Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

CÔ HONEY


Bé Matilda bắt đầu tới trường hơi muộn hơn so với các bạn cùng lứa. Hầu hết mọi đứa trẻ khác sẽ bắt đầu học tiểu học khi đã lên năm, có khi còn sớm hơn; thế nhưng ba mẹ Matilda, những người chẳng hề có chút quan tâm nào tới việc học hành của cô con gái, đã quên bẵng đi mà không sắp xếp việc xin nhập học cho con mình từ sớm. Lần đầu tiên Matilda được bước vào trường tiểu học, cô bé đã năm tuổi rưỡi. 

Ngôi trường nhỏ trong làng, nơi cô bé theo học, là một tòa nhà nhỏ bằng gạch có tên Trường Tiểu Học Crunchem Hall. Ngôi trường có khoảng hai trăm năm mươi học sinh, từ năm cho đến mười hai tuổi. Người Hiệu trưởng, vị sếp, vị thủ lĩnh tối cao của tổ chức có tên là hiệu trưởng Trunchbull, một người phụ nữ tuổi trung niên đầy quyền lực và vô cùng đáng sợ. 

Matilda được xếp vào khối lớp Một, nơi có mười tám bạn nữa cũng cùng tuổi với cô bé. Giáo viên chủ nhiệm của các cô cậu bé này là một cô giáo trẻ tên là Honey. Cô Honey; nhìn kiểu gì thì cũng không thể hơn hai ba, hai tư tuổi được; có một khuôn mặt trái xoan rất đẹp, với một đôi mắt xanh và một mái tóc màu hơi hơi nâu nhạt. Trông cô rất mỏng manh và yếu ớt, đến nỗi khiến cho người ta có cảm giác là nếu chẳng may bị trượt chân ngã, cô sẽ lập tức vỡ tan ra ngay thành cả trăm ngàn mảnh, hệt như khi người ta đánh rớt một bức tượng đẹp đẽ làm bằng pha lê. 

Cô Jenifer Honey là một người rất dịu dàng và trầm tính; cô chưa bao giờ lên giọng với bất cứ ai, và cũng rất hiếm khi cười; nhưng cô luôn chiếm được cảm tình của tất cả những học sinh bé nhỏ được cô chăm sóc. Cô dường như có thể hiểu rất rõ nỗi bối rối và sợ sệt của các bé khi lần đầu tiên ngồi trong lớp học và được dạy phải tuân theo nề nếp. Vẻ ấm áp và sự dịu dàng như hiện rõ trên gương mặt cô mỗi khi cô nhẹ nhàng nói chuyện với một cô hay cậu học sinh mới chuyển đến, hãy còn bỡ ngỡ và chỉ muốn về nhà. 

Hiệu trưởng Trunchbull, giáo viên Hiệu trưởng trường, thì lại hoàn toàn ngược lại; một con quái vật hung dữ và bạo ngược; nỗi khiếp sợ của tất cả học sinh và cả các giáo viên nữa. Có thể cảm thấy rõ sự nguy hiểm đang đến thậm chí từ khi mụ còn đang ở cách ta một quãng xa; và khi mụ đến gần, người ta gần như có thể thấy rõ nguy hiểm đang chực trào ra như hơi nóng toát ra từ một cái nồi sắt nung đang réo ùng ục. Khi mụ bước dọc theo hành lang - không như người thường bước, mà lúc nào cũng nện gót ầm ầm xuống mặt sàn như cả một quân đoàn đang diễu binh - người ta có thể nghe thấy rõ cả tiếng khịt mũi của mụ; và nếu có đám trẻ nào chẳng may đang xớ rớ trên đường đi, mụ sẽ không ngần ngại mà tông thẳng vào chúng như một cái xe tăng nghiến nát địch thủ, gạt tung hết bọn trẻ sang hai bên trái, phải để lấy lối mà bước đi. Phải tạ ơn trời đất là chúng ta không hay phải gặp những người như mụ; mặc dù cũng có những người như thế có tồn tại trên thế giới này thật, và trong suốt cuộc đời mỗi chúng ta đều có cơ hội sẽ gặp phải ít nhất là một kẻ trong số họ. Nếu có bao giờ gặp, điều tốt nhất mà các bạn nên làm là hành xử như khi bạn gặp phải một con tê giác điên đang lồng lộn chạy ra từ một bụi cây - lập tức leo lên một cái cây cao ở gần bạn nhất, và cứ ở yên trên đó, đợi đến khi nào nó đi khuất đi rồi hẵng tụt xuống. Người phụ nữ này, cả về diện mạo lẫn tính cách, đều gần như không thể diễn tả nổi bằng lời; tuy nhiên tôi cũng sẽ thật cố gắng để làm được điều đó trong những chương tiếp theo. Giờ chúng ta hãy cùng quay trở lại với Matilda và tiết học đầu tiên của bé ở trường với cô Honey. 

Sau khi đã điểm danh xong toàn bộ các học sinh, cô Honey bê lên một chồng sách mới và phát cho mỗi bạn một quyển. 

“Cô chắc là các em đều có mang bút chì theo rồi chứ?” cô hỏi. 

“Vâng ạ!” cả lớp đồng thanh đáp. 

“Tốt lắm. Hôm nay là ngày đầu tiên tới trường của các em, và cũng sẽ là khởi đầu cho ít nhất là mười một năm học tiếp theo mà các em sẽ phải trải qua trong suốt đời học sinh của mình. Sáu năm đầu tiên trong đó các em sẽ được học ở ngay đây, tại trường Crunchem Hall này; nơi mà như các em đã biết, có Hiệu trưởng là cô Trunchbull. Có một số điều về cô Trunchbull mà cô muốn các em phải ghi nhớ cho thật kỹ, vì chính lợi ích của các em thôi. Thứ nhất, đó là cô Truchball đặc biệt nghiêm khắc trong việc đảm bảo kỷ luật nơi trường học, nên các em nhớ phải thật ngoan khi ở gần cô ấy, được chứ? Không được tranh luận với cổ. Không được cãi lại cổ. Luôn luôn làm theo những gì mà cô ấy nói. Còn nữa, nếu có ai trong các em mà đứng chắn đường cô Trucnchball, cô ấy có thể sẽ nghiến cho các em nát ra như cám. Cô nói thật đấy, và Lavender, đó không phải là thứ đáng để cười đâu! Và tất cả các em phải nhớ kỹ là, cô Trunchbull chắc chắn sẽ không tha thứ cho bất cứ ai vi phạm nội quy của trường đâu đấy. Các em đã rõ cả chưa?” 

“Thưa cô rồi ạ!” cả mười tám học sinh cùng reo lên. 

Cô Honey nói tiếp: “Cô sẽ cố gắng hết sức để giúp các em có thể học được nhiều nhất có thể khi các em ở trong lớp của cô. Đấy là vì càng học tốt từ bây giờ, sau này lên cao các em sẽ càng học dễ dàng hơn. Ví dụ, cô hy vọng rằng đến cuối tuần này, tất cả chúng ta sẽ đều thuộc nằm lòng bảng cửu chương hai. Và cứ thế trong vòng một năm, cô muốn các em sẽ có thể thuộc lòng các phép nhân cho đến tận bảng cửu chương mười hai[1]. Học tốt bảng cửu chương sẽ giúp cho các em rất nhiều sau này đấy. Được rồi, giờ thì có ai ở đây đã học đến bảng cửu chương hai rồi không?” 

Matilda liền giơ tay lên. Và cô bé là người duy nhất trong lớp làm thế. 

Cô Honey cẩn thận nhìn kỹ cô bé với mái tóc đen và một khuôn mặt tròn rất nghiêm túc đang ngồi ở dãy bàn thứ hai từ trên xuống. “Tốt lắm.” cô nói: “em có thể đứng lên và đọc lại cho lớp những gì em đã học được không?” 

Matilda đứng dậy và bắt đầu đọc vanh vách bảng cửu chương hai. Nhưng cô bé vẫn không dừng lại khi đã đọc đến hai lần mười hai là hai mươi bốn. Cô bé đọc tiếp luôn hai lần mười ba là hai mươi sáu, hai lần mười bốn là hai mươi tám, hai lần mười lăm là ba mươi, rồi… 

“Được rồi, em dừng lại chút nào!” cô Honey nói. Nãy giờ cô dường như đã hết sức chăm chú lắng nghe những lời đọc vanh vách, trôi chảy của Matilda. “Em còn đọc tiếp được đến bao nhiêu nữa?” cô hỏi. 

“Đến bao nhiêu ấy ạ?” Matilda nói. “Ưm, em cũng không biết nữa ạ. Chắc là cũng khá lớn, em nghĩ thế.” 

Cô Honey khựng lại một chút vì ngạc nhiên. “Ý em là,” cô nói: “em có thể biết hai lần hai mươi tám là bao nhiêu à?” 

“Vâng, thưa cô.” 

“Vậy em nói cho cô biết được không?” 

“Dạ, là năm mươi sáu, thưa cô.” 

“Ưm, vậy còn số nào đó lớn hơn nữa thì sao, như hai lần của bốn trăm tám mươi bảy chẳng hạn? Em có biết nó là bao nhiêu không?” 

“Dạ có, thưa cô.” 

“Em nói thật đấy chứ? 

“Dạ vâng, thưa cô, em chắc chắn mà!” 

“Được rồi, vậy em nói cô nghe, hai lần của bốn trăm tám bảy là bao nhiêu?” 

“Dạ, là chín trăm bảy mươi tư.” Matilda trả lời ngay tức khắc. Cô bé nói với cô giáo một cách rất nhẹ nhàng và lễ phép, không có chút gì tỏ ra khoe khoang, khoác lác cả. 

Cô Honey nhìn thẳng vào Matilda, mắt mở lớn vì ngạc nhiên. Nhưng sau đó, cô lấy lại ngay mức giọng bình thường của mình và nói: “Tuyệt lắm!” cô nói. “Nhưng tất nhiên, nhân với hai thì vẫn dễ hơn nhiều so với phép nhân của những số khác to hơn. Vậy còn những bảng cửu chương khác thì sao? Em đã học qua đến những bảng đó chưa?” 

“Dạ, em nghĩ là rồi, thưa cô.” 

“Những bảng nào vậy, Matilda? Em đã học đến bảng nào rồi?” 

“Em… em cũng không biết nữa ạ.” Matilda nói. “Em không hiểu lắm ý cô hỏi là gì?” 

“Ừm, thì thí dụ như là em có biết bảng cửu chương ba không?” 

“Dạ có, thưa cô.” 

“Cả bảng cửu chương bốn nữa?” 

“Dạ vâng ạ.” 

“Ôi, vậy em biết đến đâu rồi, Matilda? Em có biết đến hết tận bảng cửu chương mười hai không?” 

“Dạ có ạ.” 

“Vậy mười hai lần bảy là bao nhiêu?” 

“Tám mươi tư ạ.” Matilda đáp. 

Cô Honey dừng lại, rồi ngả người ra ghế, sau chiếc bàn giáo viên đặt ở ngay chính giữa bục giảng. Cô dường như bị sốc trước những gì vừa chứng kiến, nhưng không để lộ nó ra ngoài. Cô chưa bao giờ gặp một đứa bé nào mới có năm tuổi, hay thậm chí là mười tuổi, lại có khả năng tính toán nhanh được đến thế. 

“Hy vọng là tất cả các em vẫn đang nghe bạn nói nãy giờ.” cô nói với cả lớp. “Bạn Matilda đã rất may mắn, khi có ba mẹ đã sẵn sàng bỏ thời gian dạy bạn ấy phép nhân những số lớn. Nói cô nghe Matilda, có phải mẹ em đã dạy em làm phép tính nhân không?” 

“Dạ không thưa cô, không phải mẹ em đâu ạ.” 

“Vậy chắc em có một người bố tuyệt lắm. Ông ấy hẳn phải là một giáo viên rất giỏi.” 

“Dạ không đâu thưa cô.” Matilda nói. “Ba em chưa có dạy em bao giờ hết.” 

“Vậy ý em là em đã tự học tất cả sao?” 

“Em cũng không biết nữa…” Matilda thành thật nói. “Chỉ là em chẳng thấy có gì khó khăn khi nhân số này với số khác cả.” 

Nghe đến đây, cô Honey liền hít một hơi thật sâu, rồi từ từ thở hắt ra một cách chậm rãi. “Không có gì khó khăn khi nhân số này với số khác,” cô nói: “liệu em có thể giải thích kỹ hơn một chút cho cô và các bạn được không?” 

“Ư… ưm…” Matilda ấp úng. “Em cũng không biết là tại sao lại thế nữa.” 

Cô Honey như dừng lại đôi chút để nghĩ. Cả lớp học đều im phăng phắc, tất cả đều đang chăm chú lắng nghe. 

“Ví dụ như là,” cô Honey nói: “nếu cô hỏi em mười bốn nhân với mười chín là… không, cái đó thì khó quá…” 

“Dạ, hai trăm sáu mươi sáu ạ.” cô bé nhẹ nhàng đáp. 

Cô Honey nhìn chằm chằm vào bé Matilda. Rồi cô nhặt một mẩu bút chì lên và nhanh chóng ghi lại phép toán lên một tờ giấy. Rồi cô ngẩng lên và hỏi. “Em vừa nói là bao nhiêu cơ?” 

“Hai trăm sáu mươi sáu ạ.” Matilda đáp. 

Cô Honey từ từ đặt mẩu bút chì của mình xuống, gỡ cặp kính đang đeo ra và bắt đầu lau lại hai mắt kính bằng một chiếc khăn nhỏ. Tất cả các học sinh trong lớp vẫn tuyệt đối giữ yên lặng, chờ đợi xem điều gì sẽ xảy đến tiếp theo. Matilda thì vẫn đứng nguyên tại chỗ, bên cạnh chiếc bàn của mình. 

“Nói cô nghe nào, Matilda,” cô Honey nói, vẫn đang lau kính: “thứ gì đã diễn ra trong đầu em khi em làm một phép tính khó như vậy? Em chắc chắn cũng phải tính toán theo một cách nào đấy chứ, đúng không? Nhưng em lại có thể đưa ra câu trả lời gần như là ngay tức khắc. Cứ lấy ví dụ ngay cái phép tính em vừa mới làm ấy, mười bốn nhân với mười chín. Em đã làm như thế nào vậy?” 

“Em… em… em chỉ đơn giản là ghi con số mười bốn vào đầu, rồi nhân nó lên mười chín lần thôi,” Matilda nói. “Em không biết cách nào khác để giải thích nó nữa. Lúc nào em cũng tự nói với mình là, nếu một cái máy tính bỏ túi bé xíu còn có thể làm được, thì cớ gì mà mình lại không thể?” 

“Ừ, đúng, sao lại không thể?” cô Honey nói. ‘Bộ óc con người vốn là một thứ rất kỳ diệu mà.” 

“Em nghĩ nó chắc chắn phải tốt hơn mấy miếng sắt đó chứ,” Matilda nói. “Rốt cục cái máy tính cũng chỉ là mấy miếng sắt ghép lại thôi mà.” 

“Em nói đúng đấy,” cô Honey nói. “Và dù sao thì các em cũng không được phép dùng máy tính ở trường đâu.” Cô Honey giờ đã hoàn toàn chắc chắn rằng mình vừa mới gặp một bộ óc với khả năng tính toán thực sự phi thường; và những từ ngữ như “thần đồng” hoặc “thiên tài” liên tiếp xuất hiện trong tâm trí cô. Cô cũng biết là những người kỳ diệu như thế này thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên thế giới, vào lúc này hay lúc khác; nhưng cả mấy trăm năm cũng mới chỉ có một hoặc hai trường hợp như thế mà thôi. Mozart cũng chỉ mới năm tuổi khi ông ấy bắt đầu sáng tác bản nhạc đầu tiên trên chiếc piano, và hãy nhìn xem ông ấy đã tiến xa được đến đâu kìa. 

“Thật không công bằng,” Lavender nói: “sao bạn ấy làm được mà chúng em lại không chứ?” 

“Đừng lo, Lavender, rồi các em sẽ sớm bắt kịp bạn ấy thôi.” cô Honey đáp, mặc dù thừa biết là chuyện đó còn lâu mới xảy ra thật. 

Lúc này, cô Honey không thể cưỡng lại ham muốn được tìm hiểu thêm nữa về cô bé kỳ lạ đang ngồi trước mặt mình. Cô biết là cô nên để tâm tới cả những học sinh khác trong lớp nữa, nhưng cô đang quá háo hức để có thể nghĩ đến thứ gì khác được. 

“Thôi được,” cô nói, giả vờ như là đang nói với cả lớp: “hãy tạm dẹp toán sang một bên và chuyển sang môn đánh vần đã nhé. Em nào có thể đánh vần được chữ “mèo” thì giơ tay lên nào!” 

Ba cánh tay giơ lên. Chúng thuộc về Lavender, một cậu bé tên là Nigel, và Matilda. 

“Vậy, Nigel, em thử đánh vần chữ ‘mèo’ xem nào!” 

Nigel đứng dậy và đánh vần chữ “mèo” cho cả lớp. 

Cô Honey quyết định sẽ hỏi một câu hỏi mà lúc bình thường, có mơ cô cũng không bao giờ nghĩ có thể đem ra hỏi các học sinh lớp Một trong ngày đầu tiên chúng đi học. “Cô đang tự hỏi,” cô nói: “không biết có ai trong ba em có thể đọc được nhiều từ một lúc, khi chúng đã được viết thành một câu hoàn chỉnh hay không?” 

“Em ạ.” Nigel nói. 

“Cả em nữa.” Lavender nói. 

Cô Honey bèn lấy một viên phấn và viết lên bảng dòng chữ sau: “Em đã được học cách đọc các câu dài từ trước khi đến trường.” Cô đã cố ý viết một câu thật khó, mà cô biết là trên khắp cả thế giới này, chỉ có vài đứa trẻ năm tuổi thực sự giỏi mới có thể đọc được thôi. 

“Em đọc nó cho cô được không, Nigel?” Cô hỏi. 

“Cái đó… khó quá cô ơi!” Nigel đáp. 

“Thế còn Lavender?” 

“Ưm… chữ đầu tiên là chữ Em.” Cô bé nói. 

“Có em nào ở đây có thể đọc trọn vẹn cả câu này không?” Cô giáo hỏi, chờ đợi một tiếng “Có ạ!” phát ra từ phía Matilda. 

“Có ạ.” Matilda nói. 

“Được, vậy em đọc cho cả lớp nghe đi.” 

Matilda liền đứng dậy, đọc vanh vách cả câu không sai một chữ. 

“Tốt lắm, thực sự rất tốt!” cô Honey nói, cố ý giảm nhẹ đi sự kỳ diệu trong hành động vừa rồi của cô bé xuống rất nhiều. “Em có thể đọc được nhiều không, Matilda?” 

“Dạ, em nghĩ là gần như mọi thứ, thưa cô.” Matilda đáp. “dù vậy không phải lúc nào em cũng hiểu được ý nghĩa của các câu nói.” 

Cô Honey vội đứng dậy và nhanh chóng bước ra khỏi phòng, nhưng trở lại ngay chỉ sau có mấy chục giây, mang theo một cuốn sách dầy cộp. Cô mở cuốn sách ra ở một trang bất kỳ nào đấy và đặt nó xuống trước mặt Matilda. “Đây là một quyển tuyển tập thơ thiếu nhi,” cô nói: “em có thể đọc to những dòng đó lên được không?” 

Một cách rất trôi chảy, không có một chút vấp váp và nhanh ở một mức hợp lý, Matilda bắt đầu đọc to: 

"Thực khách ăn ở nhà hàng 

Chợt thấy chú chuột lang thang trong nồi. 

Anh bồi vội vã xua tay: 

“Xin đừng la lớn, cũng đừng giơ lên 

Kẻo bàn bên cạnh trông sang 

Thấy ông có chuột, lại đòi thì…xong!”[2]

Một vài đứa trẻ thấy được sự hài hước của bài thơ, bèn cười phá lên. Cô Honey hỏi: “Matilda, em có biết ‘thực khách’ có nghĩa là gì không?” 

“Dạ, là người đến nhà hàng hoặc các quán ăn để ăn chứ không ăn cơm ở nhà ạ.” Cô bé đáp. 

“Đúng vậy.” cô nói. “Vậy em có tình cờ biết bài thơ này được viết ở thể thơ nào không?” 

“Dạ, là thơ ngắn hài hước[3]” Matilda nói. “Em thích thể loại thơ này, có nhiều bài buồn cười lắm ạ.” 

“Đây là một bài thơ khá nổi tiếng đấy.” Cô Honey nói, gập cuốn sách lại và đặt nó lên bàn giáo viên. “Một bài thơ ngắn hài hước mà lại còn hay rất khó để viết,” cô nói thêm. “trông thì tưởng là dễ viết, nhưng hoàn toàn không dễ tí nào.” 

“Em biết ạ.” Matilda nói. “Em cũng đã thử vài lần, nhưng những bài thơ mà em viết ra chẳng hay tí nào cả.” 

“Ôi, thật thế ư?” cô Honey thốt lên, trông có vẻ kinh ngạc hơn bao giờ hết. “Matilda à, cô sẽ rất vui nếu được nghe một bài thơ ngắn hài hước mà em đã viết. Em có thể đọc một bài cho cô và cả lớp nghe được không?” 

“Ưm,” Matilda nói, hơi có chút lưỡng lự: “Thực ra thì em vừa thử làm một bài thơ về cô đó, cô Honey, trong lúc ngồi đợi ở đây.” 

“Về cô ư!” Cô Honey kêu lên. “Vậy thì chắc chắn chúng ta phải nghe nó rồi, đúng không nào cả lớp?” 

“Ưm… có lẽ em không đọc nó thì tốt hơn, thưa cô.” 

“Ôi, đọc đi mà.” cô Honey nói. “Cô hứa là sẽ không bận tâm gì đâu!” 

“Em chắc là cô sẽ bận tâm đó, cô Honey, bởi em đã buộc phải dùng tên riêng[4] của cô để gieo cho có vần, và đấy cũng là lý do tại sao em không muốn đọc nó[5].” 

“Tên riêng của cô ư? Làm thế nào mà em biết được tên riêng của cô?” 

“Dạ, em nghe một cô giáo khác gọi cô bằng tên riêng lúc chúng em vừa mới vào lớp. Cô ấy gọi cô là Jenny.” 

“Kể cả thế cô vẫn nhất quyết phải nghe cho bằng được bài thơ này.” Cô Honey nói, và một nụ cười rất hiếm thấy nở trên gương mặt cô. “Đứng lên và đọc nó cho cả lớp đi nào, Matilda.” 

Bất đắc dĩ, Matilda đành chậm rãi đứng lên. Và một cách rất căng thẳng, cô bé bắt đầu đọc bài thơ ngắn của mình: 

“Hỏi người như là Jenny 

Một cô giáo trẻ, mặt hiền đáng yêu 

Người như cô thế liệu có nhiều? 

Trời kêu vọng xuống: ‘Chẳng nhiều lắm đâu!’ ”[6]

Cả khuôn mặt trái xoan nhìn rất dễ mến của cô Honey bắt đầu đỏ lên vì ngượng ngùng. Và rồi cô lại cười một lần nữa, lần này là một nụ cười tươi tắn hơn rất nhiều, nụ cười của niềm vui thích không thể che giấu. 

“Ôi, cám ơn em, Matilda!” cô nói, vẫn mỉm cười. “Mặc dù không đúng, nhưng đấy quả là một bài thơ ngắn rất hay. Ôi ôi, cô phải cố nhớ lấy bài thơ này mới được!” 

“Ôi, bài thơ nói đúng mà cô!” một cậu bé tên là Rupert nói. 

“Tất nhiên rồi!” Nigel nói. 

Tự nhiên cả lớp đã bày tỏ rất nhiều thiện cảm với cô Honey, dù cho từ nãy đến giờ cô gần như chẳng chú ý gì đến ai ngoài Matilda cả. 

“Ai đã dạy cho em biết đọc vậy, Matilda?” Cô Honey hỏi. 

“Em gần như là tự học thôi ạ, thưa cô.” Matilda đáp. 

“Vậy em đã tự đọc một cuốn sách nào chưa, như mấy cuốn sách thiếu nhi chẳng hạn?” 

“Dạ có, em đã đọc hết chỗ sách thiếu nhi có ở thư viện trong thị trấn rồi cô ạ.” 

“Vậy em có thích chúng không?” 

“Có một vài quyển em thực sự rất thích,” Matilda nói. “nhưng những cuốn còn lại thì có hơi chán một chút ạ.” 

“Vậy em kể cho cô tên một cuốn mà em thích xem nào.” 

“Ưm, em thích cuốn ‘Sư tử, mụ phù thủy và chiếc tủ quần áo[7]’ “ Matilda nói. “Em nghĩ ông C.S.Lewis thực sự là một nhà văn rất xuất sắc. Nhưng ông ấy cũng có một điểm yếu, đấy là trong các cuốn truyện của ổng chẳng có chỗ nào hài hước cả.” 

“Ừm, em nói đúng đấy.” Cô Honey nói. 

“Cả ông Tolkien cũng thế ạ, cũng chẳng có mấy chỗ hài hước nào trong truyện của ông ấy.” 

“Em có nghĩ là tất cả các cuốn truyện thiếu nhi đều nên có thêm chút hài hước không?” Cô Honey hỏi. 

“Có chứ ạ.” Matilda đáp. “Trẻ em thì không phải lúc nào cũng nghiêm túc như người lớn; với cả trẻ em thì rất thích cười mà!” 

Cô Honey vô cùng kinh ngạc và có chút thán phục trước kiến thức và trí thông minh của cô bé Matilda. Rồi cô hỏi: “Nếu đã đọc xong hết tất cả sách thiếu nhi rồi, vậy bây giờ em đang làm gì tiếp?” 

“Dạ, bây giờ em đang đọc đến những cuốn khác ạ.” Matilda nói. “Em mượn chúng từ thư viện. Cô Phelps thủ thư ở đó tốt lắm, cổ còn giúp em chọn sách nữa.” 

Cô Honey bây giờ đang nhoài cả người ra trước cái bàn, nhìn cô bé trước mặt mình với ánh mắt ngưỡng mộ. Cô đã hoàn toàn quên bẵng toàn bộ các học sinh còn lại trong lớp. “Là những cuốn nào vậy?” cô hỏi. 

“Em thích nhất là những cuốn của ông Charles Dickens.” Matilda nói. “Chúng rất hay, và cũng rất buồn cười nữa, đặc biệt là nhân vật Ông Pickwick ấy ạ.” 

Đúng lúc đó thì chiếc chuông gắn ở ngoài hành lang reo lên, báo hiệu giờ học đã kết thúc. 

________________________________________ 

Chú thích 

8) Nguyên bản: 

“An epicure dining at Crewe, 

Found a rather large mouse in his stew. 

Cried the waiter, ‘Don’t shout 

And wave it about 

Or the rest will be wanting one too.’ “ 

Dịch nghĩa: 

“Một thực khách sành ăn đang dùng bữa tối tại một nhà hàng ở thành phố Crewe, 

Thì bỗng thấy một chú chuột khá lớn nằm chết trong nồi súp thịt của mình. 

Người bồi bàn vội nói: ‘Xin đừng kêu lên! 

Và cũng đừng giơ nó lên cao! 

Kẻo những người khác nhìn thấy cũng sẽ lại đòi nhà hàng phục vụ món thịt chuột mất!’” 

12) Nguyên bản: 

“The thing we all ask about Jenny 

Is ‘Surely there cannot be many 

Young girls in the place 

With so lovely a face?’ 

The answer to that is, ‘Not any!’ “ 

Dịch nghĩa: 

“Thứ chúng ta vẫn hỏi về (cô) Jenny 

đấy là ‘Chắc chắn không thể có nhiều 

Những cô gái trẻ như thế ở đây 

Có khuôn mặt dễ thương đến như thế?’ 

Câu trả lời là, ‘Chẳng có ai nữa đâu!’
_________________________________

[1] Ở Anh và một số nước khác, bảng cửu chương không dùng lại ở 9 mà bao gồm 12 bảng, ngoài 9 chương từ 1 đến 9 còn thêm các chương 10, 11 và 12. 

[2] Xin xem thêm ở phần chú thích phía cuối chương truyện. 

[3] Nguyên bản: “limerick” - một thể thơ ngắn thường có chứa yếu tố hài hước, gồm hai câu dài có chữ cuối vần với nhau, theo sau là hai câu ngắn hơn vần với nhau, kết thúc lại bằng một câu dài vần với hai câu dài đầu tiên. 

[4] Nguyên bản: “firstname” - Tên riêng. Người Anh có 3 loại tên, đó là “first name” (tên riêng); “middle name” (tên đệm) và “last name” (họ). Thường trong xưng hô chỉ dùng “last name” để gọi nhau; chỉ trừ những người rất thân thiết như cha mẹ, họ hàng, bạn thân mới dùng đến “first name”.

[5] Trong xưng hô bình thường, chỉ trừ gia đình, họ hàng và bạn bè thân thiết; ngoài ra thì người ta thường tránh không sử dụng tên riêng để gọi nhau (bị coi là bất lịch sự, thiếu lễ độ, suồng sã quá mức cho phép). 

[6] Xin xem thêm ở phần chú thích phía cuối chương truyện. 

[7] Nguyên bản: “The Lion, the Witch and the Wardrobe” - một cuốn tiểu thuyết giả tưởng dành cho thiếu nhi rất nổi tiếng của nhà văn Anh C. S . Lewis; xuất bản lần đầu năm 1950 và đã được dịch ra trên 47 thứ tiếng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét