vườn ở nhà Lavender, và đây là lãnh địa của cả một tổ nhung nhúc đầy những con sa giông. Loài sa giông, mặc dù sống khá phổ biến trong các ao đầm ở nước Anh, lại có khá ít người được tận mắt trông thấy chúng; bởi chúng là loài vật khá là nhút nhát và sống phần lớn thời gian bên dưới những lớp bùn. Con sa giông trông rất xấu và thậm chí là còn hơi đáng ghê, trông hệt như một con cá sấu con, chỉ khác một điểm là sa giông có cái đầu ngắn hơn. Tuy rằng nó vô hại đối với con người, nhưng nhìn qua thì không có vẻ như thế chút nào. Nó dài khoảng mười lăm phân, khắp thân mình phủ đầy nhớt, da phía trên lưng xanh nhợt màu rong rêu nhưng phía dưới bụng lại sặc sỡ một màu cam. Trên thực tế, sa giông là một loài lưỡng cư, tức là nó có thể sống được cả trên cạn và dưới nước.
Buổi tối hôm đó Lavender xách đồ nghề ra góc vườn, quyết tâm bắt cho bằng được một con sa giông[2]. Chúng là loài vật rất mau lẹ, và kể cả việc giữ được cho chặt được một con trong tay cũng không dễ tí nào. Cô bé ngồi yên lặng bên bờ ao một lúc lâu, kiên nhẫn chờ đợi; rồi bất ngờ cô bé phát hiện ra một con rất to. Ngay lập tức, lấy chiếc mũ vẫn đội để đi học của mình làm lưới, Lavender thình lình tấn công và tóm gọn con vật.
Cô bé đã chuẩn bị sẵn chiếc hộp đựng bút chì của mình để làm lồng nhốt con sa giông, với cả một đống cỏ dày được xếp đặt cẩn thận dưới đáy hộp; nhưng rồi cô bé phát hiện ra việc lấy được nó ra khỏi mũ và tống nó vào cái hộp không hề dễ một chút nào. Nó cứ hết vặn vẹo từ bên này sang bên kia rồi lại uốn éo đủ kiểu; hơn thế nữa, chiều dài cái hộp chỉ vừa suýt soát đủ để có thể tống được nó vào trong. Khi cuối cùng đã nhét được con sa giông vào trong cái hộp, Lavender còn phải cẩn thận không để cho cái đuôi của con vật bị mắc ở ngoài khi cô bé đóng nắp hộp lại. Một thằng bé hàng xóm của Lavender tên là Rupert Entwistle có lần đã dọa là nếu cắt đi cái đuôi của một con sa giông, cái đuôi đó vẫn sẽ sống và biến trở lại một con sa giông mới to gấp mười lần con sa giông cũ; thậm chí to bằng nguyên một con cá sấu. Lavender không tin vào chuyện đó cho lắm, nhưng dù sao thì cô bé cũng muốn tránh những trò mạo hiểm không cần thiết.
Cuối cùng Lavender cũng xoay sở để đậy chặt được nắp cái hộp vào trước khi mang nó vào nhà. Sau đó, cô bé đổi ý và mở he hé chiếc nắp hộp ra một chút, để cho con vật bên trong không bị chết ngạt.
Ngày hôm sau, cô bé bỏ thứ vũ khí bí mật của mình vào cặp sách và mang nó đến trường. Cả buổi hôm đó cô bé cứ như run lên vì phấn khích. Cô bé rất muốn kể với Matilda về kế hoạch tác chiến của mình. Thật sự ra, cô bé còn muốn nói với cả lớp về kế hoạch đó ấy chứ. Tuy vậy, cuối cùng Lavender quyết định sẽ không nói chuyện này ra cho bất kỳ ai biết cả. Như thế thì tốt hơn, bởi bằng cách này, không ai, kể cả là có phải chịu những trò tra tấn tàn độc nhất của kẻ địch, có thể chỉ ra được thủ phạm chính là cô bé.
Bữa ăn trưa đã đến. Thực đơn hôm nay bao gồm xúc xích và đậu nướng, món khoái khẩu của Lavender, nhưng cô bé chẳng hề động đũa đến một miếng.
“Em thấy trong người ổn chứ, Lavender?” cô Honey hỏi từ đầu bên kia của chiếc bàn.
“Không sao đâu ạ, chỉ là em vẫn còn quá no từ bữa sáng thôi.” Lavender nói. “Giờ em chẳng thể ăn thêm thứ gì nữa.”
Ngay sau bữa trưa, cô bé chạy vào bếp và tìm thấy một trong những chiếc bình nước dành riêng cho tiết dạy học của hiệu trưởng Trunchbull. Nó là một chiếc bình bằng gốm màu xanh, to bự, có vòi và cả tay nắm. Cô bé đổ đầy nước vào một nửa bình và mang nó cùng một chiếc cốc vào lớp học, đặt chúng lên trên bàn giáo viên. Trong lớp vẫn trống trơn, chẳng có ai ngoài Lavender. Nhanh như chớp, cô bé lao tới lấy chiếc hộp bút chì từ trong cặp mình, hé mở nắp ra một chút để đưa mắt vào nhìn bên trong. Con sa giông vẫn đang nằm rất yên trong hộp. Rất cẩn thận, cô bé đưa chiếc hộp đến bên miệng bình, mở tung nắp ra và trút thẳng con sa giông vào trong. Có một tiếng “Tõm!” khẽ vang lên lúc con vật chạm mặt nước; nó vặn vẹo và ngọ nguậy một chút; rồi lại nằm yên như cũ. Rồi, để con vật cảm thấy thoải mái hơn một chút, Lavender quyết định đổ hết cả đống cỏ lót trong chiếc hộp vào cái bình nước luôn.
Kế hoạch đã được sắp đặt xong. Tất cả đã sẵn sàng. Lavender trút hết những cái bút chì của mình trở lại cái hộp bút giờ đã ướt sũng và trả nó về chỗ cũ trên bàn học của mình. Rồi cô bé bỏ ra ngoài sân chơi và nhập hội với những đứa trẻ khác, cho đến khi giờ học tiếp theo bắt đầu.
_________________________________
[1] Trận Waterloo là một trận đánh nổi tiếng trong những cuộc chiến tranh của Napoléon, diễn ra vào ngày Chủ nhật 18 tháng 6 năm 1815 tại một địa điểm gần Waterloo, thuộc Bỉ ngày nay. Quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Napoléon Bonaparte đã bị đánh bại bởi liên quân của Liên minh thứ bảy, bao gồm quân Anh và đồng minh do Công tước Wellington chỉ huy và quân Phổ do Thống chế Gebhard Leberecht von Blücher chỉ huy. Đây là trận đánh kết thúc chiến dịch Waterloo và cũng là trận đánh cuối cùng của Napoléon. Là một chiến thắng toàn diện của quân Đồng minh, thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoléon và Vương triều Một Trăm ngày của ông.
[2] Nguyên bản
“a newt” - con sa giông, một loài thuộc họ kỳ giông, là một họ với khoảng 74 loài (có thể hơn) lưỡng cư có đuôi (còn giữ đuôi khi đến độ trưởng thành); phân ba tại khắp bán cầu bắc - châu Âu, châu Á, và rìa phía bắc của châu Phi và Bắc Mỹ. Họ Kỳ giông có đặc điểm là có đốt sống lõm hai mặt, có mí mắt cử động.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét